Không viết, vẽ vào sách giáo khoa để sách sử dụng lại lâu bền. Ảnh minh họa.
Theo đó, để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng sách giáo khoa, tăng tỉ lệ sách giáo khoa được sử dụng lại nhiều lần; không ép buộc học sinh, gia đình học sinh mua sách tham khảo, sách bài tập, Bộ trưởng Bộ GDĐT yêu cầu:
Giám đốc các Sở GDĐT chỉ đạo các Phòng GDĐT, các cơ sở giáo dục phổ thông ở địa phương tổ chức quán triệt, tuyên truyền đến từng cán bộ quản lý giáo viên và học sinh về việc giữ gìn, bảo quản SGK; không viết, vẽ vào SGK để SGK được sử dụng lại lâu bền.
Yêu cầu các trường thực hiện nghiêm quy định tại khoản 4 Điều 5 Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT, cụ thể:
“Giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kì hình thức nào”.
Ngoài ra, Bộ GDĐT cũng yêu cầu các Sở GDĐT bố trí nguồn kinh phí hợp lý để mua sách giáo khoa cho các thư viện trường học, cho học sinh mượn sách giáo khoa để học tập, vận động học sinh quyên góp, ủng hộ sách giáo khoa cũ vào thư viện để học sinh các lớp sau tiếp tục được mượn và sử dụng.
Chỉ thị 643/CT-BGDĐT được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 10/6/2022.