ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 630/KH-UBND |
Kon Tum, ngày 19 tháng 3 năm 2018 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÔNG TÁC AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM NĂM 2018
Căn cứ vào Quyết định số 05/QĐ-TTg ngày 05/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2016 - 2020:
Nhằm chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 2971/KH-UBND ngày 30/11/2016 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình quốc gia về An toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện công tác An toàn, vệ sinh lao động (AT, VSLĐ) năm 2018. Cụ thể như sau:
1. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động không ngừng nâng cao sức khỏe, phòng ngừa bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động; nâng cao nhận thức trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động và các cấp, các ngành đối với công tác AT, VSLĐ. Góp phần xây dựng và phát triển văn hóa an toàn trong lao động, đảm bảo phát triển kinh tế xã hội bền vững trên địa bàn tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể
- Giảm 5% tần suất tai nạn lao động chết người, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động (xây dựng, cơ khí sản xuất vật liệu xây dựng, vận hành lưới điện...).
- Trên 40% người lao động làm việc tại các cơ sở có nguy cơ bị các bệnh nghề nghiệp phổ biến được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; trên 60% doanh nghiệp lớn và ít nhất có 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguy cơ cao về bệnh nghề nghiệp thực hiện quan trắc, do kiểm tra môi trường lao động.
- Tăng thêm 10 doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng hiệu quả một số nội dung cơ bản của hệ thống quản lý AT, VSLĐ.
- Trên 80% số người làm công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác AT, VSLĐ cấp huyện, thành phố và ban quản lý khu kinh tế được tập huấn nâng cao năng lực về AT, VSLĐ.
- Trên 70% số người lao động làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động; trên 80% số người làm công tác AT, VSLĐ, người làm công tác y tế và 80% người làm công tác an toàn, vệ sinh viên trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh được huấn luyện về AT, VSLĐ.
- Trên 80% số người thuộc lực lượng sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc được huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức về sơ cứu, cấp cứu theo quy định.
- Trên 60% số làng nghề, hợp tác xã có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được tiếp cận thông tin phù hợp về AT, VSLĐ.
- 100% người lao động đã xác nhận bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được điều trị và phục hồi chức năng theo quy định của pháp luật.
- 100% số vụ tai nạn lao động chết người được khai báo, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
- 100% đơn vị, doanh nghiệp có tổ chức công đoàn thành lập được mạng lưới An toàn - vệ sinh viên.
II. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU
1. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về AT, VSLĐ.
a) Nội dung hoạt động:
- Thường xuyên cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về AT, VSLĐ do các Bộ, ngành Trung ương ban hành; rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan nhằm đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.
- Triển khai các hoạt động kiểm tra về công tác AT, VSLĐ điều tra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, chết người; tăng cường công tác quản lý máy móc, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Tập huấn nâng cao kỹ năng quản lý nhà nước về công tác an toàn, vệ sinh lao động cho Ban Chỉ đạo An toàn, vệ sinh lao động các huyện, thành phố và cán bộ chủ chốt các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
- Triển khai áp dụng các hệ thống quản lý nhà nước công tác AT, VSLĐ phù hợp trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và làng nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
b) Cơ quan chủ trì: Sở Lao động Thương binh và Xã hội
c) Cơ quan phối hợp: Liên đoàn Lao động tỉnh: các sở, ngành liên quan; UBND các huyện, thành phố.
d) Thời gian thực hiện: Hoàn thành trước 30/9/2018
2. Nâng cao nghiệp vụ quản lý và chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại nơi làm việc
a) Nội dung hoạt động:
- Triển khai các biện pháp phòng, chống một số bệnh nghề nghiệp phổ biến, thường gặp trong các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cao về bệnh nghề nghiệp.
- Khám sức khỏe định kỳ cho người lao động: do môi trường lao động tại nơi làm việc.
- Tập huấn nâng cao năng lực chẩn đoán, giám định, điều trị và phục hồi chức năng cho người bị tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; nghiệp vụ quan trắc môi trường lao động, đánh giá các yếu tố có hại trong lao động.
- Tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho người làm công tác y tế tại các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; huấn luyện lực lượng sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc.
b) Cơ quan chủ trì: Sở Y tế
c) Cơ quan phối hợp: Sở Lao động Thương binh và Xã hội; UBND các huyện, thành phố
d) Thời gian thực hiện: Hoàn thành trước 30/9/2018
3. Tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện, tư vấn về công tác AT - VSLĐ
a) Nội dung hoạt động
- Triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền, tư vấn nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể, người sử dụng lao động và người lao động đối với công tác AT, VSLĐ.
- Triển khai các hoạt động về thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động, người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp” trên địa bàn tỉnh kon Tum giai đoạn 2017-2021 (theo Kế hoạch số 2410/KH-UBND ngày 05/9/2017 của UBND tỉnh).
- Tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về An toàn lao động, vệ sinh lao động năm 2018. Thời gian diễn ra Tháng hành động từ ngày 01-31/5/2018, với chủ đề: “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”.
b) Cơ quan chủ trì: Sở Lao động Thương binh và Xã hội
c) Cơ quan phối hợp: Liên đoàn Lao động tỉnh; các sở, ngành liên quan; UBND các huyện, thành phố.
d) Thời gian thực hiện: thực hiện thường xuyên trong năm và tập trung trong tháng 5/2018
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Các đơn vị, địa phương chủ động nguồn kinh phí được giao năm 2018, các nguồn kinh phí từ các Chương trình, dự án có liên quan và vận động xã hội hóa để triển khai thực hiện theo quy định.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Lao động Thương binh và Xã hội
- Chủ trì, phối hợp các đơn vị, địa phương có liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại mục 1 và 3, phần II Kế hoạch này.
