Tính pháp lý của con dấu tròn, con dấu vuông của doanh nghiệp
16:07 - 19/09/2018
Tin pháp luật
Mỗi doanh nghiệp sẽ có con dấu hình riêng để thể hiện giá trị pháp lý và khẳng định giá trị pháp lý do doanh nghiệp phát hành. Vậy tính pháp lý của con dấu tròn, con dấu vuông của doanh nghiệp được quy định như thế nào?
Con dấu doanh nghiệp là gì? Vai trò của con dấu đối với doanh nghiệp
Con dấu doanh nghiệp là dấu hiệu đặc biệt, không trùng lặp, nhằm phân biệt giữa doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác.
Con dấu tròn và con dấu vuông, con dấu nào được đăng ký với cơ quan nhà nước thì con dấu đó có giá trị pháp lý.
Trước ngày 01/7/2015, việc sử dụng con dấu phải tuân theo Luật doanh nghiệp 2005, nghĩa là hình thức và nội dung con dấu phải theo quy định của Chính phủ (Nghị định 58/2001/NĐ-CP và Thông tư 21/2012/TT-BCA)
Tại các văn bản hướng dẫn về mẫu con dấu này, thì con dấu doanh nghiệp phải là con dấu tròn. Mẫu con dấu tròn này phải tuân thủ theo quy định tại các văn bản này mới có giá trị pháp lý.
Từ sau ngày 01/7/2015, việc sử dụng con dấu thực hiện theo Luật doanh nghiệp 2014, nghĩa là hình thức và nội dung, số lượng con dấu do doanh nghiệp tự quyết định nhưng phải đảm bảo các nội dung về tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp.
Trứơc khi sử dụng, doanh nghiệp phải thông báo mẫu con dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Hình ảnh minh họa: Tính pháp lý của con dấu tròn, con dấu vuông của doanh nghiệp
Cụ thể, trong Điều 12 Nghị định 96/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật doanh nghiệp 2014 cũng có quy định:
Điều 12. Số lượng, hình thức, nội dung mẫu con dấu của doanh nghiệp
1. Chủ doanh nghiệp tư nhân đối với doanh nghiệp tư nhân, Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần quyết định số lượng, hình thức, nội dung và mẫu con dấu, việc quản lý và sử dụng con dấu, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác. Nội dung Điều lệ hoặc Quyết định về con dấu của doanh nghiệp phải bao gồm:
a) Mẫu con dấu, gồm: Hình thức, kích cỡ, nội dung, mầu mực dấu.
b) Số lượng con dấu.
c) Quy định về quản lý và sử dụng con dấu.
2. Mẫu con dấu doanh nghiệp được thể hiện dưới một hình thức cụ thể (hình tròn, hình đa giác hoặc hình dạng khác). Mỗi doanh nghiệp có một mẫu con dấu thống nhất về nội dung, hình thức và kích thước.
Như vậy, đồng nghĩa rằng, từ ngày 01/7/2015, con dấu doanh nghiệp dù là con dấu tròn hoặc con dấu vuông đều có giá trị pháp lý nếu doanh nghiệp có làm thủ tục thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Một số lưu ý đối với việc quản lý sử dụng con dấu cho các doanh nghiệp đã thành lập trước 01/7/2015
- Trường hợp tiếp tục sử dụng con dấu đã được cấp thì không phải thông báo mẫu con dấu cho cơ quan đăng ký. Trường hợp làm thêm con dấu, thay đổi màu mực dấu thì phải thực hiện thủ tục thông báo mẫu con dấu.
Trong cả 2 trường hợp này, chỉ có con dấu tròn mới có giá trị pháp lý.
- Trường hợp làm mới con dấu theo quy định mới của Luật doanh nghiệp 2014 thì phải nộp lại con dấu cũ và Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu cho cơ quan công an nơi đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu.
Trong trường hợp này, con dấu mới được làm là dấu tròn hay dấu vuông đều có giá trị pháp lý.
- Trường hợp bị mất con dấu, mất Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu thì doanh nghiệp được làm con dấu theo quy định mới, đồng thời phải thông báo việc mất này cho cơ quan công an nơi đã cấp Giấy chứng nhận mẫu con dấu.
Trong trường hợp này, con dấu mới được làm là dấu tròn hay dấu vuông đều có giá trị pháp lý.
Thói quen của các doanh nghiệp dẫn đến hiểu lầm
Do ảnh hưởng của các quy định cũ đã quá lâu nên việc thích nghi với các quy định mới của Luật doanh nghiệp 2014 cần phải có thời gian nhất định. Vì vậy, đến thời điểm hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn còn tư tưởng rằng chỉ có dấu tròn mới có giá trị pháp lý, còn dấu vuông thì không.
Chia sẻ