Mức bồi thường giải phóng mặt bằng theo Luật đất đai 2013

11:08 - 29/10/2018 Tin pháp luật
Hướng dẫn xác định mức bồi thường giải phóng mặt bằng trong trường hợp hợp dự án thuộc dự án thu hồi đất của cơ quan nhà nước và trường hợp bồi thường giải phóng đất của doanh nghiệp tự mua đất.
Để đảm bảo quyền lợi của mình khi bị thu hồi đất, Tailieuluat.com xin gửi tới bạn đọc tài liệu mới nhất về mức bồi thường giải phóng mặt bằng trong 2 trường hợp để bạn đọc nắm rõ.
 

Trường hợp 1: Dự án xây dựng thuộc dự án thu hồi đất của cơ quan nhà nước

 
Để biết được mức bồi thường khi bị thu hồi đất, trước tiên bạn cần xác định dự án xây dựng cần giải phóng đất thuộc trách nhiệm của cơ quan hay doanh nghiệp nào bởi phương thức và mức bồi thường sẽ khác nhau. Trong trường hợp dự án xây dựng cần thu hồi đất thực hiện dự án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì việc thu hồi đất sẽ được tiến hành theo nguyên tắc quy định tại Điều 74 Luật đất đai năm 2013 như sau:
 
“Điều 74. Nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất
 
1. Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 75 của Luật này thì được bồi thường.
 
2. Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.”
 
Kết luận:
 
Về nguyên tắc,người sử dụng đất khi bị thu hồi đất sẽ được Nhà nước bồi thường đất cùng loại bị thu hồi. Nếu không đủ đất để bồi thường thì người dân sẽ được bồi thường bằng tiền tính theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi.
 
bồi thường giải phóng mặt bằng
 
Xác định mức bồi thường giải phóng mặt bằng của Nhà nước và Doanh nghiệp (Ảnh minh họa)
 
Chẳng hạn: Gia đình ông A tại tỉnh Hưng Yên bị thu hồi đất canh tác với diện tích 1000 m2. Gia đình ông A sẽ được bồi thường theo giá đất canh tác do UBND tỉnh Hưng Yên quy định tại thời điểm thu hồi đất. Nếu gia đình ông A không đồng ý với quyết định bồi thường giải phóng mặt bằng thì gia đình ông A có thể làm đơn khiếu nại về quyết định bồi thường gửi đến cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết.
 

Về vấn đề cưỡng chế thu hồi đất

 
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 71 Luật đất đai năm 2013 việc cưỡng chế thu hồi đất:
 
Chủ tịch UBND cấp huyện ra quyết định cưỡng chế thu hồi đất khi có đầy đủ 04 điều kiện sau:
 
– Người có đất thu hồi không chấp hành quyết định thu hồi đất sau khi Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng đã vận động, thuyết phục;
 
– Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đã được niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi;
 
– Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đã có hiệu lực thi hành;
 
– Người bị cưỡng chế đã nhận được quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất có hiệu lực thi hành. Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối không nhận quyết định cưỡng chế hoặc vắng mặt khi giao quyết định cưỡng chế thì Ủy ban nhân dân cấp xã lập biên bản.
 
Do đó, chỉ khi nào đáp ứng các điều kiện nêu trên thì gia đình thuộc diện bị thu hồi đất mới bị cưỡng chế thu hồi đất.
 

Trường hợp 2: Bồi thường giải phóng mặt bằng của doanh nghiệp tự mua đất để thực hiện dự án

 
Trong trường hợp này, việc giải phóng mặt bằng ở đây hoàn toàn là quan hệ mua bán giữa doanh nghiệp và các hộ gia đình. Thế nên giá đất khi giải phóng mặt bằng là giá mua bán do gia đình và doanh nghiệp tư nhân đó tự thỏa thuận với nhau và hoàn toàn không bắt buộc phải áp dụng theo giá đất do cơ quan nhà nước quy định. Ngoài ra, nếu như gia đình bạn không đồng ý bán đất thì không ai có quyền cưỡng chế gia đìnnh bạn.
 
Trên đây là giải đáp của Tailieuluat về vấn đề: Mức bồi thường giải phóng mặt bằng của Nhà nước và Doanh nghiệp. 

 

ThanhNT
Chia sẻ