Notice: Undefined variable: amp_css in /var/www/sv_111/web.tailieuluat.com/app/templates/mobile-views/layouts/home.phtml on line 9
Tóm lược & Nội dung
Tóm lược & Nội dung
Lịch sử
Lược đồ
Tải về
In, lưu lại...

Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định điều kiện an ninh, trật tự

Tóm lược

Nghị định 96/2016/NĐ-CP Chính phủ ban hành do Thủ tướng ký quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Cơ quan ban hành/ người ký: Chính phủ / Thủ tướng - Nguyễn Xuân Phúc
Số hiệu: 96/2016/NĐ-CP
Loại văn bản: Nghị định
Ngày ban hành: 01/07/2016
Ngày hiệu lực: 01/07/2016
Ngành: Công an
Lĩnh vực: An ninh trật tự,

Nội dung văn bản

CHÍNH PHỦ
________

Số: 96/2016/NĐ-CP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
____________

Hà Nội, ngày 01 tháng 7 năm 2016

 

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH ĐIỀU KIỆN VỀ AN NINH, TRẬT TỰ ĐỐI VỚI MỘT SỐ NGÀNH, NGHỀ ĐẦU TƯ KINH DOANH CÓ ĐIỀU KIỆN

 

 

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Công an nhân dân ngày 27 tháng 11 năm 2014;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định điều kiện về an ninh, trật tự, công tác quản lý nhà nước và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự trên lãnh thổ Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh và thành lập, cấp phép, đăng ký, quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự.

Điều 3. Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự và phạm vi quản lý

1. Sản xuất con dấu, gồm: Sản xuất con dấu có hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, con dấu có hình biểu tượng, con dấu không có hình biểu tượng theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng con dấu.

2. Kinh doanh công cụ hỗ trợ, gồm: Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, xuất khẩu, mua, bán công cụ hỗ trợ, đạn sử dụng cho công cụ hỗ trợ và phụ kiện của công cụ hỗ trợ; sửa chữa công cụ hỗ trợ.

3. Kinh doanh các loại pháo, gồm: Sản xuất, gia công, nhập khẩu, xuất khẩu, mua, bán các loại pháo hoa, các loại pháo khác và thuốc pháo theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng pháo.

4. Kinh doanh dịch vụ cầm đồ, gồm: Kinh doanh dịch vụ cho vay tiền mà người vay tiền phải có tài sản hợp pháp mang đến cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ để cầm cố.

5. Kinh doanh dịch vụ xoa bóp, gồm: Sử dụng phương pháp vật lý trị liệu để xoa bóp (massage), tẩm quất phục vụ sức khỏe con người.

Hoạt động xoa bóp thuộc cơ sở y tế phục vụ chữa bệnh và cơ sở giải quyết việc làm cho người khuyết tật không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.

6. Kinh doanh thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, gồm: Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, xuất khẩu, mua, bán cờ hiệu, đèn, còi phát tín hiệu ưu tiên của xe cơ giới.

7. Kinh doanh dịch vụ bảo vệ, gồm: Dịch vụ bảo vệ con người, tài sản, mục tiêu và các hoạt động hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Hoạt động bảo vệ các đối tượng, mục tiêu thuộc Danh mục Nhà nước quy định do Công an nhân dân, Quân đội nhân dân có trách nhiệm vũ trang canh gác, bảo vệ và hoạt động bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 06/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2013 quy định về bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.

8. Kinh doanh súng bắn sơn, gồm: Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, xuất khẩu, mua, bán súng bắn sơn, đạn sử dụng cho súng bắn sơn và phụ kiện của súng bắn sơn; sửa chữa súng bắn sơn; cung ứng dịch vụ sử dụng súng bắn sơn.

9. Kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài.

10. Kinh doanh dịch vụ đòi nợ, gồm: Các hoạt động dịch vụ đòi nợ tiền, tài sản hợp pháp cho cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân theo hợp đồng ủy quyền.

11. Kinh doanh casino, gồm: Các loại hình vui chơi có thưởng trong kinh doanh casino.

12. Kinh doanh dịch vụ đặt cược, gồm: Các loại hình dịch vụ đặt cược.

13. Kinh doanh khí, gồm: Các hoạt động kinh doanh khí được quy định tại Nghị định số 19/2016/NĐ-CP ngày 22 tháng 3 năm 2016 về kinh doanh khí.

14. Kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp, gồm: Sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, mua, bán, tái chế, bảo quản, vận chuyển, tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp.

Hoạt động nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.

15. Kinh doanh tiền chất thuốc nổ, gồm: Sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, mua, bán, bảo quản, vận chuyển, tiêu hủy Amoni nitrat hàm lượng cao từ 98,5% trở lên (sau đây viết gọn là tiền chất thuốc nổ).

16. Kinh doanh ngành, nghề có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ, gồm: Các hoạt động có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp để thi công công trình, thăm dò, khai thác khoáng sản, dầu khí; sử dụng tiền chất thuốc nổ để sản xuất vật liệu nổ công nghiệp.

17. Kinh doanh dịch vụ nổ mìn, gồm: Các hoạt động cung ứng dịch vụ có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phục vụ thi công công trình, thăm dò, khai thác khoáng sản, dầu khí cho cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có nhu cầu hợp pháp.

