|
|
Số: 06/2013/TTLT-BVHTTDL-BCA |
Hà Nội, ngày 18 tháng 10 năm 2013 |
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Quy định trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí thể thao
trong tập luyện và thi đấu thể thao
Căn cứ Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ;
Căn cứ Nghị định số 25/2012/NĐ-CP ngày 05/4/2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ;
Căn cứ Nghị định số 26/2012/NĐ-CP ngày 05/4/2012 quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền và kinh phí phục vụ việc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ;
Căn cứ Nghị định số 76/2013/NĐ-CP ngày 16/7/2013 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15/9/2009 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư liên tịch quy định quản lý, trang bị, sử dụng vũ khí thể thao trong tập luyện và thi đấu thể thao,
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Thông tư này quy định việc trang bị, quản lý, sử dụng các loại vũ khí thể thao dùng trong tập luyện và thi đấu thể thao.
2. Việc trang bị, quản lý, sử dụng các loại vũ khí thể thao đối với các đối tượng thuộc Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ thực hiện theo quy định tại Điều 6, 9, 10, 17, 18, 19, 20, 21 Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế cư trú, nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh để tập luyện và thi đấu các môn thể thao có sử dụng vũ khí thể thao tại Việt Nam; trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.
Điều 3. Vũ khí thể thao dùng trong tập luyện, thi đấu thể thao
1. Vũ khí thể thao bao gồm các loại súng, đạn dùng cho các loại súng này và các loại vũ khí thô sơ dùng để tập luyện và thi đấu thể thao.
2. Các loại súng quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm: súng trường hơi, súng trường bắn đạn nổ, súng ngắn hơi, súng ngắn bắn đạn nổ, súng thể thao bắn đạn sơn, súng bắn đĩa bay dùng trong tập luyện, thi đấu thể thao.
3. Vũ khí thô sơ quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm các loại dao găm, kiếm, giáo, mác, đao, mã tấu, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ dùng trong tập luyện và thi đấu thể thao.
Điều 4. Nguyên tắc trang bị, quản lý và sử dụng vũ khí thể thao dùng trong tập luyện và thi đấu thể thao
1. Tuân thủ quy định của Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Thông tư liên tịch này và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
2. Vũ khí thể thao chỉ được sử dụng khi có giấy phép sử dụng vũ khí thể thao. Vũ khí thể thao phải được kiểm tra an toàn trước, trong và sau khi tập luyện, thi đấu thể thao.
3. Việc sử dụng đạn trong tập luyện, thi đấu thể thao phải được tổ chức tại trường bắn hoặc tại địa điểm được tổ chức cảnh giới và có biện pháp bảo vệ an toàn; tuân thủ giáo án tập luyện, luật thi đấu môn thể thao có sử dụng vũ khí thể thao và điều lệ giải.
4. Vũ khí thể thao chỉ được giao cho vận động viên, huấn luyện viên, học viên, hội viên cơ sở thể thao để tập luyện, thi đấu thể thao tại địa điểm tập luyện và thi đấu sau khi được sự cho phép của người đứng đầu cơ quan, tổ chức được trang bị vũ khí thể thao.
Chương II
QUẢN LÝ, SỬ DỤNG, BẢO QUẢN VŨ KHÍ THỂ THAO DÙNG
TRONG TẬP LUYỆN, THI ĐẤU THỂ THAO
Điều 5. Cơ quan làm thủ tục đề nghị cấp Giấy phép mang vũ khí thể thao vào, ra khỏi lãnh thổ Việt Nam để tập luyện, thi đấu thể thao
1. Tổng cục Thể dục thể thao có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ của các tổ chức, cá nhân xin cấp giấy phép và làm thủ tục đề nghị Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cấp Giấy phép mang vũ khí thể thao vào, ra khỏi lãnh thổ Việt Nam cho Đoàn thể thao nước ngoài, Đội tuyển thể thao nước ngoài, cá nhân nước ngoài, Đoàn thể thao Việt Nam, Đội tuyển thể thao quốc gia, các cơ quan, tổ chức ở Trung ương mang vũ khí thể thao vào, ra khỏi lãnh thổ Việt Nam để tập luyện, thi đấu thể thao.
2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ của các đoàn thể thao và các tổ chức khác tại địa phương báo cáo Tổng cục Thể dục thể thao để làm thủ tục đề nghị Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cấp Giấy phép mang vũ khí thể thao vào, ra khỏi lãnh thổ Việt Nam để tập luyện, thi đấu thể thao.
