Cùng Tailieuluat.com điểm lại 5 chế độ cho quân nhân chuyên nghiệp quan trọng nhất đang có hiệu lực nhân dịp kỉ niệm ngày Thành lập quân đội nhân dân 22/12/2018.
Ngày 22/12/1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ đó, ngày 22/12 trở thành Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
1. Chế độ tiền lương, phụ cấp, nhà ở
Tiền lương của quân nhân chuyên nghiệp được xác định theo trình độ đào tạo, vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của quân đội là ngành lao động đặc biệt.
Điều 4 Thông tư 170/2016/TT-BQP quy định cấp bậc quân hàm quân nhân chuyên nghiệp tương ứng với mức lương như sau: Cấp bậc quân hàm Thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp tương ứng với mức lương có hệ số dưới 3,95; Trung úy quân nhân chuyên nghiệp tương ứng với mức lương từ hệ số 3,95 đến dưới 4,45; Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp tương ứng với mức lương từ hệ số 6,80 trở lên…
Hiện nay, mức lương cơ sở là 1,39 triệu đồng/tháng theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định 72/2018/NĐ-CP. Tuy nhiên từ 01/07/2019, mức lương cơ sở sẽ tăng lên 1,49 triệu đồng/tháng theo Nghị quyết 70/2018/QH14.
Khoản 2 Điều 36 Luật Quân nhân chuyên nghiệp 2015 quy định quân nhân chuyên nghiệp được hưởng phụ cấp như sau:
- Phụ cấp thâm niên được tính theo mức lương hiện hưởng và thời gian phục vụ trong lực lượng thường trực của quân đội theo quy định của pháp luật;
- Phụ cấp, trợ cấp như đối với cán bộ, công chức, viên chức có cùng điều kiện làm việc;
- Phụ cấp, trợ cấp phù hợp với tính chất hoạt động đặc thù quân sự.
Quân nhân chuyên nghiệp có thời gian phục vụ trong Quân đội đủ 5 năm (60 tháng) thì được hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ năm thứ 6 trở đi mỗi năm (12 tháng) được tính thêm 1% theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 224/2017/TT-BQP.
Quân nhân chuyên nghiệp được hưởng phụ cấp về nhà ở; chính sách ưu tiên hỗ trợ về nhà ở xã hội; thuê nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật.
2. Chiến sĩ thi đua cơ sở được nâng lương trước thời hạn
Quân nhân chuyên nghiệp được nâng lương nếu có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ và đủ thời hạn nâng lương cho từng đối tượng theo quy định tại Điều 37 Luật Quân nhân chuyên nghiệp 2015.
Việc nâng lương mỗi lần chỉ được nâng một bậc; trường hợp lập thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, học tập và trong thực hiện nhiệm vụ thì được nâng lương trước thời hạn hoặc vượt bậc theo quy định tại Điều 3 Thông tư 65/2014/TT-BQP.
Cụ thể, quân nhân chuyên nghiệp được tặng thưởng danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở trở lên đã được cấp có thẩm quyền quyết định công nhận bằng văn bản, nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong nhóm, ngạch và tính đến ngày 31/12 của năm xét nâng bậc lương trước thời hạn còn thiếu từ 12 tháng trở xuống để được nâng bậc lương thường xuyên thì được xét nâng 01 bậc lương trước thời hạn tối đa là 12 tháng so với thời gian sau:
- Quân nhân chuyên nghiệp được phong, phiên quân hàm cấp Thiếu úy trở xuống thì sau 02 năm đủ (24 tháng) giữ bậc lương trong nhóm, ngạch được xét nâng một bậc lương.
- Quân nhân chuyên nghiệp được phong, phiên quân hàm cấp Trung úy trở lên, chưa xếp bậc lương cuối cùng trong nhóm của bảng lương quân nhân chuyên nghiệp thuộc Quân đội nhân dân (bảng 7) tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP, thì sau 03 năm đủ (36 tháng) giữ bậc lương trong nhóm, ngạch được xét nâng một bậc lương.
Chế độ cho quân nhân chuyên nghiệp đảm bảo về tiền lương, phụ cấp, nhà ở, bảo hiểm và chế độ cho thân nhân (Ảnh minh họa)
3. Quân nhân chuyên nghiệp và thân nhân được cấp miễn phí thẻ BHYT
Quân nhân chuyên nghiệp phục vụ trong quân đội được chăm sóc sức khỏe; khi bị thương, ốm đau, tai nạn, rủi ro nghề nghiệp ở xa cơ sở quân y hoặc mắc những bệnh mà cơ sở quân y không có khả năng điều trị thì được khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế khác, được thanh toán viện phí và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật.