18. Kinh doanh dịch vụ in, gồm: Chế bản in, in, gia công sau in (trừ cơ sở in lưới, photocopy) để tạo ra các sản phẩm sau đây:

a) Xuất bản phẩm (trừ sách chữ nổi, bản ghi âm, ghi hình có nội dung thay sách, minh họa thay sách);

b) Báo, tạp chí và các ấn phẩm báo chí khác theo quy định của pháp luật về báo chí;

c) Mẫu, biểu mẫu, giấy tờ có tính pháp lý do cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ban hành;

d) Tem chống giả;

đ) Bao bì, tem, nhãn sản phẩm hàng hóa là dược phẩm, hóa dược, thuốc chữa bệnh và thực phẩm chức năng (trừ cơ sở sản xuất dược phẩm, hóa dược, thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng tự in bao bì, tem, nhãn cho sản phẩm của mình);

e) Hóa đơn tài chính; giấy tờ có sẵn mệnh giá hoặc dùng để ghi mệnh giá.

19. Kinh doanh các thiết bị gây nhiễu, phá sóng thông tin di động, gồm: Sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, mua, bán các thiết bị ngăn chặn tín hiệu liên lạc từ điện thoại di động đến trạm gốc.

20. Kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ, gồm: Sử dụng kỹ thuật y học để phẫu thuật (giải phẫu) làm thay đổi hình dáng, đặc điểm nhận dạng con người.

21. Kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường:

a) Kinh doanh dịch vụ karaoke, gồm: Các hoạt động ca hát theo đĩa ghi nhạc và hình hoặc bằng các công nghệ ghi nhạc và hình khác;

b) Kinh doanh dịch vụ vũ trường, gồm: Hoạt động khiêu vũ tại cơ sở kinh doanh khiêu vũ theo quy định của pháp luật.

Hoạt động dạy khiêu vũ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.

22. Kinh doanh dịch vụ lưu trú, gồm: Các cơ sở lưu trú theo quy định của Luật du lịch và các hình thức dịch vụ cho thuê lưu trú khác (nghỉ theo giờ và nghỉ qua đêm) hoạt động trên đất liền hoặc trên các phương tiện tàu thủy lưu trú du lịch.

Tổ chức, cá nhân có nhà cho người Việt Nam hoặc người nước ngoài thuê (có hợp đồng thuê nhà) để ở, học tập, làm việc không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.

23. Kinh doanh quân trang, quân dụng cho lực lượng vũ trang, vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng cho Quân sự, Công an; linh kiện, bộ phận, phụ tùng, vật tư và trang thiết bị đặc chủng, công nghệ chuyên dùng chế tạo chúng, gồm:

a) Sản xuất, mua, bán: Quần, áo, mũ quân phục; quân hiệu, phù hiệu, cấp hiệu, số hiệu của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân;

b) Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, xuất khẩu, mua, bán, vận chuyển, sửa chữa: Súng quân dụng cầm tay hạng nhỏ theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; máy kiểm tra tốc độ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; thiết bị kiểm tra nồng độ cồn; thiết bị giám sát điện thoại di động GSM và các loại thiết bị giám sát điện thoại di động khác.

Linh kiện, bộ phận, phụ tùng, trang thiết bị công nghệ chuyên dùng chế tạo ra: Súng quân dụng cầm tay hạng nhỏ; máy kiểm tra tốc độ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; thiết bị kiểm tra nồng độ cồn; thiết bị giám sát điện thoại di động GSM và các loại thiết bị giám sát điện thoại di động khác.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. An ninh, trật tự là cách viết gọn của cụm từ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

2. Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự là những ngành, nghề quy định tại Điều 3 Nghị định này trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh có yếu tố phức tạp liên quan đến an ninh, trật tự dễ bị lợi dụng để hoạt động phạm tội và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.

3. Cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự là cơ sở kinh doanh các ngành, nghề quy định tại Điều 3 Nghị định này (sau đây viết gọn là cơ sở kinh doanh), bao gồm:

a) Doanh nghiệp;

b) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

c) Chi nhánh, cơ sở trực thuộc doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

d) Đơn vị sự nghiệp có thu hoạt động trong lĩnh vực ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự của các cơ quan, tổ chức;

đ) Hộ kinh doanh.

4. Các cơ sở kinh doanh tại một địa điểm là các cơ sở kinh doanh sử dụng chung một địa chỉ hoặc các cơ sở kinh doanh cùng trong một khuôn viên.

5. Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh là:

a) Người đại diện theo pháp luật, người quản lý cơ sở kinh doanh, chủ cơ sở kinh doanh có tên trong các văn bản quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định này;

b) Người được những người quy định tại điểm a khoản này ủy quyền đứng tên trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.

6. Cơ quan Công an có thẩm quyền là đơn vị Công an quy định tại Điều 24 Nghị định này.

7. Chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ là văn bản của cơ quan Công an có thẩm quyền cấp cho nhân viên dịch vụ bảo vệ đạt yêu cầu trong đợt sát hạch.

8. Bản sao hợp lệ là bản sao đã đối chiếu với bản chính hoặc bản in khai thác từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp có xác nhận của cán bộ tiếp nhận hồ sơ; bản sao được cấp từ bản gốc hoặc bản sao được chứng thực từ bản chính của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Điều 5. Nguyên tắc hoạt động và quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự

1. Mọi tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự nếu đủ điều kiện quy định tại Nghị định này và chấp hành các quy định khác của pháp luật có liên quan đều được hoạt động kinh doanh và được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.

2. Công khai, minh bạch trong công tác quản lý; tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo môi trường an ninh, trật tự ổn định để tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh có hiệu quả.

Điều 6. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Hoạt động kinh doanh khi chưa được cấp hoặc bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.