Điều 6. Thủ tục trang bị vũ khí thể thao
1. Cơ quan, tổ chức ở địa phương có yêu cầu trang bị vũ khí thể thao nộp 01 (một) bộ hồ sơ đề nghị trang bị vũ khí thể thao theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương qua đường bưu điện hoặc trực tiếp.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị trang bị vũ khí thể thao, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, có báo cáo đề xuất bằng văn bản về trang bị vũ khí thể thao, trong đó nêu rõ ý kiến đồng ý hay không đồng ý trang bị, số lượng, chủng loại vũ khí thể thao cần trang bị cho cơ quan, tổ chức và gửi hồ sơ về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
2. Cơ quan, tổ chức ở Trung ương có yêu cầu trang bị vũ khí thể thao nộp 01 (một) bộ hồ sơ đề nghị trang bị vũ khí thể thao theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, qua đường bưu điện hoặc trực tiếp tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo đề xuất của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc trang bị vũ khí thể thao cho cơ quan, tổ chức ở địa phương hoặc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của cơ quan, tổ chức ở Trung ương quy định tại khoản 1, 2 Điều này, Tổng cục Thể dục thể thao có trách nhiệm xem xét, trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định.
Điều 7. Thủ tục nhập khẩu vũ khí thể thao
1. Trước ngày 01 tháng 8 của năm liền trước năm dự kiến nhập khẩu, cơ quan, tổ chức được phép trang bị vũ khí thể thao nộp hồ sơ đăng ký nhu cầu, mục đích sử dụng vũ khí thể thao qua đường bưu điện hoặc trực tiếp tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hồ sơ đăng ký nhu cầu, mục đích sử dụng vũ khí thể thao gồm:
a) 01 (một) bản đăng ký nhu cầu, mục đích sử dụng vũ khí thể thao, nêu rõ lý do, số lượng, chủng loại vũ khí cần nhập khẩu;
b) 01 (một) bản sao có chứng thực Quyết định cho phép trang bị vũ khí thể thao của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Tổng cục Thể dục thể thao có trách nhiệm tổng hợp nhu cầu, mục đích sử dụng vũ khí thể thao và trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
3. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lấy ý kiến thống nhất của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng về số lượng, chủng loại vũ khí thể thao cần nhập khẩu theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về số lượng, chủng loại vũ khí thể thao cần nhập khẩu; nếu không đồng ý cho phép nhập khẩu thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
4. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an về số lượng và chủng loại vũ khí thể thao cần nhập khẩu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép nhập khẩu vũ khí thể thao.
5. Sau khi có văn bản cho phép nhập khẩu vũ khí thể thao của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Thể dục thể thao có trách nhiệm trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định phương thức đấu thầu để lựa chọn doanh nghiệp được giao nhiệm vụ nhập khẩu vũ khí thể thao trước ngày 31 tháng 10 của năm liền trước năm nhập khẩu và gửi văn bản cho phép nhập khẩu vũ khí thể thao của Thủ tướng Chính phủ, bản đăng ký nhu cầu, mục đích sử dụng vũ khí thể thao của cơ quan, tổ chức được trang bị vũ khí thể thao và bản sao có chứng thực quyết định cho phép trang bị vũ khí thể thao của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho doanh nghiệp được giao nhiệm vụ nhập khẩu vũ khí thể thao thực hiện.
Điều 8. Vận chuyển vũ khí thể thao ra ngoài khu vực tập luyện, thi đấu thể thao
Việc vận chuyển vũ khí thể thao ra ngoài khu vực tập luyện, thi đấu thể thao phải được cơ quan Công an có thẩm quyền cấp giấy phép vận chuyển và tuân thủ các quy định tại Điều 21 Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Điều 9. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức được trang bị, sử dụng vũ khí thể thao
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức được trang bị, sử dụng vũ khí thể thao có trách nhiệm theo quy định tại Điều 7 Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và các trách nhiệm sau:
1. Phân công người có đủ trình độ chuyên môn để trực tiếp quản lý việc sử dụng vũ khí thể thao đã được trang bị;
2. Giao đúng chủng loại vũ khí thể thao cho học viên, vận động viên, huấn luyện viên để tập luyện, thi đấu môn thể thao có sử dụng loại vũ khí thể thao đó;
3. Hàng năm, thống kê và bàn giao vũ khí thể thao bị hư hỏng không thể sửa chữa hoặc không có nhu cầu sử dụng cho cơ quan Công an cấp giấy phép sử dụng vũ khí thể thao đó;
4. Hàng năm, người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở Trung ương được trang bị vũ khí thể thao phải báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về công tác quản lý, sử dụng vũ khí thể thao. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở địa phương được trang bị vũ khí thể thao báo cáo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch việc quản lý, sử dụng vũ khí thể thao để tổng hợp, báo cáo Tổng cục Thể dục thể thao.
