Đám cưới là sự kiện trọng đại trong cuộc đời của mỗi người, thế nhưng để ngày trọng đại này trọn vẹn niềm vui thì những người trong cuộc cũng cần tuân theo những quy định nhất định tại Thông tư 04/2011/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.
Tổ chức đám cưới 3 năm nhưng chưa đăng ký kết hôn có vi phạm pháp luật?
Tổ chức đám cưới cần tuân thủ những quy định của pháp luật (Ảnh minh họa)
1 - Không mở nhạc đám cưới sau 22h giờ đêm
Âm nhạc là phần không thể thiếu ở tất cả các đám cưới nhưng theo quy định của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, âm nhạc trong đám cưới phải lành mạnh, vui tươi; âm thanh không vượt quá độ ồn cho phép và đặc biệt, không được mở nhạc trước 06 sáng và sau 22 giờ đêm để ảnh hưởng đến những hộ dân sống xung quanh.
2 - Thời gian tổ chức không ảnh hưởng đến giờ làm việc
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng yêu cầu thời gian tổ chức tiệc cưới không làm ảnh hưởng đến thời gian lao động của Nhà nước. Ở một số địa phương hiện đã áp dụng quy định này với việc yêu cầu cán bộ, công chức không tổ chức tiệc cưới, không đi dự đám cưới vào giờ hành chính.
Tại Hà Nội, theo Quyết định 07/2012/QĐ-UBND, Thành phố khuyến khích chỉ nên tổ chức đám cưới tại một địa điểm và trong một ngày. Đồng thời, Hà Nội cũng yêu cầu cán bộ tổ chức đám cưới không mời khách trong giờ làm việc, không được tổ chức tiệc cưới tại khách sạn 5 sao.
3 - Chỉ mời khách dự tiệc cưới là những người thân thiết
Với quan điểm không tổ chức lễ cưới phô trương hình thức, rườm rà, Thông tư của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng quy định chỉ mời khách dự tiệc cưới trong phạm vi gia đình, họ tộc thân thích, bạn bè và đồng nghiệp thân thiết.
Tuy nhiên, quy định là thế nhưng việc mời khách dự tiệc cưới trong thực tế rất khó kiểm soát. Vẫn có những đám cưới được tổ chức rình rang với hàng trăm khách mời, chỉ không có người thân, đồng nghiệp thân thiết…
4 - Hai bên gia đình không được đặt nặng đòi hỏi lễ vật
ở một số địa phương trên cả nước, hủ tục “thách cưới” vẫn còn còn tồn tại rất phổ biến, để lại nhiều hậu quả buồn, ảnh hưởng đến hạnh phúc lứa đôi. Do đó, Bộ Văn hóa cũng yêu cầu các thủ tục chạm ngõ, ăn hỏi, rước dâu cần được tổ chức theo phong tục, tập quán nhưng không được phô trương, rườm rà, không nặng về đòi hỏi lễ vật.
5 - Khuyến khích không dùng thuốc lá trong đám cưới
Theo Bộ Văn hóa, các hình thức tổ chức tiệc cưới sau sẽ được khuyến khích thực hiện, gồm:
- Dùng hình thức báo hủy thay cho mời dự lễ cưới, tiệc cưới;
- Hạn chế tổ chức tiệc cưới linh đình, chỉ tổ chức tiệc trà, tiệc ngọt trong lễ cưới;
- Không sử dụng thuốc lá trong đám cưới;
- Cơ quan, tổ chức, đoàn thể đứng ra tổ chức lễ cưới;
- Cô dâu, chú rể và gia đình đặt hoa tưởng niệm tại đài tưởng niệm liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, di tích lịch sử - văn hóa; trồng cây lưu niệm
- Cô dâu, chú trẻ và gia đình mặc trang phục truyền thống hoặc trang phục của dân tộc mình trong ngày cưới…