Ly thân và quyền nuôi con sau khi ly hôn

10:11 - 16/08/2018 Tin pháp luật
Ly thân là việc hai vợ chồng không sống cùng nhau trong thời kỳ hôn nhân. Cụ thể hơn, hai vợ chồng ly thân khi họ cùng thống nhất sống riêng, không ăn chung, ở chung, và đặc biệt là không sinh hoạt vợ chồng.
Ly thân giúp cho hai vợ chồng có mâu thuẫn có thời gian sống tách ra để giảm thiểu những căng thẳng, xung đột gay gắt giữa vợ và chồng hoặc tránh những chuyện đáng tiếc có thể xảy ra; đồng thời có thời gian suy ngẫm, ăn năn hối cải, khắc phục lỗi lầm, sửa đổi tính tình, tha thứ cho nhau để hướng đến mục đích cuối cùng là vợ chồng đoàn tụ, tiếp tục chung sống với nhau.
 
Tuy nhiên, xét trên thực tế, số vụ ly thân mà sau đó các cặp vợ chồng quay lại chung sống với nhau rất ít ỏi. Phần lớn trong số đó sẽ dẫn đến ly hôn, một phần khác những cặp vợ chồng theo đạo Thiên Chúa giáo sẽ chấp nhận ly thân cả đời mà không ly hôn (vì đạo này cấm tín đồ ly hôn).

Ly thân và quyền nuôi con sau khi ly hôn

Hình ảnh minh họa: Ly thân và quyền nuôi con sau khi ly hôn
 
Thủ tục giải quyết ly hôn
 
Trình tự, thủ tục ly hôn:
 
Trong vụ án xin ly hôn cần có hòa giải cơ sở, nhưng không nhất thiết phải là hòa giải của UBND cấp xã. Đó có thể là hòa giải từ phía gia đình, hòa giải do tổ dân phố, hội phụ nữ, đoàn thanh niên tiến hành. Các tài liệu cần có trong hồ sơ khởi kiện xin ly hôn thường gồm:
 
- Đơn xin ly hôn (nên mua mẫu của tòa án về khai, ký).
 
- Giấy đăng ký kết hôn
 
- Giấy xác nhận tình trạng chung sống của vợ chồng (mua mẫu của tòa về tự khai, thường tổ trưởng tổ dân phố ký xác nhận, UBND xác nhận chữ ký của tổ trưởng tổ dân phố)
 
- Bản sao chứng minh nhân dân (sao có chứng thực của UBND hoặc sao tại tòa)
 
- Bản sao sổ hộ khẩu
 
- Bản sao Giấy khai sinh của các con (nếu có con)
 
- Bản ý kiến của 2 bên bố mẹ, gia đình về việc xin ly hôn.
 
Quyền nuôi con khi các bên ly hôn
 
Về quyền nuôi con. Điều 81 luật hôn nhân gia đình 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:
 
1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
 
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
 
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
HươngPT
Chia sẻ