Điều 10. Tiêu chuẩn của huấn luyện viên, vận động viên, học viên được sử dụng vũ khí thể thao
Huấn luyện viên, vận động viên, học viên được sử dụng vũ khí thể thao phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:
1. Là huấn luyện viên, vận động viên, học viên môn thể thao có sử dụng vũ khí thể thao được trang bị;
2. Đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại Điều 14 Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Điều 11. Trách nhiệm của huấn luyện viên, vận động viên, học viên được giao vũ khí thể thao
Huấn luyện viên, vận động viên, học viên được giao vũ khí thể thao có trách nhiệm sau:
1. Sử dụng vũ khí thể thao đúng mục đích và được sự cho phép của người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý vũ khí thể thao đó;
2. Thực hiện đúng quy định về quy trình sử dụng vũ khí thể thao; có sự hướng dẫn của huấn luyện viên môn thể thao đó;
3. Xuất trình giấy chứng nhận sử dụng vũ khí trong thời gian tập luyện và thi đấu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;
4. Bảo quản, giữ gìn vũ khí thể thao theo quy định;
5. Báo cáo người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý vũ khí thể thao trong trường hợp vũ khí thể thao bị hư hỏng, mất hoặc thất lạc.
Điều 12. Bảo quản vũ khí thể thao
1. Vũ khí thể thao khi chưa có nhu cầu trang bị, sử dụng phải đưa vào bảo quản tại kho hoặc nơi cất giữ và phải sắp xếp, bảo quản, bảo dưỡng theo đúng quy định.
2. Cơ quan, tổ chức được trang bị vũ khí thể thao khi đưa vào sử dụng phải lập hồ sơ, sổ sách theo dõi quá trình quản lý, sử dụng vũ khí thể thao. Khi đưa vũ khí thể thao ra sử dụng phải tiến hành kiểm tra, lau chùi theo quy định. Sau khi sử dụng vũ khí thể thao phải được lau chùi, bảo quản, bảo dưỡng theo quy định và phải được đưa vào kho, nơi cất giữ vũ khí thể thao.
Điều 13. Tiêu chuẩn của người được giao bảo quản kho, nơi cất giữ vũ khí thể thao
1. Người được giao bảo quản kho, nơi cất giữ vũ khí thể thao phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:
a) Là công dân Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt;
b) Có đủ sức khỏe phù hợp với công việc được giao, được cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên chứng nhận;
c) Có chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy;
d) Nắm vững nội quy, chế độ quản lý, bảo quản kho, nơi cất giữ vũ khí thể thao.
2. Tổng cục Thể dục thể thao chủ trì, phối hợp với Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội tổ chức tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy cho người được giao bảo quản kho, nơi cất giữ vũ khí thể thao.
Điều 14. Phân loại vũ khí thể thao
1. Vũ khí thể thao phải được phân loại. Hội đồng phân loại vũ khí thể thao gồm đại diện cơ quan, đơn vị được trang bị, đại diện cơ quan Công an nơi cấp giấy phép sử dụng vũ khí thể thao. Hội đồng phân loại chịu trách nhiệm phân loại vũ khí và lập biên bản phân loại vũ khí thể thao.
2. Biên bản phân loại vũ khí thể thao được lập thành 02 (hai) bản. Một bản lưu tại cơ quan, tổ chức được trang bị vũ khí thể thao. Một bản lưu tại cơ quan Công an có thẩm quyền trực tiếp quản lý và cấp giấy phép sử dụng vũ khí thể thao. Biên bản phân loại vũ khí thể thao gồm các nội dung chủ yếu sau: Đại diện các bên tham gia phân loại, tổng số vũ khí được trang bị và hiện có, số lượng vũ khí còn tính năng sử dụng, số lượng vũ khí hết hạn sử dụng, số lượng vũ khí cần sửa chữa, số lượng vũ khí không còn tính năng sử dụng, số lượng vũ khí bị mất.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 15. Phối hợp trong xử lý vi phạm
Thanh tra chuyên ngành, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các cơ quan liên quan của Bộ Công an tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về trang bị, quản lý, sử dụng các loại vũ khí thể thao trong tập luyện, thi đấu thể thao.
Điều 16. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 12 năm 2013 và thay thế Thông tư liên tịch số 09/1998/TTLT-TDTT-BCA ngày 26/12/1998 của Ủy ban Thể dục thể thao và Bộ Công an hướng dẫn việc quản lý, trang bị, sử dụng, bảo quản, vận chuyển, sửa chữa, mang vào, mang ra khỏi nước Việt Nam và thanh lý, tiêu hủy các loại vũ khí thể thao.
Điều 17. Trách nhiệm thi hành
1. Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao giúp Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội giúp Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.
2. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Công an; Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư liên tịch này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các tổ chức, cá nhân cần báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (qua Tổng cục Thể dục thể thao), Bộ Công an (qua Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội) để kịp thời hướng dẫn./.
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN
|
BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA, |
Nơi nhận: |
|