Cán bộ huyện quấy rối nữ đồng nghiệp chỉ bị phạt... 200 nghìn đồng!

09:18 - 26/07/2018 Tin pháp luật
Cán bộ huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị không những không bị khởi tố vì hành vi "hiếp dâm" như lời nữ đồng nghiệp tố cáo mà còn chỉ bị xử phạt hành chính 200.000 đồng gây bức xúc.
 
Cán bộ huyện quấy rối nữ đồng nghiệp tại huyện Triệu Phong, Quảng Trị
 
Hiện nay, tình trạng quấy rối tình dục nơi làm việc vẫn thường xuyên diễn ra, có thể ở bất cứ đâu và với bất cứ ai. Mới đây nhất là sự việc một nữ nhân viên Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị gửi đơn tố cáo ông Nguyễn Bình Tr. (cán bộ Phòng) về hành vi Hiếp dâm.
 
Qua quá trình điều tra, xác minh, công an huyện kết luận: Hành vi của ông Tr. mới chỉ dừng lại ở “sàm sỡ” nữ đồng nghiệp, bàn ghế trong phòng làm việc không bị xô đẩy, quần áo của chị này không bị rách, kết quả giám định cho thấy thương tích với tỷ lệ 0%... Do đó, vẫn chưa đủ căn cứ để khởi tố ông Tr. về Tội  Hiếp dâm theo Bộ luật Hình sự 2015.
 
Cơ quan công an đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính ông Tr. theo điểm a, khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt 200.000 đồng. Theo đó, điều luật này quy định: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”.
 

 

(Cán bộ huyện quấy rối nữ đồng nghiệp - Ảnh minh họa)

 
Mức phạt chưa đủ sức răn đe?
 
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử của quấy rối tình dục tại nơi làm việc, trong đó chỉ ra cụ thể về khái niệm quấy rối tình dục, về những hành vi thế nào được coi là quấy rối tình dục. Trong Bộ luật Lao động 2012, quấy rối tình dục cũng được coi là một hành vi bị nghiêm cấm và trong trường hợp bị quấy rối tình dục, người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng, chỉ cần báo trước 03 ngày.
 
Tuy nhiên, điều đáng nói là hiện nay pháp luật dường như vẫn còn “khoảng trống” trong việc xử lý các hành vi quấy rối tình dục. Cho dù những hành vi này rất khó chứng minh vì không để lại thương tổn rõ ràng về sức khỏe nhưng các nạn nhân cũng phải chịu những khủng hoảng tâm lý vô cùng nặng nề. Do đó, vẫn cần thiết có mức xử phạt thích đáng để bảo vệ nạn nhân.
 
Nếu chỉ áp dụng quy định xử phạt hành chính với mức đến 300.000 đồng theo điểm a, khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP như trường hợp ở huyện Triệu Phong nêu trên thì rõ ràng, chưa đủ sức răn đe người vi phạm, cũng chưa đủ để bảo vệ danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.
 
Trích dẫn khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:
 
Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;
b) Gây mất trật tự ở rạp hát, rạp chiếu phim, nhà văn hóa, câu lạc bộ, nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, lễ hội, triển lãm, hội chợ, trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư, trường học, bệnh viện, nhà ga, bến tàu, bến xe, trên đường phố, ở khu vực cửa khẩu, cảng hoặc ở nơi công cộng khác;
c) Thả rông động vật nuôi trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng.
Chia sẻ