Quy chế quản lý tài sản nhà nước trong khu vực hành chính sự nghiệp

17:37 - 18/06/2018 Tin pháp luật
Cơ quan trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản nhà nước có trách nhiệm đăng ký tài sản với cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền, mở sổ sách theo dõi cả về hiện vật, và giá trị đối với mọi tài sản nhà nước; báo cáo định kỳ hàng năm, báo cáo đột xuất về tài sản nhà nước theo quy định, ...
Tài sản nhà nước trong khu vực hành chính sự nghiệp phải được sử dụng đúng mục đích, chế độ, tiêu chuẩn, định mức; không được sử dụng vào mục đích cá nhân, kinh doanh và các mục đích khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
 
Thủ tướng Chính Phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng, xe ô tô, nhà làm việc và công trình xây dựng khác trong khu vực hành chính sự nghiệp.
 
- Cơ quan trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản nhà nước có trách nhiệm đăng ký tài sản với cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền. Tài sản phải đăng ký gồm: nhà, đất đai và các công trình xây dựng gắn liền với đất đai, các phương tiện vận tải và các tài sản khác có giá trị lớn.
Nội dung đăng ký gồm: tên, đặc điểm, ký hiệu tài sản, diện tích (nhà đất), đặc điểm kỹ thuật, giá trị, mục đích sử dụng, thời gian bắt đầu đưa vào sử dụng.
 
- Mở sổ sách theo dõi cả về hiện vật, và giá trị đối với mọi tài sản nhà nước; báo cáo định kỳ hàng năm, báo cáo đột xuất về tài sản nhà nước theo quy định.
 
- Việc đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng khác và tài sản gắn liền với đất đai khu vực hành chính sự nghiệp được thực hiện như sau:
+ Hàng năm, các đơn vị thụ hưởng nhân sách nhà nước lập báo cáo với ngành chủ quản cấp trên về nhu cầu xây dựng mới hoặc xây thêm nhà, công trình xây dựng khác và tài sản gắn liền với đất đai.
+ Các cơ quan tài chính nhà nước phối hợp với cơ quan kế hoạch và đầu tư căn cứ vào thực trạng về nhà, công trình xây dựng khác của các cơ quan hành chính sự nghiệp; căn cứ vào tiêu chuẩn, định mức sử dụng nhà, công trình xây dựng của từng cơ quan để thẩm định nhu cầu đầu tư xây dựng để quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định danh mục dự án và vốn đầu tư xây dựng ghi vào dự toán ngân sách nhà nước hàng năm theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
 
- Việc mua sắm phương tiện vận tải và trang thiết bị làm việc cho các cơ quan hành chính sự nghiệp được thực hiện như sau:
+ Hàng năm, đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước căn cứ vào thực trạng phương tiện, trang thiết bị hiện có; căn cứ vào tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô do Thủ tướng Chính phủ quy định và tiêu chuẩn, định mức sử dụng của từng chủng loại tài sản khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định để xác định nhu cầu mua sắm phương tiện vận tải và trang tiết bị làm việc, lập dự toán báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để trình cấp có thẩm quyền  xem xét quyết định theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
+ Sau khi dự toán chi về mua sắm phương tiện vận tải, trang thiết bị làm việc được cơ quan có thẩm quyền duyệt thì: các cơ quan tài chính nhà nước cấp phát kinh phí mua sắm cho từng cơ quan hành chính sự nghiệp, cơ quan hành chính sự nghiệp có trách nhiệm sử dụng kinh phí đúng mục đích và thực hiện chế độ đăng ký, báo cáo tài sản theo đúng quy định; kết thúc năm ngân sách, cơ quan  hành chính sự nghiệp phải quyết toán đầy đủ, kịp thời kinh phí mua sắm tài sản theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
 
- Việc bảo dưỡng, sửa chữa tài sản khu vực hành chính sự nghiệp được thực hiện như sau:
+ Mọi tài sản nhà nước trong cơ quan hành chính sự nghiệp đều phải được bảo dưỡng, sửa chữa theo đúng chế độ, tiêu chuẩn kỹ thuật.
+ Hàng năm, đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước căn cứ vào thực trạng tài sản và chế độ, tiêu chuẩn kỹ thuật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, lập dự toán chi về bảo dưỡng, sửa chữa tài sản báo cáo cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp để xem xét đưa vào dự toán ngân sách trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
+ Sau khi dự toán chi về bảo dưỡng, sửa chữa tài sản được duyệt thì cơ quan hành chính sự nghiệp có trách nhiệm sử dụng kinh phí đúng mục đích và có hiệu quả.
 
- Việc điều chuyển tài sản nhà nước khu vực hành chính sự nghiệp phải được thực hiện theo đúng quy định. Mọi tài sản nhà nước khi điều chuyển từ cơ quan này sang cơ quan khác phải được kiểm kê, xác định giá trị còn lại, ghi tăng, giảm tài sản và giá trị tài sản, đăng ký lại tài sản đối với số tài sản phải đăng ký.
 
Điều kiện, trình tự, thủ tục điều chuyển tài sản nhà nước giữa các cơ quan hành chính sự nghiệp do Bộ Tài chính quy định.
- Tài sản nhà nước bị thu hồi trong các trường hợp sau:
+ Đơn vị được giao trực tiếp sử dụng tài sản không còn nhu cầu sử dụng hoặc giảm nhu cầu sử dụng do sát nhập, hợp nhất, thay đổi chức năng, nhiệm vụ và các nguyên nhân khác.
+ Tài sản nhà nước thừa so với tiêu chuẩn, định mức được phép sử dụng.

 

Chia sẻ