- Chịu trách nhiệm đôn đốc, theo dõi và tổng hợp tham mưu UBND tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh về tình hình, kết quả thực hiện Luật AT, VSLĐ trên địa bàn tỉnh năm 2018 (Hoàn thành trước 30/9/2018);
2. Sở Y tế
- Chủ trì, phối hợp các đơn vị, địa phương có liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại mục 2, phần II Kế hoạch này;
- Phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội và các đơn vị có liên quan thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng trên các hệ thống thông tin đại chúng về phòng, chống bệnh nghề nghiệp và chăm sóc sức khỏe người lao động tới các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt quan tâm người lao động làm việc trong các bộ phận, doanh nghiệp có nhiều yếu tố độc hại, nguy hiểm.
3. Sở Tài chính
Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình AT, VSLĐ trên địa bàn tỉnh. Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất bố trí kinh phí phù hợp để đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác AT, VSLĐ trên địa bàn tỉnh trong năm tiếp.
4. Sở Công thương: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện công tác an toàn lao động trong các cơ sở sản xuất kinh doanh xăng dầu, khí gas, khí hóa lỏng, các chợ, trung tâm thương mại; kiểm tra chặt chẽ hoạt động quản lý và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, hoạt động khai thác khoáng sản tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
5. Sở Xây dựng: Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn thực hiện công tác AT, VSLĐ trong thi công xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, đặc biệt là các công trình xây dựng có người lao động làm việc trên cao và có các loại máy, thiết bị phục vụ thi công có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.
6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với Hội nông dân, Liên minh hợp tác xã và các cơ quan liên quan hướng dẫn, tuyên truyền các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn nghề nghiệp trong chăn nuôi, trồng trọt và đảm bảo an toàn trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, các máy, thiết bị trong sản xuất nông nghiệp. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác AT, VSLĐ trong các đơn vị, doanh nghiệp thuộc ngành quản lý.
7. Sở Giao thông - Vận tải: Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn thực hiện công tác AT, VSLĐ tại các công trình xây dựng cầu đường, các công trình giao thông trọng điểm thuộc quyền quản lý. Tăng cường kiểm tra công tác quản lý chất lượng công trình trong các khâu: Khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, nghiệm thu bàn giao, bảo hành và bảo trì công trình.
8. Ban quản lý khu kinh tế tỉnh
- Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện các quy định pháp luật AT, VSLĐ đối với các đơn vị, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh, hợp tác xã, làng nghề trên địa bàn quản lý;
- Phối hợp với các đơn vị có liên quan; các cơ quan Báo, Đài trong công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về AT, VSLĐ cho các doanh nghiệp trong cụm, khu công nghiệp, khu kinh tế; đồng thời chỉ đạo các doanh nghiệp cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc địa bàn quản lý thực hiện nghiêm chế độ khai báo, điều tra các vụ tai nạn lao động chết người, các vụ tai nạn lao động bị thương nặng từ hai người trở lên hoặc sự cố kỹ thuật gây mất AT, VSLĐ nghiêm trọng xẩy ra trong các doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp, khu kinh tế.
9. Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh
- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện các hoạt động Kế hoạch này;
- Chỉ đạo Liên đoàn Lao động các huyện, thành phố; công đoàn ngành tổ chức triển khai, thực hiện tốt phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn lao động” tại các cơ quan, doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động;
- Tăng cường làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn để nâng cao nhận thức của tổ chức công đoàn các cấp, công đoàn trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về công tác AT, VSLĐ.
10. Báo Kon Tum; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh: Chủ động phối hợp Sở Lao động Thương binh và Xã hội và các Sở, ngành, liên quan: UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về AT, VSLĐ; xây dựng các phóng sự, đưa tin, bài phản ánh các hoạt động về công tác AT, VSLĐ và biểu dương, động viên kịp thời các tập thể, cá nhân làm tốt công tác AT, VSLĐ; đồng thời phê phán những tập thể, cá nhân vi phạm các quy định pháp luật lao động để xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng, chết người.
11. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế của địa phương trên cơ sở Kế hoạch này, chủ động xây dựng kế hoạch, nội dung các hoạt động công tác AT, VSLĐ của địa phương.
- Chủ động phối hợp Sở Lao động Thương binh và Xã hội, các Sở, Ban, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện tốt các hoạt động tại Kế hoạch này. Tổng hợp báo cáo tiến độ và kết quả thực hiện công tác AT, VSLĐ trên địa bàn quản lý gửi Sở Lao động Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo chung.
12. Các cơ quan thành viên Hội đồng AT, VSLĐ tỉnh (theo Quyết định số 53/QĐ-UBND, ngày 05/02/2018 của UBND tỉnh)(1): Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình chủ động triển khai các hoạt động có liên quan nhằm đảm bảo thực hiện tốt công tác AT, VSLĐ thuộc lĩnh vực quản lý.
UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương, căn cứ nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện Kế hoạch này và tổng hợp báo cáo tình hình, kết quả thực hiện về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 15/9/2018 để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Sở Lao động Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, xử lý theo quy định./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
1 Ngoài các cơ quan đã được giao nhiệm vụ trong Kế hoạch này