Chính trị là gì? Lý luận chính trị, hệ thống chính trị là gì?
10:12 - 25/12/2018
Tin pháp luật
Tìm hiểu chính trị là gì, khái niệm chính trị chuẩn xác nhất. Khái niệm lý luận chính trị, hệ thống chính trị là gì và áp dụng vào hệ thống chính trị tại Việt Nam.
Tailieuluat.com tổng hợp những kiến thức chuẩn xác về khái niệm chính trị, lý luận chính trị và hệ thống chính trị để các độc giả nắm được và hiểu một cách tường minh nhất.
Chính trị là gì?
Chính trị là toàn bộ những hoạt động liên quan đến các mối quan hệ giữa các giai cấp, giữa các dân tộc, các tầng lớp xã hội mà cốt lõi của nó là vấn đề giành chính quyền, duy trì và sử dụng quyền lực nhà nước, sự tham gia vào công việc của Nhà nước; sự xác định hình thức tổ chức, nhiệm vụ, nội dung hoạt động của Nhà nước.
Lý luận chính trị là gì?
Lý luận chính trị là hệ thống tri thức về lĩnh vực chính trị, nó là bộ phận quan trọng trong kho tàng lý luận của nhân loại giới hạn trong lĩnh vực chính trị, là kết quả của hoạt động nghiên cứu khoa học và thực tiễn chính trị của nhiều người, qua nhiều thế hệ.
Lý luận chính trị khẳng định vai trò và tầm quan trọng to lớn của nó đối với nhận thức và hành động của từng cá nhân nói riêng và sự phát triển của toàn xã hội nói chung, bởi lý luận chính trị bao gồm những tri thức tổng hợp, liên ngành mang tính đảng, tính giai cấp rõ rệt, đồng thời có tính khái quát hóa, trừu tượng hóa và tính dự báo khoa học cao. Đồng thời nó cho thấy sự khó khăn, phức tạp của quá trình sáng tạo, nhận thức và vận dụng lý luận chính trị.
Hệ thống chính trị là gì?
Hệ thống chính trị là một hệ thống các tổ chức (thiết chế) gắn liền với quyền lực chính trị của nhân dân, được tổ chức để thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn do nhân dân giao phó và ủy quyền; đây là phương thức quan trọng để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình dưới các hình thức, cấp độ khác nhau.
Hệ thống chính trị ở nước ta là tổ chức của chính trị và dân chủ, được xác lập bởi tổ chức và hoạt động của một hệ thống thống nhất các thiết chế bao gồm: Đảng Cộng sản Việt Nam; Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội khác có trách nhiệm và quyền hạn thực hiện quyền lực chính trị theo ủy quyền của Nhân dân, phát huy dân chủ để thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng của chủ nghĩa xã hội theo dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Hệ thống chính trị ở Việt Nam
Theo quy định tại Hiến pháp năm 2013, hệ thống chính trị nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm:
- Đảng Cộng sản Việt Nam (là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội);
- Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân;
- Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận;
- Các tổ chức chính trị - xã hội khác (Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam).
Hệ thống chính trị ở nước ta được tổ chức theo một hệ thống từ Trung ương đến cơ sở.
Xem thêm tin liên quan:
Chia sẻ