2. Lợi dụng hoạt động ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự để thực hiện hành vi xâm hại đến an ninh, trật tự, trái với đạo đức, thuần phong, mỹ tục của dân tộc.

3. Cho mượn, cho thuê, mua, bán Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.

4. Làm giả Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; làm giả hồ sơ, tài liệu để đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; sửa chữa, tẩy xóa nội dung ghi trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.

5. Sử dụng dịch vụ bảo vệ để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

6. Hoạt động dịch vụ bảo vệ có sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực nhằm mục đích đe dọa, cản trở, gây khó khăn cho hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

7. Tiến hành đòi nợ khi chưa có hợp đồng ủy quyền của chủ nợ; chưa có văn bản thông báo cho Công an xã, phường, thị trấn nơi tiến hành đòi nợ trước khi thực hiện đòi nợ.

8. Cản trở hoặc không chấp hành công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm của cơ quan Công an hoặc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

9. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây khó khăn để không cấp hoặc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự trái với quy định của Nghị định này; cản trở, gây phiền hà, xâm phạm quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân; bao che các hành vi vi phạm pháp luật của người có liên quan đến hoạt động của cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự.

 

Chương II

ĐIỀU KIỆN VỀ AN NINH, TRẬT TỰ

 

Điều 7. Điều kiện về an ninh, trật tự áp dụng chung cho các ngành, nghề

1. Được đăng ký, cấp phép hoặc thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.

2. Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh phải không thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đối với người Việt Nam:

Đã bị khởi tố hình sự mà các cơ quan tố tụng của Việt Nam hoặc của nước ngoài đang tiến hành điều tra, truy tố, xét xử.

Có tiền án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác do lỗi cố ý bị kết án từ trên 03 năm tù trở lên chưa được xóa án tích; đang trong thời gian được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù; đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ; đang bị quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự theo quyết định của Tòa án.

Đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; có quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian chờ thi hành quyết định; đang nghiện ma túy; đang được tạm hoãn, tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; đã bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nhưng chưa đủ thời hạn để được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

b) Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài và người nước ngoài:

Chưa được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp phép cư trú.

3. Đủ điều kiện về an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.

Điều 8. Ngành, nghề phải có điều kiện về phương án bảo đảm an ninh, trật tự

1. Cơ sở kinh doanh các ngành, nghề sau đây phải có phương án bảo đảm an ninh, trật tự, gồm:

a) Kinh doanh công cụ hỗ trợ;

b) Kinh doanh các loại pháo;

c) Kinh doanh súng bắn sơn;

d) Kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài;

đ) Kinh doanh casino;

e) Kinh doanh dịch vụ đặt cược;

g) Kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp;

h) Kinh doanh tiền chất thuốc nổ;

i) Kinh doanh ngành, nghề có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ;

k) Kinh doanh dịch vụ nổ mìn;

l) Kinh doanh dịch vụ vũ trường;

m) Kinh doanh dịch vụ lưu trú (đối với cơ sở kinh doanh là doanh nghiệp);

n) Kinh doanh súng quân dụng cầm tay hạng nhỏ.

2. Phương án bảo đảm an ninh, trật tự gồm các nội dung cơ bản sau đây:

a) Xác định khu vực, địa bàn, mục tiêu cụ thể cần phải tăng cường để bảo đảm an ninh, trật tự;

b) Biện pháp thực hiện;

c) Lực lượng phục vụ thường xuyên;

d) Phương tiện phục vụ;

đ) Biện pháp tổ chức, chỉ đạo;

e) Biện pháp phối hợp với chính quyền, cơ quan chức năng có liên quan ở địa phương mà cơ sở kinh doanh hoạt động;

g) Tình huống giả định khi có vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự xảy ra; công tác huy động lực lượng, phương tiện; biện pháp xử lý.

Điều 9. Điều kiện về an ninh, trật tự đối với kinh doanh dịch vụ cầm đồ

Ngoài điều kiện quy định tại Điều 7 Nghị định này, cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ phải đáp ứng điều kiện sau đây:

Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ phải là người có hộ khẩu thường trú ít nhất 05 năm tại xã, phường, thị trấn nơi đăng ký đặt địa điểm hoạt động kinh doanh và trong thời gian 05 năm liền kề trước thời điểm đăng ký kinh doanh không bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi: Chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, cho vay lãi nặng, đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chiếm giữ trái phép tài sản.

Điều 10. Điều kiện về an ninh, trật tự đối với kinh doanh dịch vụ đòi nợ

Ngoài điều kiện quy định tại Điều 7 Nghị định này, cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải đáp ứng điều kiện sau đây:

Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải là người có hộ khẩu thường trú ít nhất 05 năm tại quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi đăng ký đặt địa điểm hoạt động kinh doanh và trong thời gian 05 năm liền kề trước thời điểm đăng ký kinh doanh không bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi: Chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, cho vay lãi nặng, đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, làm nhục người khác.

Điều 11. Điều kiện về an ninh, trật tự đối với kinh doanh dịch vụ bảo vệ

Ngoài điều kiện quy định tại Điều 7 Nghị định này, cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Là doanh nghiệp.

2. Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ phải có bằng tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên và không phải là người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ mà trong 24 tháng liền kề trước đó đã bị thu hồi không có thời hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự (trừ quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định này).

3. Cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ của Việt Nam liên doanh với cơ sở kinh doanh nước ngoài:

Cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ của Việt Nam chỉ được liên doanh với cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ nước ngoài trong trường hợp cần đầu tư máy móc, phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác bảo vệ và chỉ được thực hiện dưới hình thức cơ sở kinh doanh nước ngoài góp vốn mua máy móc, phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác bảo vệ.

