Đăng ký kết hôn ở nơi tạm trú có được hay không?

16:23 - 06/09/2018 Tin pháp luật
Thẩm quyền đăng ký kết hôn thuộc Ủy ban nhân dân xã nơi thường trú hoặc tạm trú của hai bên nam, nữ thực hiện việc đăng ký kết hôn. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu xét thấy hai bên nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, thì UBND cấp xã đăng ký kết hôn cho hai bên nam, nữ.
Điều 17 Luật hộ tịch 2014 quy định:
 
Điều 17. Thẩm quyền đăng ký kết hôn và nội dung Giấy chứng nhận kết hôn
 
1. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ thực hiện đăng ký kết hôn.
 
2. Giấy chứng nhận kết hôn phải có các thông tin sau đây:
 
a) Họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú; thông tin về giấy tờ chứng minh nhân thân của hai bên nam, nữ;
 
b) Ngày, tháng, năm đăng ký kết hôn;
 
c) Chữ ký hoặc điểm chỉ của hai bên nam, nữ và xác nhận của cơ quan đăng ký hộ tịch.
 
Đồng thời, tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 31/2014/NĐ-CP quy định:
 
Điều 5. Nơi cư trú của công dân
 
1. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Mỗi công dân chỉ được đăng ký thường trú tại một chỗ ở hợp pháp và là nơi thường xuyên sinh sống.
 
Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu, sử dụng của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật. Đối với chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn hoặc ở nhờ của cá nhân, tổ chức tại thành phố trực thuộc trung ương phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố.

Đăng ký kết hôn ở nơi tạm trú có được hay không?

 Hình ảnh minh họa: Đăng ký kết hôn ở nơi tạm trú có được hay không?
 
Thủ tục đăng kí kết hôn:
 
Hồ sơ đăng kí kết hôn:
 
- Xuất trình chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân khác;
 
- Tờ khai đăng ký kết hôn (Mẫu TP/HT-2013-TKĐKKH);
 
- Trong trường hợp một người cư trú tại xã, phường, thị trấn này, nhưng đăng ký kết hôn tại xã, phường, thị trấn khác, thì phải có xác nhận của UBND cấp xã, nơi cư trú về tình trạng hôn nhân của người đó.
 
- Đối với người đang trong thời hạn công tác, học tập, lao động ở nước ngoài về nước đăng ký kết hôn, thì phải có xác nhận của Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam tại nước sở tại về tình trạng hôn nhân của người đó.
 
- Đối với cán bộ, chiến sĩ đang công tác trong lực lượng vũ trang, thì thủ trưởng đơn vị của người đó xác nhận tình trạng hôn nhân.
 
Việc xác nhận tình trạng hôn nhân nói trên có thể xác nhận trực tiếp vào Tờ khai đăng ký kết hôn (Mẫu TP/HT-2010-KH.1) hoặc bằng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (Mẫu TP/HT-2010-XNHN.2).
 
Việc xác nhận tình trạng hôn nhân có giá trị 6 tháng, kể từ ngày xác nhận.
 
Trình tự thực hiện:
 
- Người yêu cầu đăng ký kết hôn nộp hồ sơ trực tiếp tại UBND cấp xã nơi cư trú của bên nam hoặc bên nữ.
 
- Khi đăng ký kết hôn, hai bên nam, nữ phải có mặt. Đại diện UBND cấp xã yêu cầu hai bên cho biết ý muốn tự nguyện kết hôn, nếu hai bên đồng ý kết hôn, thì cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký kết hôn và Giấy chứng nhận kết hôn. Hai bên nam, nữ ký vào Giấy chứng nhận kết hôn và Sổ đăng ký kết hôn, Chủ tịch UBND cấp xã ký và cấp cho mỗi bên vợ, chồng một bản chính Giấy chứng nhận kết hôn, giải thích cho hai bên về quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.
 
- Bản sao Giấy chứng nhận kết hôn được cấp theo yêu cầu của vợ, chồng.
 
Cách thức thực hiện: Nộp hồ sơ trực tiếp tại UBND cấp xã.
 
Thời hạn giải quyết:
 
- Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu xét thấy hai bên nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, thì UBND cấp xã đăng ký kết hôn cho hai bên nam, nữ.
 
- Trong trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá 05 ngày.
HươngPT
Chia sẻ