Thế nào là tranh chấp đất đai?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 3 Luật Đất đai 2013 thì:
“Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai”.
Hiểu đúng hơn, tranh chấp đất đai là tranh chấp trong việc xác định ai là người có quyền sử dụng, bao gồm việc tranh chấp xác định ranh giới giữa các thửa đất liền kề. Như vậy, các trường hợp tranh chấp về chuyển nhượng, tặng cho, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất,...không thuộc tranh chấp đất đai.
Khi xảy ra tránh chấp đất đai, hai bên bắt buộc phải hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất nếu muốn khởi kiện. Khi hòa giải không thành, thì bên khởi kiện mới có thể gửi đơn lên Tòa án. Trường hợp chưa gửi đơn lên tòa nhưng chưa thực hiện hòa giải tại UBND xã sẽ bị tòa trả lại đơn khởi kiện.
Thủ tục khởi kiện tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật. Ảnh minh họa.
Tòa án giải quyết tranh chấp chất đai trong 2 trường hợp
Hay nói cách khác, tranh chấp đất đai không được khởi kiện luôn tại Tòa án mà phải hòa giải tại UBND cấp xã, nếu không sẽ bị trả lại đơn khởi kiện.
Cũng theo Điều 203 Luật Đất đai năm 2013, nếu tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại UBND cấp xã mà không thành thì được giải quyết theo 2 trường hợp:
- Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết.
- Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức sau:
- Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền (cấp huyện, cấp tỉnh);
- Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Quy định về đơn khởi kiện tranh chấp đất đai
Căn cứ theo khoản 2 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, việc làm đơn khởi kiện của cá nhân được thực hiện như sau:
- Cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án.
Tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, cá nhân đó phải ký tên hoặc điểm chỉ;
- Cá nhân là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì người đại diện hợp pháp của họ có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án.
Tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của người đại diện hợp pháp của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp đó phải ký tên hoặc điểm chỉ;
- Cá nhân thuộc trường hợp là người không biết chữ, người khuyết tật nhìn, người không thể tự mình làm đơn khởi kiện, người không thể tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì có thể nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện và phải có người có đủ năng lực tố tụng dân sự làm chứng.
Người làm chứng phải ký xác nhận vào đơn khởi kiện.
Điều 190, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 nêu rõ: Người khởi kiện gửi đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ mà mình hiện có đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng một trong 3phương thức:
- Nộp trực tiếp tại Tòa án;
- Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
- Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Căn cứ khoản 3, Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:
- Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
- Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn;
- Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
- Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Căn cứ theo Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án tranh chấp đất đai là 04 tháng, vụ việc phức tạp được gia hạn không quá 02 tháng (tổng 06 tháng); nếu không thuộc trường hợp tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án thì Tòa án sẽ đưa vụ án ra xét xử.
Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.