Muốn đổi bằng lái xe ô tô từ hạng C lên hạng E cần có thời gian hành nghề từ 5 năm trở lên và 100.000 Km lái xe an toàn, ngoài ra người học để nâng hạng cần phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc tương đương. Chi tiết tại Thông tư 12/2017/TT-BGTVT.
Căn cứ Khoản 3 và Khoản 4 Điều 7 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định, người học để nâng hạng giấy phép lái xe (GPLX) phải có đủ thời gian lái xe hoặc hành nghề và số km lái xe an toàn như sau: Hạng B2 lên D, C lên E: thời gian hành nghề từ 5 năm trở lên và 100.000 km lái xe an toàn trở lên.Người học để nâng hạng giấy GPLX lên các hạng D, E phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc tương đương trở lên.
Như vậy, để nâng hạng giấy GPLX từ hạng C lên hạng E bạn cần đáp ứng các điều kiện sau:
- Có thời gian hành nghề từ 5 năm trở lên;
- Có 100.000 km lái xe an toàn trở lên;
- Có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc tương đương trở lên.
Trích dẫn Khoản 3 và Khoản 4 Điều 7 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT:
Mục 2. NGƯỜI HỌC LÁI XE
Điều 7. Điều kiện đối với người học lái xe
3. Người học để nâng hạng giấy phép lái xe phải có đủ thời gian lái xe hoặc hành nghề và số km lái xe an toàn như sau:
a) Hạng B1 số tự động lên B1: thời gian lái xe từ 01 năm trở lên và 12.000 km lái xe an toàn trở lên;
b) Hạng B1 lên B2: thời gian lái xe từ 01 năm trở lên và 12.000 km lái xe an toàn trở lên;
c) Hạng B2 lên C, C lên D, D lên E; các hạng B2, C, D, E lên hạng F tương ứng; các hạng D, E lên FC: thời gian hành nghề từ 03 năm trở lên và 50.000 km lái xe an toàn trở lên;
d) Hạng B2 lên D, C lên E: thời gian hành nghề từ 05 năm trở lên và 100.000 km lái xe an toàn trở lên.
4. Người học để nâng hạng giấy phép lái xe lên các hạng D, E phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc tương đương trở lên.
Hình ảnh minh hoạ: Người dân làm thủ tục chuyển đổi bằng lái xe ô tô (Nguồn: Internet)
Căn cứ khoản 2 Điều 19 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định : Cơ sở đào tạo lái xe lập 01 bộ hồ sơ, gửi trực tiếp tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải. Hồ sơ bao gồm: Hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều 9 của Thông tư này. Chứng chỉ đào tạo nâng hạng; Danh sách đề nghị sát hạch của cơ sở đào tạo lái xe có tên của người dự sát hạch nâng hạng.
Theo đó, hồ sơ nâng lên hạng E bao gồm:
- Đơn đề nghị học, sát hạch để cấp GPLX theo mẫu tại Phụ lục 7, Thông tư 12/2017/TT-BGTVT;
- Bản sao giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn có ghi số giấy chứng minh nhân dân;
- Giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định;
- Bản khai thời gian hành nghề và số km lái xe an toàn theo mẫu tại Phụ lục 8, Thông tư 12/2017/TT- BGTVT và phải chịu trách nhiệm về nội dung khai trước pháp luật;
- Bản sao bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc bằng cấp tương đương trở lên (xuất trình bản chính khi kiểm tra hồ sơ dự sát hạch);
- Bản sao giấy phép lái xe (xuất trình bản chính khi dự sát hạch);
- Chứng chỉ đào tạo nâng hạng;
- Danh sách đề nghị sát hạch của cơ sở đào tạo lái xe có tên của người dự sát hạch nâng hạng.
Trích dẫn Khoản 2 Điều 19 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT về quy định đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ:
Mục 2. NGƯỜI DỰ SÁT HẠCH LÁI XE
Điều 19. Hồ sơ dự sát hạch lái xe
1. Đối với người dự sát hạch lái xe lần đầu
Cơ sở đào tạo lái xe lập 01 bộ hồ sơ, gửi trực tiếp tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải. Hồ sơ bao gồm:
a) Hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều 9 của Thông tư này;
b) Chứng chỉ sơ cấp hoặc chứng chỉ đào tạo đối với người dự sát hạch lái xe hạng A4, B1, B2 và C;
c) Danh sách đề nghị sát hạch của cơ sở đào tạo lái xe có tên của người dự sát hạch.
2. Đối với người dự sát hạch nâng hạng giấy phép lái xe lên hạng B1, B2, C, D, E và các hạng F
Cơ sở đào tạo lái xe lập 01 bộ hồ sơ, gửi trực tiếp tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải. Hồ sơ bao gồm:
a) Hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều 9 của Thông tư này;
b) Chứng chỉ đào tạo nâng hạng;
c) Danh sách đề nghị sát hạch của cơ sở đào tạo lái xe có tên của người dự sát hạch nâng hạng.