Notice: Undefined variable: amp_css in /var/www/sv_111/web.tailieuluat.com/app/templates/mobile-views/layouts/home.phtml on line 9
Tóm lược & Nội dung
Tóm lược & Nội dung
Lịch sử
Lược đồ
Tải về
In, lưu lại...

Nghị định 142/2017/NĐ-CP ký ngày 11/12/2017 lĩnh vực hàng hải

Tóm lược

Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải.
Cơ quan ban hành/ người ký: Chính phủ / Thủ tướng - Nguyễn Xuân Phúc
Số hiệu: 142/2017/NĐ-CP
Loại văn bản: Nghị định
Ngày ban hành: 11/12/2017
Ngày hiệu lực: 01/02/2018
Ngành: Giao thông vận tải
Lĩnh vực: Hàng hải,

Nội dung văn bản

 

CHÍNH PHỦ

________ 

Số: 142/2017/NĐ-CP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

_____________ 

Hà Nội, ngày 11 tháng 12 năm 2017

 

NGHỊ ĐỊNH

Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải

 

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải.

 

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải.

2. Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải được quy định tại Nghị định này, bao gồm:

a) Vi phạm quy định về xây dựng, quản lý và khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải;

b) Vi phạm quy định về xây dựng, quản lý khai thác cảng cạn;

c) Vi phạm quy định về hoạt động của tàu thuyền tại cảng biển;

d) Vi phạm quy định về đăng ký tàu thuyền và bố trí thuyền viên; sử dụng chứng chỉ chuyên môn, sổ thuyền viên;

đ) Vi phạm quy định về hoa tiêu hàng hải;

e) Vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh vận tải biển, vận tải đa phương thức, dịch vụ hỗ trợ vận tải biển và cung cấp dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải;

g) Vi phạm quy định về điều kiện hoạt động của cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu thuyền và hoạt động phá dỡ tàu thuyền;

h) Vi phạm quy định về an toàn Công-te-nơ;

i) Vi phạm quy định về hoạt động tìm kiếm, cứu nạn hàng hải; trục vớt tài sản chìm đắm và báo hiệu hàng hải;

k) Vi phạm quy định về đào tạo, huấn luyện thuyền viên;

l) Vi phạm quy định về hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu, quản lý tiếp nhận và xử lý chất thải lỏng có dầu từ tàu biển tại cảng biển.

3. Các hành vi vi phạm quy định tại các điểm c, d, đ, e, i và l khoản 2 Điều này nếu xảy ra ở ngoài vùng nước cảng biển mà chưa được quy định tại Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng bị xử phạt theo quy định tại Nghị định này.

4. Các hành vi vi phạm hành chính khác liên quan đến lĩnh vực hàng hải không được quy định tại Nghị định này thì bị xử phạt theo quy định của các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực liên quan. Người có thẩm quyền xử phạt quy định tại các Điều 60, 61, 62 và 63 của Nghị định này khi phát hiện các hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản này được xử phạt theo thẩm quyền.

5. Việc xử lý hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải được thực hiện theo quy định tại Nghị định này và các quy định có liên quan của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cá nhân, tổ chức Việt Nam có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; người có thẩm quyền lập biên bản và người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải.

2. Cá nhân, tổ chức nước ngoài vi phạm hành chính trong phạm vi lãnh thổ, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc trên tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này và quy định có liên quan của pháp luật Việt Nam về xử lý vi phạm hành chính, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

3. Căn cứ tính chất, mức độ của hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định này, người có thẩm quyền xác định cụ thể việc xử phạt đối với tổ chức, cá nhân để xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải là 01 năm; đối với hành vi vi phạm hành chính về xây dựng cảng biển, cảng cạn, công trình hàng hải, bảo vệ môi trường, thời hiệu xử phạt là 02 năm.

Điều 4. Hình thức xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp khắc phục hậu quả

1. Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây đối với mỗi hành vi vi phạm:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền.

2. Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng;

b) Đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

3. Ngoài các hình thức xử phạt được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả quy định cụ thể tại Chương II của Nghị định này.

4. Đối với các hành vi vi phạm hành chính được quy định mức xử phạt theo dung tích của tàu thuyền, tổng dung tích (GT) là dung tích được đo theo quy định của Công ước quốc tế về đo dung tích tàu năm 1969, được ghi trong giấy chứng nhận do cơ quan đăng kiểm cấp.

Trường hợp giấy chứng nhận của tàu thuyền không ghi GT, tổng dung tích của tàu thuyền được tính quy đổi như sau:

a) Tàu biển và phương tiện thủy nội địa tự hành: 1,5 tấn trọng tải được tính bằng 01 GT;

b) Sà lan: 01 tấn trọng tải toàn phần được tính bằng 01 GT;

c) Tàu kéo, tàu đẩy, tàu chở khách (kể cả thủy phi cơ) và cẩu nổi: 01 mã lực (HP, CV) được tính bằng 0,5 GT; 01 KW được tính bằng 0,7 GT; 01 tấn sức nâng của cẩu đặt trên tàu thuyền được tính bằng 06 GT;

d) Tàu thuyền chở khách không ghi công suất máy: 01 ghế ngồi dành cho hành khách được tính bằng 0,67 GT; 01 giường nằm được tính bằng 04 GT;

đ) Trường hợp tàu thuyền là đoàn lai kéo, lai đẩy hoặc lai cập mạn: Được tính bằng tổng dung tích của cả đoàn bao gồm sà lan, đầu kéo hoặc đầu đẩy;

e) Việc quy đổi quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 4 Điều này được chọn phương thức quy đổi có tổng dung tích lớn nhất;

g) Đơn vị tính công suất máy: Công suất máy chính của tàu thuyền được tính theo HP, CV hoặc KW; phần lẻ dưới 01 HP hoặc 01 KW được tính tròn bằng 01 HP, 01 CV hoặc 01 KW.

Điều 5. Nguyên tắc xác định mức phạt tiền

Mức phạt tiền của mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với cá nhân; trường hợp có cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Điều 6. Tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính

1. Trong những trường hợp cần thiết quy định tại khoản 1 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính, người có thẩm quyền được phép tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề được sử dụng để thực hiện các hành vi vi phạm quy định tại: khoản 2 Điều 7; điểm b khoản 5 Điều 14; điểm a khoản 2, điểm a khoản 4 và khoản 5 Điều 17; điểm b khoản 4 Điều 20; khoản 2 Điều 25; điểm c khoản 3 Điều 40; điểm b, c khoản 4 Điều 42; điểm b khoản 5 Điều 46 và điểm b khoản 4 Điều 47 Nghị định này.

2. Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thì có thể bị tạm giữ giấy phép, chứng chỉ hành nghề để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt. Việc tạm giữ giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong thời gian chờ ra quyết định không làm ảnh hưởng quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề của cá nhân, tổ chức đó.

3. Người có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính quy định tại Chương III Nghị định này thì có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính. Trường hợp có căn cứ để cho rằng nếu không tạm giữ ngay thì tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tẩu tán, tiêu hủy thì người có thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính phải tạm giữ ngay tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

4. Việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề được thực hiện theo quy định tại Nghị định này, Luật xử lý vi phạm hành chính và các quy định có liên quan khác của pháp luật.

 

Chương II

HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH, HÌNH THỨC XỬ PHẠT

VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ

 

Mục 1

VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ XÂY DỰNG,

QUẢN LÝ VÀ KHAI THÁC KẾT CẤU HẠ TẦNG HÀNG HẢI

 

Điều 7. Vi phạm quy định về công bố mở cảng biển, cảng dầu khí ngoài khơi, cầu cảng, bến cảng

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi cố tình khai báo sai lệnh thông tin trong hồ sơ đề nghị công bố mở cảng biển, cảng dầu khí ngoài khơi, cầu cảng, bến cảng.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi cố tình sử dụng giấy tờ tẩy xóa, sửa chữa, giả mạo trong hồ sơ đề nghị công bố mở cảng biển, cảng dầu khí ngoài khơi, cầu cảng, bến cảng.

