Nguyên tắc áp dụng văn bản pháp luật như thế nào?

11:45 - 05/07/2018 Tin pháp luật
Nguyên tắc áp dụng văn bản pháp luật dựa trên nguyên tắc áp dụng pháp luật hình thức và nguyên tắc áp dụng pháp luật nội dung. Chi tiết tại khoản 1 điều 517 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Nguyên tắc áp dụng pháp luật hình thức, theo quy định tại khoản 1 điều 517 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về hiệu lực thi hành như sau:
 
     “1. Bộ luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016, trừ các quy định sau đây của Bộ luật này có liên quan đến quy định của Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 thì có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2017”
 
Nhằm cụ thể hóa điều này điều 1 Nghị Quyết số 103/2015/NQ-13 quy định:
 
“Kể từ ngày Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 có hiệu lực thi hành (ngày 01 tháng 7 năm 2016): 
1. Đối với những vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động đã được Tòa án thụ lý trước ngày 01 tháng 7 năm 2016, nhưng kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 mới giải quyết theo thủ tục sơ thẩm thì áp dụng các quy định của Bộ luật này để giải quyết; 
2. Đối với những vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động đã được Tòa án giải quyết theo thủ tục sơ thẩm trước ngày 01 tháng 7 năm 2016, nhưng kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 mới giải quyết theo thủ tục phúc thẩm thì áp dụng các quy định của Bộ luật này để giải quyết; 
3. Đối với những bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động đã có hiệu lực pháp luật mà bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 nhưng kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 mới giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thì áp dụng các quy định của Bộ luật này để giải quyết; 
4. Đối với những bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động đã có hiệu lực pháp luật trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 mà kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 người có thẩm quyền kháng nghị mới kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, thì căn cứ để thực hiện việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm và việc giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm được thực hiện theo quy định của Bộ luật này; 
5. Đối với những vụ việc hôn nhân và gia đình đã được Tòa án thụ lý giải quyết trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 thì Tòa án đã thụ lý tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung mà không chuyển cho Tòa gia đình và người chưa thành niên giải quyết; 
6. Khi giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, Tòa án tiếp tục áp dụng quy định của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về án phí, lệ phí Tòa án, chi phí tố tụng khác cho đến khi có quy định mới của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 
Đối với vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động được giải quyết theo thủ tục rút gọn thì áp dụng mức án phí thấp hơn so với mức án phí áp dụng đối với vụ án giải quyết theo thủ tục thông thường. “
 
Như vậy theo quy định trên ta thấy về nguyên tắc luật hình thức sẽ được áp dụng tại thời điểm mà luật tố tụng hiện hành có hiệu lực để giải quyết các vụ án dân sự (theo nghĩa rộng) mà không phụ thuộc và quan hệ pháp luật đó phát sinh khi nào.

Nguyên tắc áp dụng văn bản pháp luật

Hình ảnh minh họa: Cuộc họp triển khai Luật ban hành văn bản pháp luật (Nguồn: Bộ Tư pháp)

Nguyên tắc áp dụng pháp luật nội dung, theo Điều 156 Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật: 
 
“1. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó.
2. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.
3. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.
4. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra, trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới.
5. Việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trong nước không được cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật trong nước và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp.”
 
Theo quy định trên, khi lựa chọn văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng, cần lưu ý một số điểm sau:
 
Thứ nhất, về thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật. Văn bản quy phạm pháp luật được quy định áp dụng theo các nguyên tắc sau đây:
Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm có hiệu lực thi hành. Theo quy định thì thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại văn bản đó nhưng không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước trung ương; không sớm hơn 10 ngày kể từ ngày ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; không sớm hơn 07 ngày kể từ ngày ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã.
Đối với ăn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn thì có thể có hiệu lực kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành, đồng thời phải được đăng ngay trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan ban hành và phải được đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng; đăng Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc Công báo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chậm nhất là sau 03 ngày kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành.
Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp văn bản có quy định hiệu lực trở về trước, thì áp dụng theo quy định đó.
 
Thứ hai, về lựa chọn áp dụng văn bản pháp luật:
Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề, thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Hiệu lực pháp lý của từng nhóm văn bản quy định pháp luật được trình bày ở trên.
Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật về cùng một vấn đề do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau, thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau.
Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra trước ngày văn bản có hiệu lực, thì áp dụng văn bản mới. Đây là quy định thể hiện tính nhân đạo của hệ thống pháp luật nước ta, là hiện thân tính nhân dân, tính nhân văn của đường lối, chính sách của Đảng.
Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật của hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân cùng cấp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản quy phạm pháp luật của hội đồng nhân dân.
Trong trường hợp các nghị quyết của cùng một hội đồng nhân dân có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của nghị quyết được ban hành sau.
Trong trường hợp các quyết định, chỉ thị của cùng một uỷ ban nhân dân có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của quyết định, chỉ thị được ban hành sau.
 
Chia sẻ