Sổ bảo hiểm được trả lại sau khi nghỉ việc bao lâu?
09:04 - 08/08/2018
Tin pháp luật
Theo luật lao động thì sau ít nhất 07 ngày làm việc hoặc chậm nhất là 30 ngày, người lao động sẽ được chủ sử dụng lao động trả Sổ bảo hiểm xã hội. Trường hợp người sử dụng lao động không trả Sổ bảo hiểm xã hội đúng hạn, người lao động có thể khiếu nại theo thủ tục được hướng dẫn tại Nghị định 24/2018/NĐ-CP.
Khoản 2 Điều 18 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định người lao động được cấp và tự quản lý sổ bảo hiểm xã hội của mình. Thế nhưng trên thực tế hiện nay, Sổ bảo hiểm xã hội vẫn do người sử dụng lao động giữ và khi người lao động nghỉ việc, chủ sử dụng lao động có trách nhiệm trả lại sổ này cho người lao động.
Khi nào người lao động được trả Sổ bảo hiểm sau thời gian nghỉ việc?
Theo quy định của khoản 2, 3 Điều 47 Bộ luật Lao động 2012, thời hạn trả sổ bảo hiểm cho người lao động khi nghỉ việc như sau
"Trong 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động”.
Căn cứ quy định nêu trên, trong ít nhất 07 ngày làm việc hoặc chậm nhất là 30 ngày, người lao động sẽ được chủ sử dụng lao động trả Sổ bảo hiểm xã hội. Trường hợp người sử dụng lao động không trả Sổ bảo hiểm xã hội đúng hạn, người lao động có thể khiếu nại theo thủ tục được hướng dẫn tại Nghị định 24/2018/NĐ-CP.
Hình ảnh minh họa: Sổ bảo hiểm được trả lại sau khi nghỉ việc bao lâu?
Nghỉ việc trái pháp luật, có được trả Sổ bảo hiểm xã hội?
Thực tế hiện nay, có nhiều trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật và do đó, chủ sử dụng lao động cố tình không trả sổ bảo hiểm cho người lao động. Điều này là không đúng với quy định của pháp luật.
Theo Điều 49 của Luật Việc làm 2013, người lao động chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật chỉ bị mất một số quyền lợi và phải thực hiện một số nghĩa vụ như: Không được hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp thất nghiệp; Phải bồi thường nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động; Bồi thường một khoản tiền tương ứng với tiền lương trong những ngày không báo trước…
Như vậy, khi người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật vẫn được trả Sổ bảo hiểm xã hội theo đúng thời hạn như quy định nêu trên.
Chia sẻ