Điều 8. Vi phạm quy định về đặt tên, đổi tên cảng biển, cảng dầu khí ngoài khơi, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước

1. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi tự ý đặt tên, đổi tên cảng biển, cảng dầu khí ngoài khơi, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước hoặc sử dụng, giao dịch bằng tên cảng biển, cảng dầu khí ngoài khơi, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước không đúng với tên do cơ quan có thẩm quyền công bố.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thay đổi, sửa chữa tên cảng biển, cảng dầu khí ngoài khơi, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước đúng với tên do cơ quan có thẩm quyền công bố đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 9. Vi phạm quy định về cho thuê lại kết cấu hạ tầng bến cảng, cầu cảng

1. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi cho thuê lại kết cấu hạ tầng bến cảng, cầu cảng khi chưa có văn bản chấp thuận của bên cho thuê.

2. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi bên thuê lại cho thuê kết cấu hạ tầng bến cảng, cầu cảng được thuê.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số tiền bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Điều 10. Vi phạm quy định về bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, trật tự trong hoạt động khai thác cảng biển

1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi vào, rời vùng đất cảng hoặc lên tàu thuyền không tuân theo chỉ dẫn của cơ quan hoặc người có thẩm quyền.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vào, rời vùng đất cảng hoặc lên tàu thuyền không được phép của cơ quan hoặc người có thẩm quyền.

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Vi phạm quy định về dấu hiệu cảnh báo cho tàu cập cầu an toàn theo quy định;

b) Không bố trí người buộc, cởi dây cho tàu thuyền theo quy định;

c) Không thông báo kế hoạch điều độ tàu thuyền vào, rời cảng cho Cảng vụ hàng hải theo quy định;

d) Để các vật trên cầu cảng hoặc chiếm dụng không gian phía trên cầu cảng gây trở ngại cho tàu thuyền cập, rời cầu cảng hoặc gây trở ngại cho các hoạt động khác tại cảng.

4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Sử dụng người lao động không có giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo quy định;

b) Không thông báo kịp thời cho Cảng vụ hàng hải về các sự cố, tai nạn có liên quan đến an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và ô nhiễm môi trường tại cảng theo quy định;

c) Không cung cấp cho Cảng vụ hàng hải số liệu độ sâu vùng nước trước cầu cảng định kỳ theo quy định;

d) Không thực hiện khảo sát định kỳ để công bố thông báo hàng hải về độ sâu vùng nước trước cầu cảng và các khu nước, vùng nước khác theo quy định;

đ) Thiết bị chiếu sáng tại cầu cảng không hoạt động được hoặc hoạt động không đúng quy chuẩn kỹ thuật theo quy định.

5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Cho tàu thuyền vào cảng hoặc neo đậu tại vùng nước cảng biển khi chưa được phép của Cảng vụ hàng hải;

b) Tự ý bốc, dỡ hàng hóa khi tàu thuyền chưa hoàn thành thủ tục vào cảng theo quy định;

c) Hệ thống đệm chống va, bích buộc tàu của cầu cảng không đủ hoặc không bảo đảm an toàn cho tàu thuyền neo đậu;

d) Không có hoặc không làm thủ tục xác nhận hàng năm giấy chứng nhận phù hợp của cảng biển theo quy định hoặc không thực hiện đầy đủ Kế hoạch an ninh cảng biển đã được phê duyệt theo quy định;

đ) Không cung cấp hoặc cung cấp không kịp thời, chính xác các thông tin an ninh hàng hải cho cơ quan có thẩm quyền; không tổ chức diễn tập hoặc không thực tập kết nối thông tin an ninh hàng hải theo quy định;

e) Không bố trí đủ cán bộ an ninh cảng biển theo quy định;

g) Bố trí cầu cảng, bến phao cho tàu thuyền vào, rời không bảo đảm thời gian theo kế hoạch điều động tàu thuyền của Cảng vụ hàng hải hoặc không bảo đảm các điều kiện theo quy định;

h) Không trang bị thiết bị chiếu sáng tại cầu cảng theo quy định.

6. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Khai thác cảng không đúng với công năng của cảng đã được cơ quan có thẩm quyền công bố;

b) Cho tàu thuyền cập cầu cảng khi cầu cảng chưa được phép đưa vào khai thác, sử dụng;

c) Không có kế hoạch an ninh cảng biển đã được phê duyệt theo quy định;

d) Không thực hiện kiểm định chất lượng kết cấu hạ tầng bến cảng đúng thời hạn quy định;

đ) Không tuân thủ đúng quy định tại các quy chuẩn kỹ thuật có liên quan trong kiểm định chất lượng kết cấu hạ tầng bến cảng.

7. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ việc tiếp nhận tàu thuyền hoạt động tuyến quốc tế vào cảng biển từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm d và e khoản 5 và điểm c khoản 6 Điều này.

Điều 11. Vi phạm quy định về bốc dỡ, lưu kho, chất xếp hàng hóa

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi bốc, dỡ và lưu kho các loại hàng hóa không theo quy định.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi chất xếp hàng hóa trên cầu cảng quá tải trọng cho phép.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc dỡ bỏ phần hàng hóa chất xếp quá tải trọng cho phép đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 12. Vi phạm quy định về bảo đảm an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường khi xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp cảng biển hoặc khi xây dựng, lắp đặt các công trình, thiết bị khác ảnh hưởng đến an toàn hàng hải tại vùng nước cảng biển

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức thi công công trình không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này khi chưa có giấy phép hoặc văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Không có trang thiết bị cứu sinh hoặc trang thiết bị cứu sinh không phù hợp theo quy định;

b) Không thông báo cho Cảng vụ hàng hải biết về việc xây dựng các công trình khác trong vùng nước cảng biển;

c) Thiết lập báo hiệu hàng hải không đầy đủ hoặc thiết lập báo hiệu hàng hải không phù hợp theo quy định hoặc báo hiệu hàng hải không hoạt động hoặc báo hiệu sai lệch khu vực đang thi công công trình;

d) Tàu công trình, tàu phục vụ thi công công trình neo đậu ngoài vùng giới hạn cho phép, gây cản trở giao thông hàng hải trên luồng hàng hải;

đ) Không ghi chép kết quả giám sát về quá trình thi công nạo vét và chuyển đổ bùn đất nạo vét hoặc không ghi nhật ký thi công theo quy định; không thực hiện báo cáo định kỳ với Cảng vụ hàng hải và Cục Hàng hải Việt Nam về tình hình, kết quả thực hiện dự án nạo vét luồng hàng hải, khu nước, vùng nước trong vùng nước cảng biển kết hợp tận thu sản phẩm, không sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định;

e) Đóng đăng đáy hoặc đặt các phương tiện đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, khai thác tài nguyên trong vùng nước cảng biển, luồng hàng hải khi chưa được sự chấp thuận của Cảng vụ hàng hải hoặc không đúng vị trí hoặc không đúng thời gian đã được chấp thuận.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Thi công sai vị trí được phép;

b) Thi công quá thời gian quy định ghi trong giấy phép thi công hoặc văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền theo quy định;

c) Sử dụng phương tiện, thiết bị chuyên dùng để khảo sát, nạo vét luồng, thiết lập báo hiệu hàng hải và tiến hành các hoạt động khác trong vùng nước cảng biển khi chưa được sự chấp thuận của Cảng vụ hàng hải theo quy định;

d) Không thu dọn, thanh thải chướng ngại vật phát sinh trong quá trình thi công sau khi công trình đã hoàn thành;

