Theo đó, quy định mới không phân biệt các loại bằng này đang làm dấy lên nhiều băn khoăn trong dư luận.
Không còn phân biệt bằng chính quy và bằng tại chức
Nếu như trước đây, Điều 38 của Luật Giáo dục đại học 2012 quy định: Văn bằng giáo dục đại học được cấp cho người học sau khi tốt nghiệp một trình độ đào tạo theo một hình thức đào tạo, gồm bằng tốt nghiệp đại học, bằng thạc sĩ và bằng tiến sĩ.
Nay, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học chỉ quy định văn bằng giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương.
Như vậy, đã không còn có sự phân biệt về bằng cấp giữa các hình thức đào tạo. Theo đó, quy định này được hiểu là bằng chính quy với bằng tại chức, bằng từ xa, bằng liên thông, văn bằng 2 là tương đương nhau.
Ngay khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học mới chỉ còn là dự thảo, đại diện của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giải thích trên báo chí rằng, hình thức đào tạo không tập trung (tại chức, từ xa…) vẫn được xây dựng theo chuẩn chương trình, chuẩn giáo viên và chuẩn đầu ra giống như hình thức đào tạo tập trung (chính quy). Do đó, không có sự phân biệt về bằng cấp giữa các hình thức đào tạo này.
Bằng tại chức có giá trị như bằng chính quy (Ảnh minh họa)
Bằng tại chức có giá trị tương đương bằng chính quy
Dù đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định rằng chương trình đào tạo, chất lượng đào tạo giữa hình thức chính quy và tại chức là như nhau, nên giá trị bằng cấp cũng tương tự.
Tuy nhiên, trên thực tế, chất lượng người học cũng như khung chương trình đào tạo của hai hình thức chính quy và tại chức vẫn có sự khác biệt khá rõ. Cụ thể, tại chức là hình thức đào tạo vừa học vừa làm, do đó, người học thông thường là người đang đi làm và có nhu cầu bổ túc bằng cấp hơn là tích lũy kiến thức. Bên cạnh đó, còn có một bộ phận người học tại chức là người không thi đỗ đại học chính quy.
Chương trình đào tạo của hệ tại chức cũng thường chỉ chiếm 60 – 80% so với hệ chính quy, mặc dù theo Thông tư 06/2017/TT-BGDĐT, nội dung chương trình đào tạo của hệ tại chức giống như chương trình đào tạo của ngành tương ứng theo hình thức chính quy.
Từ những nguyên nhân trên, nhiều người bày tỏ sự chưa hài lòng khi bằng tại chức và chính quy tương đương nhau. Thực tế cũng cho thấy, sau khi người học tốt nghiệp và tìm việc làm, bằng tại chức vẫn không được đánh giá cao như bằng chính quy trong mắt của nhà tuyển dụng.
Các chuyên gia giáo dục cho rằng, để việc coi bằng tại chức và chính quy tương đương nhau thật sự có ý nghĩa, ngành giáo dục cần chú trọng, tập trung nâng cao chất lượng đào tạo tại chức, từ chuẩn đầu vào đến chuẩn đầu ra, hạn chế tình trạng gian lận thi cử, học hộ, đề thi quá dễ, mua điểm…
Tin tức liên quan:
>> Chuẩn đầu ra tiếng Anh trình độ đại học được quy định như thế nào?
>> Cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài phải đảm bảo những gì?