THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 588/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 22 tháng 5 năm 2018 |
QUYẾT ĐỊNH
CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ DỰ ÁN DO TỔ CHỨC LAO ĐỘNG QUỐC TẾ TÀI TRỢ CHO BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-----------------
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16 tháng 3 năm 2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài;
Xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 1728/BKHĐT-KTĐN ngày 21 tháng 3 năm 2018 và 3078/BKHĐT-KTĐN ngày 11 tháng 5 năm 2018.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án “Thúc đẩy xây dựng khung khổ quan hệ lao động mới đảm bảo tôn trọng Tuyên bố của ILO về những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động” do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tài trợ với các nội dung chính sau:
1. Cơ quan chủ quản Dự án: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
2. Mục tiêu Dự án: Thúc đẩy xây dựng nền tảng về pháp luật và thể chế hiệu quả cho khung khổ quan hệ lao động mới ở Việt Nam tương thích với Tuyên bố về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động của ILO, đặc biệt là quyền thương lượng tập thể (Công ước 98) và tự do lập hội (Công ước 87) phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội quốc gia.
3. Một số kết quả chính của Dự án:
a) Nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý nhà nước về các tổ chức đại diện người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người lao động, người sử dụng lao động và người lao động để thúc đẩy khung khổ quan hệ lao động mới. Xây dựng khuyến nghị và đề xuất sửa đổi Bộ luật Lao động, xây dựng các văn bản hướng dẫn liên quan đảm bảo tôn trọng Tuyên bố của ILO về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động.
b) Cơ chế điều phối ba bên (giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) được thiết lập ở cấp quốc gia và địa phương để xác định những ưu tiên chiến lược về quan hệ lao động và cơ chế điều phối quản trị lao động để đảm bảo thực hiện tốt hơn các chính sách quan hệ lao động.
c) Tăng cường hệ thống thanh tra lao động ở cả cấp quốc gia và địa phương để giải quyết vấn đề không tuân thủ trong lĩnh vực quan hệ lao động.
d) Các bài học và thực tiễn tốt thông qua các hoạt động thí điểm được tổng kết, chia sẻ và nhân rộng với các đối tác trong quan hệ lao động. Vai trò đại diện giới sử dụng lao động được tăng cường, cơ chế phối hợp hai bên hoặc ba bên được triển khai hiệu quả ở các cấp nhằm thúc đẩy khung khổ quan hệ lao động mới.
4. Thời gian và địa điểm thực hiện:
- Thời gian: 2018 - 2019
- Địa điểm: Cấp trung ương và một số tỉnh được lựa chọn
5. Hạn mức vốn của dự án:
- Vốn ODA không hoàn lại: 4.274.109 USD (2.964.290 USD từ nguồn ủy thác tài trợ của Bộ Lao động Hoa Kỳ và 1.309.819 USD từ nguồn ủy thác tài trợ của Chính phủ Nhật Bản).
- Vốn đối ứng: Bằng hiện vật tương đương 2 tỷ đồng do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan đồng thực hiện của Việt Nam đóng góp cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị, cán bộ chuyên môn,...
6. Cơ chế tài chính trong nước:
Vốn ODA: Ngân sách nhà nước cấp phát 100%
Điều 2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với nhà tài trợ và các cơ quan có liên quan xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện Dự án theo đúng các quy định hiện hành về quản lý và sử dụng ODA.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./
|
KT. THỦ TƯỚNG |
*Xem phụ lục danh mục và toàn bộ nội dung đầy đủ hơn quý độc giả tải tài liệu về máy hoặc xem bản gốc bên dưới.