4. Cơ sở kinh doanh nước ngoài đầu tư góp vốn với cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ của Việt Nam:

a) Là doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ liên tục ít nhất 05 năm;

b) Người đại diện cho phần vốn góp của cơ sở kinh doanh nước ngoài là người chưa bị cơ quan pháp luật của nước ngoài nơi họ hoạt động kinh doanh xử lý về hành vi vi phạm có liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo vệ từ cảnh cáo trở lên;

c) Phần vốn góp của cơ sở kinh doanh nước ngoài chỉ được sử dụng để mua máy móc, thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác bảo vệ. Số vốn góp đầu tư của cơ sở kinh doanh nước ngoài ít nhất là 1.000.000 USD (một triệu đô la Mỹ). Việc định giá máy móc, thiết bị kỹ thuật do cơ quan quản lý nhà nước về giá có thẩm quyền từ cấp tỉnh trở lên thực hiện; chi phí định giá do cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ chi trả.

Điều 12. Điều kiện để được đào tạo nhân viên dịch vụ bảo vệ

1. Chỉ các cơ sở sau đây mới được đào tạo nhân viên dịch vụ bảo vệ:

a) Cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Trung tâm dạy nghề của các trường Công an nhân dân;

c) Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ thuộc Công an từ cấp tỉnh trở lên;

d) Các cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ quy định tại khoản 3 Điều này nếu có nhu cầu hoạt động kinh doanh đào tạo nhân viên dịch vụ bảo vệ cho cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ khác thì thực hiện theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp.

2. Cơ sở đào tạo nhân viên dịch vụ bảo vệ quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải cung cấp cho cơ quan Công an có thẩm quyền quy định tại Điều 24 Nghị định này tài liệu chứng minh về chức năng đào tạo nhân viên dịch vụ bảo vệ do cơ quan có thẩm quyền cấp kèm theo giáo trình, chương trình đào tạo nhân viên dịch vụ bảo vệ. Nội dung giáo trình theo quy định tại điểm đ khoản 3 Điều này.

3. Cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ tự đào tạo nhân viên bảo vệ cho cơ sở của mình phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Có phòng học và có địa điểm tập luyện cho nhân viên dịch vụ bảo vệ;

b) Có ít nhất 03 năm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ bảo vệ; có ban quản lý, đào tạo nhân viên dịch vụ bảo vệ;

c) Có số lượng nhân viên dịch vụ bảo vệ tối thiểu từ 300 nhân viên trở lên;

d) Có giáo viên hoặc hợp đồng thuê giáo viên giảng dạy. Giáo viên giảng dạy phải có trình độ chuyên môn phù hợp, có bằng tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên (trừ môn võ thuật);

đ) Có giáo trình và chương trình đào tạo nhân viên dịch vụ bảo vệ. Giáo trình đào tạo gồm các nội dung cơ bản về chính trị; pháp luật; nghiệp vụ bảo vệ; kỹ năng giao tiếp, ứng xử; công tác phòng cháy và chữa cháy; công tác sơ, cấp cứu người bị nạn; quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ; một số động tác võ thuật phục vụ tự vệ và khống chế đối tượng; một số nội dung khác theo yêu cầu thực tiễn của mục tiêu cần bảo vệ. Thời gian đào tạo nhân viên dịch vụ bảo vệ ít nhất là 30 ngày.

4. Các cơ sở chỉ được đào tạo nhân viên dịch vụ bảo vệ sau khi Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an thẩm duyệt giáo trình, chương trình đào tạo. Sau khóa đào tạo phải có văn bản đề nghị cơ quan Công an có thẩm quyền sát hạch đánh giá kết quả và cấp Chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ (Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này) cho những nhân viên dịch vụ bảo vệ đạt yêu cầu trong đợt sát hạch.

Điều 13. Điều kiện hoạt động kinh doanh áp dụng đối với một số ngành, nghề

Ngoài các điều kiện quy định tại Điều 7 và Điều 8 Nghị định này, cơ sở kinh doanh dưới đây phải đáp ứng các điều kiện sau:

1. Chỉ cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Công an mới được sản xuất con dấu có hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, con dấu có hình Công an hiệu; chỉ cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Quốc phòng mới được sản xuất con dấu có hình Quân hiệu, trừ các cơ sở kinh doanh đã hoạt động trước ngày Nghị định này có hiệu lực.

2. Chỉ cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an mới được kinh doanh: Súng bắn sơn (không bao gồm cơ sở kinh doanh cung ứng dịch vụ sử dụng súng bắn sơn); quân trang, quân dụng cho lực lượng vũ trang, vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng cho Quân sự, Công an; linh kiện, bộ phận, phụ tùng, vật tư và trang thiết bị đặc chủng, công nghệ chuyên dùng chế tạo chúng.

3. Chỉ cơ sở kinh doanh ngoài Quân đội, Công an được cơ quan có thẩm quyền của Quân đội hoặc Công an theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có văn bản chấp thuận hoặc có hợp đồng theo quy định của pháp luật mới được kinh doanh quân trang, quân dụng cho lực lượng vũ trang, vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng cho Quân sự, Công an; linh kiện, bộ phận, phụ tùng, vật tư và trang thiết bị đặc chủng, công nghệ chuyên dùng chế tạo chúng.

4. Chỉ cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an mới được kinh doanh thiết bị gây nhiễu, phá sóng thông tin di động.

