Theo một thống kê chưa chính thức vào cuối năm 2017, đã có khoảng 25 quốc gia trên thế giới công nhận hôn nhân đồng tính. Ở Việt Nam, việc bao giờ cho phép kết hôn đồng giới vẫn còn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Đã có nhiều thay đổi về quy định kết hôn đồng giới ở Việt Nam
Hôn nhân đồng giới tạm hiểu là kết hôn giữa những người có cùng giới tính sinh học. Trước đây, tại Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, kết hôn giữa những người có cùng giới tính là một trong 5 trường hợp cấm kết hôn.
Tuy nhiên, khi Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 được áp dụng, thay thế cho Luật năm 2000, thì kết hôn đồng giới không còn thuộc trường hợp bị cấm. Thay vào đó, Luật mới chỉ quy định: Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người có cùng giới tính (Điều 8).
Điều này cho thấy, pháp luật đã thay đổi cách nhìn với hôn nhân đồng giới, không nghiêm cấm một cách cứng nhắc như trước đây mà chỉ không thừa nhận, tức là không khuyến khích nhưng cũng không cho phép. Theo đó, các cặp đôi đồng tính vẫn có thể tổ chức đám cưới, vẫn được chung sống với nhau nhưng sẽ không được thừa nhận là vợ chồng về mặt pháp lý.
Tương tự, nếu như trước đây, Nghị định 87/2001/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình quy định hành vi kết hôn giữa những người có cùng giới tính sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng – 500.000 đồng thì nay, Nghị định 110/2013/NĐ-CP thay thế đã bỏ quy định này.
>> Điều kiện kết hôn với sĩ quan quân đội đúng luật
Việt Nam bỏ lệnh cấm nhưng cũng chưa cho phép kết hôn đồng giới (Ảnh minh họa)
Việc cho phép kết hôn đồng giới ở Việt Nam sẽ còn gặp nhiều khó khăn
Có thể thấy, dù hiện nay pháp luật chưa thừa nhận kết hôn đồng giới nhưng sự thay đổi nêu trên vẫn được coi là tín hiệu vui đối với những cặp đôi có cùng giới tính, là kết quả của một quá trình vận động và thảo luận trong suốt một thời gian dài. Các cặp đôi đồng tính tại Việt Nam đều kỳ vọng rằng, việc Việt Nam cho phép kết hôn đồng giới như 25 quốc gia khác trên thế giới sẽ không còn xa.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam hiện có khoảng 2,5 triệu người đồng tính và hầu hết trong số họ đều khao khát được kết hôn với những người có cùng giới tính để đồng cảm, chia sẻ, quan tâm và chăm sóc lẫn nhau, cùng xây dựng hạnh phúc gia đình.
Tuy nhiên, để thừa nhận kết hôn đồng giới vẫn là một vấn đề khó với các nhà làm luật. Bởi lẽ, nếu thừa nhận có thể sẽ gây ra những hệ lụy tiêu cực với xã hội, không phù hợp với thuần phong mỹ tục và nền văn hóa Á Đông. Dưới góc độ pháp lý, thừa nhận hôn nhân đồng giới thì sẽ phải sửa đổi, bổ sung tất cả các quy định liên quan trong hệ thống pháp luật, như xác định quan hệ vợ chồng, quan hệ tài sản, xác định cha, mẹ con…