Khiếu nại và giải quyết khiếu nại

13:35 - 19/06/2018 Tin pháp luật
Khiếu nại là việc đề nghị xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc quyết định kỷ luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại đã được Luật khiếu nại quy định rõ cho một số cán bộ, tổ chức có đủ thẩm quyền và thủ tục giải quyết khiếu nại theo 3 bước quy định. Chi tiết xin vui lòng xem nội dung bên dưới.
Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật khiếu nại, tố cáo quy định đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
 
Chủ thể khiếu nại:
Điều 1 Luật khiếu nại, tố cáo quy định: Công dân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền.... cán bộ, công chức có quyền khiếu nại quyết định kỷ luật.
- Quyền của người khiếu nại: Luật khiếu nại, tố cáo quy định người khiếu nại có các quyền cụ thể như sau:
Tự mình khiếu nại hoặc thông qua người đại diện hợp pháp để khiếu nại;
Được nhận văn bản trả lời về việc thụ lý giải quyết khiếu nại;
Nhận quyết định giải quyết khiếu nại;
Được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm, được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;
Được khiếu nại tiếp hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo và pháp luật về tố tụng hành chính;
Rút khiếu nại trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết khiếu nại.
 
- Nghĩa vụ của người khiếu nại:
Khiếu nại đến đúng người có thẩm quyền giải quyết;
Trình bày trung thực vụ việc, cung cấp thông tin, tài liệu cho người giải quyết khiếu nại;
Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp thông tin, tài liệu đó;
Chấp hành nghiêm chỉnh quyết định, giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật.
 
- Quyền của người bị khiếu nại:
Đưa ra bằng chứng về tính hợp pháp của quyết định, hành vi hành chính bị khiếu nại;
Được nhận quyết định giải quyết khiếu nại của người giải quyết khiếu nại tiếp theo đối với khiếu nại mà mình đã giải quyết nhưng người khiếu nại tiếp tục khiếu nại.
 
- Nghĩa vụ của người bị khiếu nại:
Tiếp nhhận, giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi hành chính bị khiếu nại;
Thông báo bằng văn bản về việc thụ lý để giải quyết, gửi quyết định giải quyết cho người khiếu nại và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc giải quyết của mình;
Trong trường hợp khiếu nại do cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm chuyển đến thì phải thông báo việc giải quyết hoặc kết quả giải quyết cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đó theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo;
Giải trình về quyết định, hành vi hành chính bị khiếu nại, cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu; chấp hành nghiêm chỉnh quyết định, giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật;
Bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do quyết định, hành vi hành chính trái pháp luật của mình gây ra theo quy định của pháp luật.
 
Về thẩm quyền giải quyết khiếu nại:
Luật khiếu nại, tố cáo quy định rõ thẩm quyền của Chủ tịch UBND các cấp, của thủ trưởng các cơ quan chuyên ngành, chuyên môn ở địa phương; của thủ trưởng cơ quan thuộc Bộ, thuộc cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Của Tổng thanh tra nhà nước và Chánh thanh tra các cấp; của Thủ tướng Chính phủ. Và phân định thhẩm quyền giải quyết khiếu nại.
 
Thủ tục giải quyết khiếu nại:
Luật khiếu nại, tố cáo quy định một số nội dung chủ yếu về thủ tục khiếu nại như sau:
- Thứ nhất, người khiếu nại lần đầu phải khiếu nại với người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có cán bộ, công chức có hành vi hành chính mà người khiếu nại có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
- Thứ hai, thời hiệu khiếu nại là 90 ngày kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được có hành vi hành chính. Trường hợp vì ốm đau, thiên tai, địch hoạ, đi công tác, học tập nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khá mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu thì thời gian trở ngại đó không tính.
- Thứ ba, trường hợp khiếu nại được thực hiện bằng đơn thì đơn khiếu nại phải thể hiện những nội dung chính sau: ngày, tháng, năm khiếu nại; họ tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; yêu cầu của người khiếu nại. đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên. Nếu người khiếu nại thông qua người đại diện thì người đại diện phải xuất trình giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của việc đại diện và theo thủ tục nêu trên.

 

Chia sẻ