5. Chỉ cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Quốc phòng mới được kinh doanh các loại pháo.

 

Chương III

GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN VỀ AN NINH, TRẬT TỰ

 

Điều 14. Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự

Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự (Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này) là văn bản do cơ quan Công an có thẩm quyền cấp cho cơ sở đầu tư kinh doanh các ngành, nghề quy định tại Điều 3 Nghị định này.

Điều 15. Thời hạn sử dụng của Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự

1. Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự không quy định thời hạn sử dụng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự phải ghi rõ thời hạn sử dụng trong các trường hợp sau đây:

a) Cơ sở kinh doanh hoạt động có thời hạn theo quy định của pháp luật hoặc các văn bản quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định này hoặc giấy phép của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cấp cho cơ sở kinh doanh hoạt động có thời hạn thì thời hạn sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự không vượt quá thời hạn ghi trong các văn bản đó;

b) Cơ sở kinh doanh ngành, nghề có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp để thi công công trình, thăm dò, khai thác khoáng sản, dầu khí thì thời hạn của Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự phù hợp với thời hạn ghi trong văn bản về thi công công trình, thăm dò khai thác khoáng sản, dầu khí.

3. Trường hợp các văn bản, giấy phép quy định tại khoản 2 Điều này có thời hạn hoạt động từ 10 năm trở lên thì Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự không ghi thời hạn sử dụng.

4. Cơ sở kinh doanh có trách nhiệm cung cấp văn bản, giấy phép có quy định thời hạn hoạt động cho cơ quan Công an có thẩm quyền.

Điều 16. Người được ủy quyền đứng tên trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự

Trường hợp những người quy định tại điểm a khoản 5 Điều 4 Nghị định này cư trú không ổn định tại Việt Nam hoặc không thường xuyên cư trú tại Việt Nam thì phải ủy quyền bằng văn bản cho người có thẩm quyền của cơ sở kinh doanh để đứng tên trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.

Nếu việc ủy quyền diễn ra ngoài lãnh thổ Việt Nam thì phải có văn bản hợp pháp hóa lãnh sự của cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam nơi thực hiện ủy quyền đó. Người ủy quyền và người được ủy quyền đều phải chịu trách nhiệm đối với việc thực hiện quy định về an ninh, trật tự quy định tại Nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp luật Việt Nam.

Điều 17. Quản lý, sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự

1. Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh có trách nhiệm quản lý chặt chẽ Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự và phải xuất trình Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự cho cơ quan Công an và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu.

2. Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh có trách nhiệm bảo quản Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự khi tạm ngừng hoạt động kinh doanh. Trường hợp cơ sở kinh doanh bị phá sản hoặc ngừng hoạt động kinh doanh thì Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự không còn giá trị sử dụng. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày tuyên bố phá sản, ngừng hoạt động, cơ sở kinh doanh phải nộp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự cho cơ quan Công an có thẩm quyền.

Điều 18. Thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự

Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:

1. Thu hồi không có thời hạn:

a) Sử dụng tài liệu giả hoặc cung cấp thông tin trong tài liệu không đúng thực tế làm sai lệch bản chất của tài liệu để đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự;

b) Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự, cơ quan Công an có thẩm quyền thực hiện chế độ hậu kiểm phát hiện cơ sở kinh doanh không đáp ứng điều kiện quy định tại Nghị định này, mà trong thời hạn 40 ngày kể từ ngày cơ quan Công an có văn bản kết luận cơ sở kinh doanh không đủ điều kiện nhưng vẫn không khắc phục được các điều kiện đó;

c) Sau 06 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự mà cơ sở kinh doanh không hoạt động;

d) Cơ sở kinh doanh bị giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật;

đ) Cơ sở kinh doanh bị đình chỉ hoạt động hoặc bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi các văn bản quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định này;

e) Cho mượn, cho thuê, mua, bán Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự;

g) Lợi dụng hoạt động của cơ sở kinh doanh để xâm hại đến an ninh, trật tự bị cơ quan có thẩm quyền kiến nghị thu hồi không có thời hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự;

h) Đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ có vốn đầu tư nước ngoài mà phần vốn góp mua máy móc, phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác bảo vệ không đáp ứng đủ phần vốn quy định tại Nghị định này.

2. Thu hồi có thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng:

a) Kinh doanh không đúng ngành, nghề, địa điểm ghi trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự;

b) Không duy trì điều kiện về an ninh, trật tự quy định tại các Điều 7, 8, 11 và Điều 12 Nghị định này mà đã bị xử phạt vi phạm hành chính trước đó 30 ngày nhưng vẫn không khắc phục;

c) Sửa chữa, tẩy xóa làm sai lệch nội dung ghi trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự;

d) Vi phạm quy định về an ninh, trật tự đã bị xử phạt vi phạm hành chính từ 02 lần trở lên trong một năm;

đ) Không thực hiện báo cáo định kỳ hàng quý cho cơ quan Công an có thẩm quyền theo quy định trong 04 quý liên tục.

3. Việc thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này do cơ quan Công an có thẩm quyền thực hiện bằng quyết định thu hồi.

Sau khi thu hồi, cơ quan Công an phải có văn bản thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép cơ sở kinh doanh hoạt động.

 

Chương IV

HỒ SƠ, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC, THẨM QUYỀN CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN VỀ AN NINH, TRẬT TỰ VÀ CHỨNG CHỈ NGHIỆP VỤ BẢO VỆ

 

Điều 19. Hồ sơ cấp mới Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự áp dụng chung đối với các ngành, nghề

1. Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh (Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này).

2. Bản sao hợp lệ một trong các loại văn bản sau đây:

a) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh, đơn vị trực thuộc doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Giấy chứng nhận đăng ký chi nhánh, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Giấy phép hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam; Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; văn bản thành lập hoặc cho phép hoạt động kèm theo văn bản thông báo mã số thuế đối với đơn vị sự nghiệp có thu;

b) Trường hợp trong các văn bản quy định tại điểm a khoản này không thể hiện ngành, nghề đầu tư kinh doanh thì cơ sở kinh doanh phải bổ sung tài liệu chứng minh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh mà cơ sở kinh doanh hoạt động và đề nghị ghi trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đã được cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan có thẩm quyền chấp thuận (đối với cơ sở kinh doanh là doanh nghiệp thì cơ quan Công an khai thác tài liệu này trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp).

3. Bản sao hợp lệ các giấy tờ, tài liệu chứng minh bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với khu vực kinh doanh và kho bảo quản nguyên liệu, hàng hóa, gồm:

a) Văn bản nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở kinh doanh thuộc danh mục quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy (sau đây viết gọn là Nghị định số 79/2014/NĐ-CP);

b) Biên bản kiểm tra về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy đối với các cơ sở kinh doanh không thuộc quy định tại điểm a khoản 3 Điều này nhưng thuộc Danh mục quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP;

c) Các cơ sở kinh doanh không phải nộp tài liệu quy định tại các điểm a và b khoản 3 Điều này, gồm: Sản xuất con dấu; sản xuất cờ hiệu, mua, bán cờ hiệu, đèn, còi phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên; kinh doanh dịch vụ bảo vệ; kinh doanh dịch vụ đòi nợ; kinh doanh dịch vụ đặt cược; kinh doanh các thiết bị gây nhiễu, phá sóng thông tin di động; kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ; kinh doanh máy kiểm tra tốc độ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; kinh doanh thiết bị kiểm tra nồng độ cồn; kinh doanh thiết bị giám sát điện thoại di động GSM và các thiết bị giám sát điện thoại di động khác;

d) Đối với các cơ sở kinh doanh không có kho chứa nguyên liệu hoặc sản phẩm theo quy định thì phải có hợp đồng thuê kho đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại các điểm a và b khoản 3 Điều này;

đ) Đối với các cơ sở kinh doanh ngành, nghề có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ thì các tài liệu chứng minh đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy là tài liệu của kho chứa, bảo quản vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ.

4. Bản khai lý lịch (Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này) kèm theo Phiếu lý lịch tư pháp hoặc Bản khai nhân sự (Mẫu số 02b tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này) của người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh, cụ thể như sau:

a) Đối với người Việt Nam ở trong nước là người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh đứng tên trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự phải có Bản khai lý lịch; Phiếu lý lịch tư pháp (trừ những người đang thuộc biên chế của cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội);

Bản khai lý lịch của những người quy định tại điểm này nếu đang thuộc biên chế của cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thì phải có xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trực tiếp quản lý (trừ cơ sở kinh doanh). Đối với những người không thuộc đối tượng nêu trên phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú;

b) Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài và người nước ngoài phải có Bản khai nhân sự kèm theo bản sao hợp lệ Hộ chiếu, Thẻ thường trú hoặc Thẻ tạm trú hoặc Thị thực còn thời hạn lưu trú tại Việt Nam;

c) Đối với trường hợp một cơ sở kinh doanh có nhiều người đại diện theo pháp luật thì Bản khai lý lịch, Phiếu lý lịch tư pháp hoặc Bản khai nhân sự trong hồ sơ áp dụng đối với người đứng tên trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.

Điều 20. Hồ sơ cấp mới Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự áp dụng đối với một số ngành, nghề

Ngoài các tài liệu quy định tại Điều 19 Nghị định này, hồ sơ đề nghị cấp mới Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự phải có thêm tài liệu áp dụng đối với một số cơ sở kinh doanh các ngành, nghề sau đây:

1. Đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ không có vốn đầu tư nước ngoài, phải có bản sao hợp lệ bằng tốt nghiệp chứng minh trình độ học vấn của người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh đứng tên trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.

2. Đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ có vốn đầu tư nước ngoài, phải có:

a) Bản sao hợp lệ bằng tốt nghiệp chứng minh trình độ học vấn của người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh đứng tên trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự;

b) Tài liệu chứng minh doanh nghiệp nước ngoài đủ điều kiện quy định tại các điểm a và b khoản 4 Điều 11 Nghị định này đã được hợp pháp hóa lãnh sự của cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở quốc gia, vùng lãnh thổ nơi doanh nghiệp nước ngoài đặt trụ sở chính.

3. Đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ có chức năng đào tạo nhân viên dịch vụ bảo vệ, phải có giáo trình và chương trình đào tạo nhân viên dịch vụ bảo vệ.

4. Đối với các cơ sở kinh doanh ngành, nghề: Sản xuất vật liệu nổ công nghiệp; kinh doanh tiền chất thuốc nổ; kinh doanh ngành, nghề có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp để thăm dò, khai thác khoáng sản, dầu khí; kinh doanh súng quân dụng cầm tay hạng nhỏ; kinh doanh casino; kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài; kinh doanh dịch vụ đặt cược, phải có văn bản cho phép hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.

Điều 21. Hồ sơ cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự

1. Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự được cấp đổi trong những trường hợp bị hư hỏng, sai thông tin, có thay đổi nội dung thông tin ghi trên Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự hoặc hết thời hạn sử dụng.