đ) Không thực hiện đầy đủ phương án bảo đảm an toàn hàng hải đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

e) Tạo các chướng ngại vật trong vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam gây ảnh hưởng đến hoạt động hàng hải;

g) Lắp đặt hệ thống giám sát nạo vét trên phương tiện tham gia vận chuyển đổ bùn đất trong thi công nạo vét, duy tu luồng hàng hải, khu nước, vùng nước không phù hợp theo quy định; hệ thống giám sát nạo vét không bảo đảm thông số kỹ thuật tối thiểu hoặc không ở trạng thái sẵn sàng hoạt động hoặc hoạt động không liên tục, ổn định theo quy định;

h) Không bố trí tư vấn giám sát trên phương tiện tham gia vận chuyển bùn đất trong thi công nạo vét theo quy định.

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Không thiết lập báo hiệu hàng hải theo quy định;

b) Không lắp đặt theo quy định hệ thống giám sát nạo vét trên phương tiện tham gia vận chuyển đổ bùn đất trong thi công nạo vét, duy tu luồng hàng hải, khu nước, vùng nước;

c) Không có hoặc không thực hiện đầy đủ phương án bảo đảm an toàn hàng hải đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

5. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức thi công công trình thuộc trường hợp phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình hoặc lập dự án đầu tư xây dựng công trình khi chưa có giấy phép hoặc văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

6. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Thi công công trình khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền và để xảy ra tai nạn;

b) Thi công sai vị trí được phép và để xảy ra tai nạn;

c) Không có hoặc không thực hiện đầy đủ phương án bảo đảm an toàn hàng hải đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dẫn đến xảy ra tai nạn.

7. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp cảng biển hoặc xây dựng, lắp đặt các công trình, thiết bị khác có thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 6 Điều này.

8. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc trang bị thiết bị cứu sinh hoặc trang bị thiết bị cứu sinh phù hợp theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;

b) Buộc thiết lập đầy đủ, thiết lập báo hiệu hàng hải phù hợp theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2 Điều này;

c) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do các hành vi vi phạm quy định tại các điểm d, e khoản 2 và điểm e khoản 3 Điều này;

d) Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng trái phép đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, điểm a khoản 3, khoản 5 và điểm a, b khoản 6 Điều này;

đ) Buộc khắc phục hệ thống giám sát nạo vét trên phương tiện tham gia vận chuyển đổ bùn đất trong thi công phải bảo đảm hoạt động sẵn sàng, liên tục đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm g khoản 3 Điều này;

e) Buộc lắp đặt hệ thống giám sát nạo vét trên phương tiện tham gia vận chuyển đổ bùn đất trong thi công đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;

g) Buộc phải có phương án bảo đảm an toàn hàng hải đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 4 Điều này.

Điều 13. Vi phạm quy định về phòng, chống cháy, nổ tại cảng biển

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Không có bảng nội quy, biển báo hoặc chỉ dẫn cảnh báo ở những nơi dễ cháy, nổ theo quy định;

b) Sử dụng các trang, thiết bị chữa cháy chuyên dùng sai mục đích.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Các trang, thiết bị chữa cháy không đúng quy định hoặc không ở trạng thái sẵn sàng hoạt động hoặc hết hạn sử dụng theo quy định;

b) Không đặt đúng nơi quy định hoặc không bố trí các thiết bị phòng, chống cháy, nổ thích hợp với loại hàng hóa đang vận chuyển, bốc dỡ.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Không có đủ hệ thống phòng, chống cháy, nổ theo quy định;

b) Không báo cáo kịp thời cho các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan về các sự cố, tai nạn cháy, nổ;

c) Sử dụng người lao động không được trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ hoặc không được huấn luyện về phòng, chống cháy, nổ theo quy định;

d) Không có sơ đồ hệ thống phòng cháy, chữa cháy được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 14. Vi phạm quy định về tải trọng của phương tiện trong vùng đất cảng

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển phương tiện mà tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) của phương tiện vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 10% đến 20%, trừ trường hợp có quy định khác.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Chở hàng vượt khổ giới hạn của cầu, đường theo quy định;

b) Điều khiển phương tiện vượt quá khổ giới hạn của cầu, đường theo quy định;

c) Điều khiển phương tiện mà tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) của phương tiện hoặc tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên phương tiện, người được chở trên phương tiện) vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 20% đến 50%, trừ trường hợp có quy định khác.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển phương tiện mà tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) của phương tiện hoặc tải trọng trục phương tiện (bao gồm cả hàng hóa xếp trên phương tiện, người được chở trên phương tiện) vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 50% đến 100%, trừ trường hợp có quy định khác.

4. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển phương tiện mà tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) của phương tiện hoặc tải trọng trục phương tiện (bao gồm cả hàng hóa xếp trên phương tiện, người được chở trên phương tiện) vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 100% đến 150%, trừ trường hợp có quy định khác.

5. Phạt tiền từ 14.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Điều khiển phương tiện mà tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) của phương tiện hoặc tải trọng trục phương tiện (bao gồm cả hàng hóa xếp trên phương tiện, người được chở trên phương tiện) vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 150%;

b) Không chấp hành việc kiểm tra tải trọng, khổ giới hạn phương tiện khi có tín hiệu, hiệu lệnh yêu cầu kiểm tra tải trọng, khổ giới hạn phương tiện; chuyển tải hoặc dùng các thủ đoạn khác để trốn tránh việc phát hiện phương tiện chở quá tải, quá khổ.

6. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) có thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với các hành vi vi phạm quy định tại các khoản 2 và khoản 3 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) có thời hạn từ 02 tháng đến 04 tháng đối với các hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này;

c) Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) có thời hạn từ 03 tháng đến 05 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 5 Điều này.

7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc phải hạ phần hàng quá tải, dỡ phần hàng quá khổ theo hướng dẫn của lực lượng chức năng tại nơi phát hiện vi phạm đối với các hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này;

b) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do các hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này.

Điều 15. Vi phạm quy định về cân xác nhận khối lượng toàn bộ đối với mỗi Công-te-nơ vận tải biển quốc tế

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không cân xác nhận khối lượng toàn bộ Công-te-nơ hoặc cân xác nhận khối lượng toàn bộ Công-te-nơ không đúng phương pháp theo quy định.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không xác nhận hoặc xác nhận không đúng khối lượng toàn bộ Công-te-nơ theo quy định.

Điều 16. Vi phạm quy định về xếp hàng hóa lên xe ô tô trong vùng đất cảng

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Xếp hàng hóa lên mỗi xe ô tô (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) vượt quá trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 10% đến 50%;

b) Xếp hàng hóa lên xe ô tô mà không ký xác nhận việc xếp hàng hóa vào Giấy vận tải theo quy định.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi xếp hàng hóa lên mỗi xe ô tô (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) vượt quá trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 50% đến 100%.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi xếp hàng hóa lên mỗi xe ô tô (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) vượt quá trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 100%.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc phải hạ phần hàng xếp vượt quá tải trọng cho phép chở của xe ô tô trong trường hợp xe ô tô được xếp hàng chưa rời khỏi khu vực xếp hàng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Điều 17. Vi phạm quy định đối với người điều khiển ô tô và các loại phương tiện tương tự ô tô trong vùng đất cảng

1. Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với người điều khiển ô tô và các loại phương tiện tương tự ô tô chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/giờ đến dưới 10 km/giờ.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển ô tô và các loại phương tiện tương tự ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Điều khiển ô tô và các loại phương tiện tương tự ô tô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/01 lít khí thở;

b) Điều khiển ô tô và các loại phương tiện tương tự ô tô chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/giờ đến 20 km/giờ.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển ô tô và các loại phương tiện tương tự ô tô chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/giờ đến 35 km/giờ.

4. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển ô tô và các loại phương tiện tương tự ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Điều khiển ô tô và các loại phương tiện tương tự ô tô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/01 lít khí thở;

b) Điều khiển ô tô và các loại phương tiện tương tự ô tô chạy quá tốc độ quy định trên 35 km/giờ.

5. Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển ô tô và các loại phương tiện tương tự ô tô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/01 lít khí thở.

6. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 và khoản 3 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn từ 02 tháng đến 04 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 mà gây tai nạn giao thông hoặc hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;

c) Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn từ 03 tháng đến 05 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 4 Điều này;

d) Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ có thời hạn 04 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này.

Điều 18. Vi phạm quy định về bảo vệ môi trường do hoạt động khai thác cảng biển

1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đầy đủ kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

2. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi không bố trí phương tiện, thiết bị để tiếp nhận rác thải, nước thải và chất lỏng độc hại khác từ tàu thuyền theo quy định.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện đầy đủ kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 19. Vi phạm quy định về bảo vệ công trình hàng hải

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau:

a) Không kịp thời khắc phục, sửa chữa hư hỏng của công trình hàng hải theo quy định;

b) Không xây dựng phương án bảo vệ công trình hàng hải theo quy định hoặc không tổ chức thực hiện phương án bảo vệ công trình hàng hải đã được phê duyệt.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Xây dựng và khai thác trái phép các công trình cảng biển, công trình khác trong phạm vi quy hoạch cảng biển đã được phê duyệt, trong luồng hàng hải và phạm vi bảo vệ công trình hàng hải hoặc xây dựng công trình làm giảm hoặc mất tác dụng của công trình hàng hải;

b) Đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản trong vùng nước trước cầu, bến cảng, khu nước, vùng nước, luồng hàng hải, hành lang an toàn bảo vệ luồng hàng hải và những khu vực khác trong phạm vi bảo vệ công trình hàng hải;

c) Lấn chiếm phạm vi bảo vệ công trình hàng hải;

d) Thực hiện các hành vi gây cản trở việc quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ công trình hàng hải.

3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Phá hủy, làm hư hỏng, tháo gỡ, trộm cắp cấu kiện, phụ kiện và các thiết bị của công trình hàng hải mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Làm hư hỏng, phá hủy, tự ý di chuyển hoặc làm giảm hiệu lực của các thiết bị báo hiệu hàng hải;

c) Điều khiển tàu thuyền và phương tiện khác sai quy định gây đâm va ảnh hưởng đến chất lượng công trình hàng hải.

4. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Nổ mìn hoặc các vật liệu nổ khác trong phạm vi cảng biển, vùng nước cảng biển, luồng hàng hải khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b) Xếp, chứa các chất dễ cháy nổ, các chất nguy hại trái quy định có khả năng gây ăn mòn hoặc hư hỏng công trình hàng hải khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

c) Khai thác khoáng sản, nạo vét trái phép trên luồng hàng hải, phạm vi bảo vệ luồng hàng hải, vùng nước cảng biển;

d) Thải các chất thải làm hư hại, ảnh hưởng đến độ bền và tuổi thọ của công trình hàng hải;

đ) Nạo vét trái phép trên luồng hàng hải, phạm vi bảo vệ luồng hàng hải, vùng nước cảng biển hoặc nạo vét không đúng yêu cầu kỹ thuật đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc xây dựng phương án bảo vệ công trình hàng hải hoặc buộc tổ chức thực hiện phương án bảo vệ công trình hàng hải đã được phê duyệt đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;

b) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do các hành vi vi phạm quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này.

