Cơ sở sản xuất, kinh doanh cần chuẩn bị những gì khi bị thanh tra, kiểm tra

09:02 - 02/08/2018 Tin pháp luật
Khi nhận được thông tin doanh nghiệp bị kiểm tra cơ sở sản xuất thì những hồ sơ cần chuẩn bị chi tiết, tránh việc thiếu, sai sót.
Cơ sở sản xuất, kinh doanh cần chuẩn bị những gì khi bị thanh tra, kiểm tra
Hình ảnh minh họa: Cơ sở sản xuất, kinh doanh cần chuẩn bị những gì khi bị thanh tra, kiểm tra
 
Theo quy định về nội dung kiểm tra tại khoản 3 Điều 57 Thông tư 38/2015/TT-BTC (sửa đổi, bổ sung bởi khoản 37 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC) thì để đảm bảo việc kiểm tra, doanh nghiệp thuộc đối tượng kiểm tra cần chuẩn bị như sau:
 
1) Địa điểm cơ sở gia công, sản xuất, nơi lưu giữ nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, sản phẩm xuất khẩu theo đúng địa chỉ ghi trong thông báo cơ sở sản xuất hoặc ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
 
2) Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, là một trong các nhóm tài liệu sau:
 
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
 
- Trường hợp tổ chức, cá nhân đi thuê kho, thuê mượn đất thì phải có: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho chủ đất và hợp đồng thuê kho, thuê mượn đất;
 
- Quyết định giao, cho thuê, mượn đất của cơ quan có thẩm quyền để xây dựng khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cảng, cửa khẩu, ga đường sắt và hợp đồng tổ chức, cá nhân thuê, mượn lại đất, kho bãi, nhà xưởng của Ban quản lý các khu vực nêu trên;
 
- Xác nhận của chính quyền địa phương về việc sử dụng nhà xưởng, mặt bằng để sản xuất.
 
3) Thực tế hồ sơ và hoạt động nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị của tổ chức, cá nhân. Cơ quan hải quan sẽ đối chiếu với nội dung ngành nghề doanh nghiệp công bố thông tin, nhất là các trường hợp ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
 
4) Các chứng từ phục vụ kiểm tra máy móc, thiết bị gồm: Các tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu đối với trường hợp nhập khẩu; hóa đơn, chứng từ mua máy móc, thiết bị nếu thuộc trường hợp mua trong nước; hợp đồng thuê, mượn máy móc đối với trường hợp thuê, mượn máy móc.
 
5) Hợp đồng ký với người lao động hoặc bảng lương trả cho người lao động… để phục vụ kiểm tra tình trạng nhân lực tham gia dây chuyền sản xuất.
 
6) Thông tin, tài liệu, sổ theo dõi về năng lực, quy mô sản xuất, gia công: bao nhiêu tấn/sản phẩm.../năm; tổng năng lực, quy mô của máy móc thiết bị, nhân công...
 
7) Sổ kế toán theo dõi kho hoặc phần mềm quản lý hàng hóa nhập, xuất, tồn kho lượng nguyên liệu, vật tư, sản phẩm xuất khẩu, máy móc, thiết bị để phục vụ kiểm tra việc lưu giữ nguyên liệu, vật tư nhập khẩu, sản phẩm xuất khẩu tại các địa điểm đã thông báo.
 
Thời hạn kiểm tra cơ sở sản xuất có thể đến 05 ngày làm việc.
 
Ngoài đơn vị lần đầu tiên nhập khẩu hàng hóa để sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu, Chi cục Hải quan cũng kiểm tra cơ sở sản xuất, gia công khác với các nội dung trên khi:
 
- Phát hiện có dấu hiệu xác định tổ chức, cá nhân thay đổi thông tin về địa chỉ, ngành hàng, quy mô, năng lực sản xuất nhưng không thông báo với cơ quan hải quan.
 
- Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa để gia công cho thương nhân nước ngoài nhưng thuê tổ chức, cá nhân khác thực hiện gia công lại toàn bộ hợp đồng gia công
 
- Khi phát hiện dấu hiệu xác định tổ chức, cá nhân lưu giữ nguyên liệu vật tư, linh kiện nhập khẩu và sản phẩm xuất khẩu ngoài các địa điểm đã thông báo với cơ quan hải quan.
 
- Các trường hợp khác kiểm tra trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro.
Chia sẻ