Hồ sơ đề nghị cấp đổi gồm các tài liệu sau đây:

a) Văn bản đề nghị cấp đổi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh (Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này) gửi cơ quan Công an có thẩm quyền;

b) Bản sao hợp lệ các tài liệu chứng minh sự thay đổi của các thông tin ghi trên Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự (nếu có);

c) Tài liệu quy định tại khoản 4 Điều 19 Nghị định này trong trường hợp thay đổi người đứng tên trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh;

d) Bản chính Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đã được cấp.

2. Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự được cấp lại trong trường hợp bị mất.

Hồ sơ đề nghị cấp lại trong trường hợp bị mất Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự gồm các tài liệu sau đây:

a) Văn bản đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh gửi cơ quan Công an có thẩm quyền (Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này);

b) Biên lai nộp tiền phạt theo quy định của pháp luật (nếu có).

Điều 22. Hồ sơ và thời hạn cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự sau khi bị thu hồi

Việc cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự sau khi bị thu hồi theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định này được thực hiện như sau:

1. Trong thời hạn không quá 06 tháng kể từ ngày bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đối với trường hợp quy định tại các điểm b, c và h khoản 1 Điều 18 Nghị định này mà cơ sở kinh doanh đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Nghị định này và có nhu cầu tiếp tục kinh doanh thì nộp hồ sơ đề nghị cơ quan Công an có thẩm quyền cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự. Hồ sơ gồm:

a) Văn bản đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh (Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này) gửi cơ quan Công an có thẩm quyền;

b) Bản sao hợp lệ các tài liệu bổ sung chứng minh đáp ứng đủ điều kiện để hoạt động kinh doanh (nếu có).

2. Khi bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đối với trường hợp quy định tại các điểm a và e khoản 1 Điều 18 Nghị định này, nếu không thay đổi người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự thì sau 12 tháng kể từ ngày ra quyết định thu hồi, cơ sở kinh doanh mới được nộp hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.

Hồ sơ cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự được thực hiện như hồ sơ cấp mới quy định tại Điều 19 hoặc Điều 20 Nghị định này.

3. Khi bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đối với trường hợp quy định tại điểm g khoản 1 Điều 18 Nghị định này, nếu không thay đổi người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự thì sau 24 tháng kể từ ngày ra quyết định thu hồi, cơ sở kinh doanh mới được nộp hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự, trừ trường hợp có quyết định khác của Tòa án.

Hồ sơ cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự được thực hiện như hồ sơ cấp mới quy định tại Điều 19 hoặc Điều 20 Nghị định này.

4. Đối với cơ sở kinh doanh bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự quy định tại các khoản 2 và 3 Điều này sau khi thay đổi người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự thì hồ sơ cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự được thực hiện như hồ sơ cấp mới quy định tại Điều 19 hoặc Điều 20 Nghị định này.

Điều 23. Trình tự, thủ tục nộp hồ sơ và thời hạn cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự

1. Trình tự, thủ tục nộp hồ sơ:

a) Cơ sở kinh doanh nộp một bộ hồ sơ cho cơ quan Công an có thẩm quyền đề nghị cấp mới, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự quy định tại các Điều 19, 20, 21 và Điều 22 Nghị định này;

b) Tại một địa điểm kinh doanh có nhiều ngành, nghề khác nhau thuộc một cơ sở kinh doanh nhưng thuộc thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự của nhiều cấp Công an thì nộp một bộ hồ sơ cho cơ quan Công an có thẩm quyền cao nhất để cấp một Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự cho các ngành, nghề đó;

c) Tại một địa điểm kinh doanh có nhiều ngành, nghề khác nhau thuộc nhiều cơ sở kinh doanh khác nhau nhưng thuộc thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự của nhiều cấp Công an thì mỗi cơ sở kinh doanh nộp một bộ hồ sơ cho cơ quan Công an có thẩm quyền cao nhất để cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự cho từng cơ sở kinh doanh;

d) Đối với chi nhánh, cơ sở kinh doanh trực thuộc có địa điểm kinh doanh ngoài địa điểm của cơ sở kinh doanh chính, thì mỗi chi nhánh, cơ sở kinh doanh trực thuộc nộp một bộ hồ sơ cho cơ quan Công an có thẩm quyền quản lý cơ sở kinh doanh chính để cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự cho chi nhánh và cơ sở kinh doanh trực thuộc đó.

2. Hình thức nộp hồ sơ:

Cơ sở kinh doanh chọn một trong các hình thức nộp hồ sơ sau đây:

a) Nộp trực tiếp cho cơ quan Công an có thẩm quyền;

b) Gửi qua cơ sở kinh doanh dịch vụ bưu chính;

c) Nộp qua Cổng thông tin điện tử quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự của Bộ Công an.

Đối với hình thức nộp hồ sơ qua Cổng thông tin điện tử quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự của Bộ Công an thì khi nhận Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự, cơ sở kinh doanh phải chuyển cho cơ quan Công an có thẩm quyền các văn bản, tài liệu quy định tại các Điều 19, 20, 21 hoặc Điều 22 Nghị định này.

3. Thời hạn hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ quy định như sau:

a) Không quá 05 ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại các Điều 19, 20 và các khoản 2, 3, 4 Điều 22 Nghị định này;

b) Không quá 04 ngày làm việc đối với trường hợp cấp đổi, cấp lại quy định tại Điều 21 và khoản 1 Điều 22 Nghị định này.

