Không mang đăng ký xe ô tô phạt bao nhiêu?

10:35 - 11/06/2018 Tin pháp luật
Trường hợp người tham gia điều khiển ô tô không mang đăng ký xe ô tô sẽ bị xử phạt hành chính từ 200 nghìn đồng đến 400 nghìn đồng. Chi tiết tại Điểm b, Khoản 3, Điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP.

Theo Điều 58 Luật giao thông đường bộ quy định: “Điều kiện của người lái xe tham gia giao thông”, người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau:

  • - Đăng ký xe;
  • - Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới quy định tại Điều 59 của Luật này;
  • - Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới quy định tại Điều 55 của Luật này;
  • - Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.”

Trên thực tế, tại thời điểm kiểm tra nếu người vi phạm không có giấy phép đăng ký xe CSGT buộc phải giữ giấy phép lái hoặc ngược lại. Nếu không có cả hai giấy tờ nói trên CSGT  thậm chí sẽ tạm giữ phương tiện để đảm bảo cho việc nộp phạt, chứng minh nguồn gốc xe sau đó của người vi phạm.

 

CSGT kiểm tra giấy tờ xe

Hình ảnh minh hoạ: CSGT kiểm tra giấy tờ xe của người tham gia giao thông (Nguồn: Internet)

Giấy đăng ký xe là một trong những loại giấy tờ mà người điều khiển xe bắt buộc phải mang theo khi tham gia giao thông. Nếu vi phạm, người điều khiển xe sẽ bị xử phạt theo quy định của Nghị định 46/2016/NĐ-CP. 

Căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 3 điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt như sau:

“Điều 21. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới

3. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

b) Người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không mang theo Giấy đăng ký xe;”

Như vậy theo quy định này, về việc người điều khiển xe ô tô mà không mang theo giấy đăng ký xe ô tô bị phạt bao nhiêu, chi tiết tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP đã nêu rõ, phạt tiền từ 200 nghìn đồng đến 400 nghìn đồng. Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012:

“4. Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt.”

 

 

Chia sẻ