Điều 20. Vi phạm quy định về sử dụng giấy chứng nhận và điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi mua, bán, thuê, cho thuê, cho mượn giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh khai thác cảng biển không đúng giấy chứng nhận do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Không có phương án bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động theo quy định;

b) Không có đủ điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy hoặc không có phương án chữa cháy theo quy định;

c) Không có đủ hồ sơ về bảo vệ môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định;

d) Không có đủ cơ sở vật chất, kho, bãi, trang thiết bị cần thiết phù hợp theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với cảng biển hoặc không có hợp đồng thuê kho, bãi với thời gian thuê kho, bãi tối thiểu là 05 năm đối với trường hợp cảng biển không có đủ kho, bãi theo quy định;

đ) Không có đủ phương tiện tiếp nhận, thu hồi các chất thải từ tàu để xử lý theo quy định;

e) Không có đủ nhân lực hoặc hệ thống, công trình hoặc thiết bị quản lý, xử lý chất thải phát sinh tại khu vực cảng biển theo quy định;

g) Kinh doanh khai thác cảng biển không có giấy chứng nhận do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Sửa chữa, tẩy xóa làm sai lệch nội dung ghi trong giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển;

b) Cố tình sử dụng một trong các giấy tờ bị tẩy xóa, sửa chữa hoặc giả mạo trong hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển có thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Tịch thu giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 4 Điều này.

Điều 21. Vi phạm quy định về công khai thông tin về giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa Công-te-nơ bằng đường biển, giá dịch vụ tại cảng biển

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Không niêm yết giá vận chuyển bằng đường biển, phụ thu, giá dịch vụ tại cảng biển trên trang thông tin điện tử hoặc tại trụ sở của doanh nghiệp theo quy định;

b) Niêm yết giá vận chuyển bằng đường biển, phụ thu, giá dịch vụ tại cảng biển không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần, tái phạm.

Điều 22. Vi phạm quy định về kê khai giá dịch vụ tại cảng biển

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi kê khai không đủ các nội dung của văn bản kê khai giá sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận kê khai giá đã có văn bản nhắc nhở, yêu cầu nộp lại văn bản kê khai giá.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Không thông báo bằng văn bản về mức giá điều chỉnh tăng hoặc giảm cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong các trường hợp phải thực hiện thông báo giá theo quy định của pháp luật về giá;

b) Áp dụng mức giá kê khai không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật về giá kể từ ngày thực hiện kê khai giá với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 23. Vi phạm quy định về giá dịch vụ tại cảng biển

1. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp dịch vụ tại cảng biển không đúng với mức giá cụ thể hoặc không nằm trong khung giá hoặc cao hơn mức giá tối đa hoặc thấp hơn mức giá tối thiểu do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc trả lại cho khách hàng toàn bộ tiền chênh lệch do bán cao hơn mức giá quy định và mọi chi phí phát sinh do hành vi vi phạm gây ra tại khoản 1 Điều này, trong trường hợp khó thực hiện hoặc không xác định được khách hàng để trả lại thì nộp toàn bộ số tiền chênh lệch vào ngân sách nhà nước.

 

*Xem phụ lục danh mục và toàn bộ nội dung đầy đủ hơn quý độc giả tải tài liệu về máy hoặc xem bản gốc bên dưới.

Lịch sử hiệu lực

Ngày:
11/12/2017
01/02/2018
Trạng thái:
Văn bản được ban hành
Văn bản có hiệu lực
Văn bản nguồn:
142/2017/NĐ-CP
142/2017/NĐ-CP

Luợc đồ

Mở tất cả Đóng tất cả
Văn bản được HD, QĐ chi tiết (0)
Văn bản hiện thời (0)
Văn bản HD, QĐ chi tiết (0)
Văn bản hết hiệu lực (0)
Văn bản quy định hết hiệu lực (0)
Văn bản bị hết hiệu lực 1 phần (0)
Văn bản dẫn chiếu (0)
Văn bản quy định hết hiệu lực 1 phần (0)
Văn bản bị đình chỉ (0)
Văn bản liên quan khác (0)
Văn bản đình chỉ (0)
Văn bản bị đình chỉ 1 phần (0)
Văn bản đình chỉ 1 phần (0)
Văn bản được hợp nhất (0)
Văn bản được bổ sung (0)
Văn bản bổ sung (0)
Văn bản hợp nhất (0)
Văn bản được sửa đổi (0)
Văn bản sửa đổi (0)

Văn bản liên quan theo cơ quan ban hành

Văn bản liên quan theo người ký