4. Trường hợp không cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự thì trong thời hạn 04 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan Công an phải có văn bản trả lời cơ sở kinh doanh và nêu rõ lý do.

Điều 24. Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự, Chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ và thẩm duyệt giáo trình, chương trình đào tạo nhân viên dịch vụ bảo vệ

1. Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an chịu trách nhiệm:

a) Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự và quản lý các cơ sở kinh doanh, gồm: Cơ sở kinh doanh súng quân dụng cầm tay hạng nhỏ; kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp; kinh doanh tiền chất thuốc nổ; kinh doanh dịch vụ nổ mìn; kinh doanh ngành, nghề có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp để thăm dò, khai thác khoáng sản, dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam; kinh doanh dịch vụ lưu trú được xếp hạng từ 05 sao trở lên; kinh doanh công cụ hỗ trợ; kinh doanh súng bắn sơn (trừ cung ứng dịch vụ sử dụng súng bắn sơn); kinh doanh các loại pháo; kinh doanh casino; kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài; cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ có vốn đầu tư nước ngoài và cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ có chức năng đào tạo nhân viên dịch vụ bảo vệ; các cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Công an;

b) Chủ trì sát hạch và cấp Chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ cho nhân viên dịch vụ bảo vệ được đào tạo tại cơ sở kinh doanh có chức năng đào tạo nhân viên dịch vụ bảo vệ; trung tâm dạy nghề của các trường Công an nhân dân; trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ của các đơn vị thuộc Bộ Công an có chức năng đào tạo nhân viên dịch vụ bảo vệ;

c) Thẩm duyệt giáo trình và chương trình đào tạo nhân viên dịch vụ bảo vệ cho các cơ sở được đào tạo nhân viên dịch vụ bảo vệ quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định này.

2. Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm:

a) Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự và quản lý các cơ sở kinh doanh (trừ các cơ sở kinh doanh quy định tại điểm a khoản 1 Điều này), bao gồm:

Sản xuất con dấu; kinh doanh ngành, nghề có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; sản xuất, mua, bán quần, áo, mũ quân phục, quân hiệu, phù hiệu, cấp hiệu, số hiệu của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân.

Kinh doanh máy, thiết bị (bao gồm cả linh kiện, phụ tùng, trang thiết bị sản xuất): Máy kiểm tra tốc độ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; thiết bị giám sát điện thoại di động GSM và các thiết bị giám sát điện thoại di động khác; thiết bị kiểm tra nồng độ cồn; kinh doanh dịch vụ đặt cược; các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ in.

Kinh doanh các thiết bị gây nhiễu, phá sóng thông tin di động; kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ; kinh doanh dịch vụ vũ trường; các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú; kinh doanh dịch vụ đòi nợ; kinh doanh dịch vụ bảo vệ.

Cơ sở kinh doanh thuộc Quân đội và đơn vị sự nghiệp có thu của các cơ quan, tổ chức cấp trung ương và cấp tỉnh trên địa bàn quản lý.

Các cơ sở kinh doanh khác chưa được quy định tại điểm a khoản 1 và khoản 3 Điều này; các cơ sở kinh doanh do Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an có văn bản ủy quyền.

b) Chủ trì sát hạch và cấp Chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ cho nhân viên dịch vụ bảo vệ được đào tạo tại trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ của Công an địa phương có chức năng đào tạo nhân viên dịch vụ bảo vệ.

3. Công an cấp huyện thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự và quản lý các cơ sở kinh doanh (trừ các cơ sở kinh doanh quy định tại điểm a khoản 1, điểm a khoản 2 Điều này), bao gồm:

a) Các cơ sở kinh doanh cung ứng dịch vụ sử dụng súng bắn sơn; kinh doanh dịch vụ karaoke; kinh doanh dịch vụ xoa bóp; kinh doanh dịch vụ cầm đồ; kinh doanh thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên; kinh doanh khí;

b) Các cơ sở kinh doanh không phải là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú và kinh doanh dịch vụ in;

c) Các đơn vị sự nghiệp có thu hoạt động kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự của cơ quan, tổ chức cấp huyện.

 

*Xem phụ lục danh mục và toàn bộ nội dung đầy đủ hơn quý độc giả tải tài liệu về máy hoặc xem bản gốc bên dưới.

Lịch sử hiệu lực

Ngày:
01/07/2016
01/07/2016
Trạng thái:
Văn bản được ban hành
Văn bản có hiệu lực
Văn bản nguồn:
96/2016/NĐ-CP
96/2016/NĐ-CP

Luợc đồ

Mở tất cả Đóng tất cả
Văn bản được HD, QĐ chi tiết (0)
Văn bản hiện thời (0)
Văn bản HD, QĐ chi tiết (0)
Văn bản hết hiệu lực (0)
Văn bản căn cứ (0)
Văn bản quy định hết hiệu lực (0)
Văn bản bị hết hiệu lực 1 phần (0)
Văn bản dẫn chiếu (0)
Văn bản quy định hết hiệu lực 1 phần (0)
Văn bản bị đình chỉ (0)
Văn bản liên quan khác (0)
Văn bản đình chỉ (0)
Văn bản bị đình chỉ 1 phần (0)
Văn bản đình chỉ 1 phần (0)
Văn bản được hợp nhất (0)
Văn bản được bổ sung (0)
Văn bản bổ sung (0)
Văn bản hợp nhất (0)
Văn bản được sửa đổi (0)
Văn bản sửa đổi (0)

Văn bản liên quan theo cơ quan ban hành

Văn bản liên quan theo người ký