Điểm c khoản 3 Điều 1 Thông tư liên tịch 49/2016/TTLT-BQP-BYT-BTC quy định thân nhân của quân nhân chuyên nghiệp bao gồm: Bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng; vợ hoặc chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp của vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp dưới 18 tuổi thuộc đối tượng tham gia BHYT do ngân sách Nhà nước đóng.
Xem thêm:
>> Bảng lương quân đội, công an 2019 có sự điều chỉnh
>> Từ 1/7 áp dụng mức lương, phụ cấp mới trong quân đội
>> Điều kiện kết hôn với sĩ quan quân đội đúng luật
4. Chế độ nghỉ của quân nhân chuyên nghiệp
Khoản 1 Điều 38 Luật Quân nhân chuyên nghiệp 2015, quân nhân chuyên nghiệp được nghỉ ngơi theo quy định của Bộ luật Lao động 2012 và theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Trường hợp do yêu cầu nhiệm vụ mà không được bố trí nghỉ hằng năm thì ngoài tiền lương còn được thanh toán thêm một khoản tiền bằng tiền lương cho những ngày không nghỉ.
Khi có lệnh động viên, trong thời chiến và trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra lệnh đình chỉ thực hiện chế độ nghỉ ngơi; quân nhân chuyên nghiệp đang nghỉ phải trở về đơn vị.
Đóng BHXH đủ 25 năm, được nghỉ chuẩn bị hưu 12 tháng
Cụ thể, Thông tư 113/2016/TT-BQP quy định ngày nghỉ hưởng nguyên lương và các khoản phụ cấp (nếu có) của quân nhân chuyên nghiệp tại khoản 1 Điều 3 bao gồm: Nghỉ hằng tuần; Nghỉ phép hằng năm; Nghỉ phép đặc biệt; Nghỉ ngày lễ, tết; Nghỉ an dưỡng, điều dưỡng; Nghỉ chuẩn bị hưu; Nghỉ chế độ ốm đau, chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Trong đó, khoản 1 Điều 9 Thông tư 113/2016/TT-BQP quy định quân nhân chuyên nghiệp được cấp có thẩm quyền quyết định nghỉ hưu, thời gian được nghỉ để chuẩn bị hậu phương gia đình (nghỉ chuẩn bị hưu) như sau:
- Từ đủ 20 năm đến dưới 25 năm đóng bảo hiểm xã hội được nghỉ 09 tháng;
- Từ đủ 25 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được nghỉ 12 tháng.
Điều 5 Thông tư 113/2016/TT-BQP quy định quân nhân chuyên nghiệp được nghỉ phép hằng năm như sau: Dưới 15 năm phục vụ được nghỉ 20 ngày; Từ đủ 15 năm đến dưới 25 năm phục vụ được nghỉ 25 ngày; Từ đủ 25 năm phục vụ trở lên được nghỉ 30 ngày.
Đặc biệt, quân nhân chuyên nghiệp ở đơn vị đóng quân cách xa gia đình được gộp số ngày nghỉ phép của hai năm để nghỉ một lần và ưu tiên nghỉ phép hằng năm như sau:
- Đóng quân cách xa gia đình từ 500 km trở lên hoặc tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, DK được nghỉ thêm 10 ngày mỗi năm;
- Đóng quân cách xa gia đình từ 300 km đến dưới 500 km; đóng quân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới cách xa gia đình từ 200 km đến dưới 300 km và đang hưởng phụ cấp khu vực hệ số từ 0,5 đến 0,7 hoặc tại các đảo hưởng phụ cấp khu vực hệ số từ 0,1 đến dưới 1,0 được nghỉ thêm 05 ngày mỗi năm.
5. Chế độ đào tạo, bồi dưỡng
Điểm b khoản 3 Điều 35 Luật Quân nhân chuyên nghiệp 2015 quy định quân nhân chuyên nghiệp trong thời gian đào tạo, bồi dưỡng được hưởng nguyên lương, phụ cấp; được tính vào thời gian phục vụ quân đội để xét nâng lương, thăng cấp bậc quân hàm.
Nội dung, chương trình, hình thức, thời gian đào tạo, bồi dưỡng quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng phải căn cứ vào yêu cầu tổ chức biên chế của Quân đội nhân dân, tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp.