Bị ngộ độc thực phẩm đòi bồi thường từ ai?

14:21 - 25/07/2018 Tin pháp luật
Người tiêu dùng khi bị ngộ độc thực phẩm thì cần xác định được nguyên nhân gây ngộ độc và cá nhân, tổ chức gây ra ngộ độc. Ngoài việc phải bồi thường thiệt hại, tổ chức, cá nhân gây ngộ độc còn bị xử phạt hành chính theo quy định.
Ngộ độc thực phẩm là tình trạng bệnh lý do con người hấp thụ thực phẩm bị ô nhiễm hoặc có chứa chất độc.
 
Theo đó, để xác định khi bị ngộ độc ai bồi thường cần phải xác định được nguyên nhân gây ngộ độc và cá nhân, tổ chức gây ra ngộ độc.
 
Nếu việc khách hàng bị ngộ độc thực phẩm do lỗi của người bán hàng thì người đó có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã gây ra cho khách hàng.
 
Nếu cơ quan chức năng xác định được nguyên nhân gây ngộ độc là do hành vi vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm của cá nhân, tổ chức sản xuất thì cá nhân, tổ chức đó sẽ phải bồi thường.
 
Ngoài việc phải bồi thường thiệt hại, tổ chức, cá nhân gây ngộ độc còn bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 178/2013/NĐ-CP hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 tùy thuộc vào mức độ nguy hiểm của hành vi.
Bị ngộ độc thực phẩm đòi bồi thường từ ai?
Hình ảnh minh họa: Bị ngộ độc thực phẩm đòi bồi thường từ ai?
 
Bồi thường khi bị ngộ độc thực phẩm thực hiện như thế nào?
 
Nếu bị ngộ độc thực phẩm, cá nhân, tổ chức có thể khởi kiện tới Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Khi khởi kiện đương sự phải nộp kèm chứng cứ chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.
 
Việc bồi thường được thực hiện theo quy định tại Điều 585 và 590 Bộ Luật Dân sự 2015, thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời.
 
Thiệt hại đó bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị.
 
Ngoài ra, còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu (mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá 50 lần mức lương cơ sở).
 
Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần.
Chia sẻ