Thanh tra và cơ quan thanh tra nhà nước

11:17 - 19/06/2018 Tin pháp luật
Là chức năng thiết yếu của quản lý hành chính nhà nước, các tổ chức thanh tra nhà nước có một số nhiệm vụ và quyền hạn chung. Ngoài ra, hệ thống thanh tra ở nước ta được tổ chức theo một trật tự, có mối liên hệ mật thiết với nhau từ trung ương đến địa phương và trong các đơn vị cơ sở.
1. Thanh tra:
 
Thanh tra là một chức năng thiết yếu của quản lý hành chính nhà nước, là phương thức bảo đảm pháp chế, tăng cường kỹ luật trong quản lý nhà nước, thực hiện quyền dân chủ Xã hội chủ nghĩa do các chủ thể có thẩm quyền tiến hành thông qua hoạt động tự kiểm tra, xem xét, kiểm soát và kiểm tra, xem xét các đối tượng có liên quan trong việc thực hiện pháp luật, nhiệm vụ, kế hoạch được giao nhằm pháp huy nhân tố tích cự, phòng ngừa, xử lý các vi phạm, bảo vệ lợi ích của nhà nước; các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước.
 
Đặc điểm của thanh tra:
- Là một bộ phận của quản lý nhà nước thuộc chức năng thiiết yếu.
- Là phương thức bảo đảm pháp chế, tăng cường kỷ luật.
- Là biện pháp bảo đảm quá trình dân chủ hoá Xã hội chủ nghĩa.
- Là hoạt động phong phú, đa dạng, tác động đến nhiều đối tượng khác nhau của các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước.
 
2. Cơ quan thanh tra nhà nước:
 
Các tổ chức thanh tra nhà nước có nhiệm vụ, quyền hạn chung sau:
1. Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, kế hoạch nhà nước của các cơ quan, tổ chức và cá nhân, trừ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, kiểm sát của các cơ quan điều tra, kiểm soát, toà án và việc giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế, xử lý vi phạm pháp luật hợp đồng kinh tế của cơ quan trọng tài kinh tế.
2. Xem xét, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết hoặc giải quyết theo thẩm quyền các khiếu nại, tố cáo.
3. Trong phạm vi chức năng của mình, chỉ đạo về tổ chức và hoạt động thanh tra đối với cơ quan, tổ chức hữu quan.
4. Tuyên truyền, hướng dẫn việc thực hiện pháp luật về thanh tra.
5. Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền những vấn đề về quản lý nhà nước cần sửa đổi, bổ sung, hoặc ban hành các quy định phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước.
 
Hệ thống tổ chức thanh tra:
Hệ thống thanh tra ở nước ta được tổ chức theo một trật tự, có mối liên hệ mật thiết với nhau từ trung ương đến địa phương và trong các đơn vị cơ sở:
a. Thanh tra nhà nước:
Là cơ quan của chính phủ Cơ quan ngang Bộ, có chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, thực hiện quyền thanh tra trong cả nước.
Thanh tra nhà nước gồm có: Tổng thanh tra nhà nước, các Phó tổng thanh tra nhà nước và các thành viên.
b. Tổ chức thanh tra Bộ, cơ quan ngang Bộ:
Căn cứ vào Pháp lệnh thanh tra, Bộ trưởng sau khi thống nhất với Tổng thanh tra nhà nước ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Thanh tra Bộ. Mỗi Bộ chỉ thành lập một tổ chức Thanh tra Bộ bao gồm các hoạt động thanh tra nhà nước thuộc Bộ; chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng và sự chỉ đạo về công tác tổ chức, nghiệp vụ của Thanh tra nhà nước.
Bộ máy của Thanh tra Bộ tuỳ tình hình cụ thể của mỗi Bộ có thể thành lập các phòng hoặc tổ thanh tra theo từng lĩnh vực hoặc thực hiện theo quy chế thủ trưởng trực tiếp với thanh tra viên, chuyên viên.
Đối với Bộ quản lý chỉ đạo theo ngành dọc hoặc theo ngành dọc là chủ yếu thì tổ chức và mối quan hệ chỉ đạo của Thanh tra Bộ với tổ chức thanh tra của cơ quan có chức năng quản lý nhà nước trực thuộc Bộ được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của Thanh tra Bộ.
Thanh tra Bộ có chánh thanh tra và Phó chánh thanh tra. Chánh thanh tra chịu trách nhiệm trực tiếp trước Bộ trưởng, đồng thời chịu trách nhiệm trước Tổng thanh tra nhà nước về toàn bộ công tác thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
c. Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
Được tổ chức theo quy định tại Điều 16, 17, 18 của Pháp lệnh thanh tra và Điều 3 của Nghị định 244 – HĐBT ngày 30/06/1990.Thanh tra tỉnh có Chánh thanh tra, Phó chánh thanh tra, các cơ quan giúp việc.
d. Tổ chức thanh tra sở:
Thanh tra sở là tổ chức chuyên trách, có Chánh thanh tra và một phó chánh thanh tra. Chánh thanh tra chịu trách nhiệm trực tiếp trước Giám đốc sở và chánh thanh tra tỉnh về toàn bộ công tác thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của sở.
Tổ chức và biên chế của Thanh tra sở do Giám đốc sở đề nghị, Chánh thanh tra tỉnh trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định.
e. Tổ chức thanh tra quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh: Mỗi quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh phải thành lập một tổ chức thanh tra nhà nước chuyên trách, Thanh tra huyện có Chánh thanh tra và một Phó chánh thanh tra. Chánh thanh tra chịu trách nhiệm trực tiếp trước UBND huyện  và chánh thanh tra tỉnh về toàn bộ công tác thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của UBND huyện.
g. Thanh tra nhà nước xã, phường, thị trấn: không hình thành tổ chức thanh tra mà chức năng thanh tra nhà nước  ở đây do UBND cùng cấp đảm nhận, do Chủ tịch UBND trực tiếp phụ trách, mỗi uỷ viên Ub có trách nhiệm thanh tra theo từng lĩnh vực mình phụ trách.

 

Chia sẻ