Khi nào người lao động đình công được coi là hợp pháp

11:12 - 13/07/2018 Tin pháp luật
“Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của tập thể lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động”.
 Khi nào người lao động đình công được coi là hợp pháp
Hình ảnh minh họa: Khi nào người lao động đình công được coi là hợp pháp
 
Theo quy định của Mục 4 Bộ luật lao động 2012, đình công hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
 
+ Phải phát sinh từ tranh chấp lao động tập thể và trong phạm vi quan hệ lao động;
 
+ Được những NLĐ làm việc tại doanh nghiệp tiến hành trong phạm vi doanh nghiệp đó.
 
+ Sau thời hạn 05 ngày, kể từ ngày Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải thành công mà một trong các bên không thực hiện thỏa thuận đã đạt được thì tập thể lao động có quyền tiến hành các thủ tục để đình công. Trong trường hợp Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải không thành thì sau thời hạn 03 ngày, tập thể lao động có quyền tiến hành các thủ tục để đình công.
 
+ Việc đình công do Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định sau khi được quá nửa tập thể lao động tán thành bằng cách bỏ phiếu kín hoặc lấy chữ ký.
 
Đồng thời, Điều 215 Bộ luật lao động 2012 có quy định những trường hợp đình công bất hợp pháp gồm có:
 
+ Không phát sinh từ tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.
 
+ Tổ chức cho những người lao động không cùng làm việc cho một người sử dụng lao động đình công.
 
+ Khi vụ việc tranh chấp lao động tập thể chưa được hoặc đang được cơ quan, tổ chức, cá nhân giải quyết theo quy định của Bộ luật này.
 
+ Tiến hành tại doanh nghiệp không được đình công thuộc danh mục do Chính phủ quy định.
 
+ Khi đã có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công.
 
Căn cứ: Điều 210, Điều 211, Điều 212, Điều 213 Bộ luật Lao động 2012.
 
Tiền lương của người lao động khi đình công
 
- Người lao động không tham gia đình công nhưng phải ngừng việc vì lý do đình công thì được trả lương ngừng việc và các quyền lợi khác. Mức lương ngừng việc thực hiện theo thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
 
- Người lao động tham gia đình công không được trả lương và các quyền lợi khác, trừ trường hợp người lao động và người sử dụng lao động có thỏa thuận khác.
 
Căn cứ: Điều 218 Bộ luật Lao động 2012.
 
Lưu ý: Tại Điều 219, Bộ luật Lao động 2012 cấm người lao động đình công dùng bạo lực, hủy hoại máy móc, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động; đồng thời, cấm người sử dụng lao động trù dập, trả thù người lao động tham gia đình công, người lãnh đạo đình công.
Chia sẻ