Notice: Undefined variable: amp_css in /var/www/sv_111/web.tailieuluat.com/app/templates/mobile-views/layouts/home.phtml on line 9
Tóm lược & Nội dung
Tóm lược & Nội dung
Lịch sử
Lược đồ
Tải về
In, lưu lại...

Thông tư 85/2018/TT-BTC lĩnh vực Đầu tư, Tài chính nhà nước

Tóm lược

Thông tư 85/2018/TT-BTC hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cho công tác phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành ngày 13/09/2018
Cơ quan ban hành/ người ký: Bộ Tài chính / Thứ trưởng - Trần Văn Hiếu
Số hiệu: 85/2018/TT-BTC
Loại văn bản: Thông tư
Ngày ban hành: 13/09/2018
Ngày hiệu lực: 01/11/2018
Lĩnh vực: Đầu tư,
Tài chính nhà nước,

Nội dung văn bản

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 85/2018/TT-BTC

Hà Nội, ngày 13 tháng 9 năm 2018

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN LẬP DỰ TOÁN, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CHO CÔNG TÁC PHÒNG NGỪA, GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Thực hiện Quyết định số 04/2014/QĐ-TTg ngày 14 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế phối hợp trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cho công tác phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cho công tác phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế quy định tại khoản 1 Điều 2 Quy chế phối hợp trong việc giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế ban hành kèm theo Quyết định số 04/2014/QĐ-TTg ngày 14/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Thông tư này áp dụng đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cho công tác phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.

Điều 2. Nguyên tắc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí

1. Chi phí phát sinh từ việc thực hiện nhiệm vụ đại diện pháp lý cho Chính phủ được cấp trong kinh phí hoạt động hàng năm của Bộ Tư pháp.

2. Chi phí phát sinh từ việc thực hiện các hoạt động khác phục vụ công tác phòng ngừa, giải quyết vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế được cấp cho cơ quan chủ trì theo nguyên tắc sau:

a) Trường hợp cơ quan chủ trì là cơ quan nhà nước ở trung ương do ngân sách trung ương đảm bảo;

b) Trường hợp cơ quan chủ trì là cơ quan nhà nước ở địa phương do ngân sách địa phương đảm bảo theo quy định về phân cấp ngân sách.

3. Kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế phải được lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán đúng mục đích, đúng chế độ và theo các quy định tại Thông tư này.

Điều 3. Nội dung chi

1. Chi phí trong giai đoạn nhà đầu tư nước ngoài khiếu nại và yêu cầu tham vấn hoặc gửi thông báo ý định khởi kiện:

a) Chi phục vụ hoạt động nghiên cứu pháp luật, điều ước quốc tế hoặc cam kết quốc tế, hồ sơ và các tài liệu khác liên quan đến vụ việc nhà đầu tư nước ngoài khiếu nại hoặc yêu cầu tham vấn;

b) Chi tham vấn chuyên gia trong nước và quốc tế;

c) Chi phục vụ hoạt động tham vấn, thương lượng với nhà đầu tư nước ngoài.

2. Chi phí trong giai đoạn nhà đầu tư nước ngoài nộp đơn khởi kiện ra trọng tài quốc tế hoặc cơ quan tài phán nước ngoài có thẩm quyền:

a) Xây dựng chiến lược, phương án tham gia giải quyết tranh chấp;

b) Chi công tác chuẩn bị tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc;

c) Xây dựng bản trả lời thông báo trọng tài theo quy định của Quy tắc trọng tài trong trường hợp không hoặc chưa thuê luật sư tư vấn cho Chính phủ;

d) Chi phí phục vụ cho hoạt động lựa chọn luật sư, trọng tài viên phía Việt Nam (nếu có);

đ) Chi phí phục vụ cho hoạt động hòa giải ngoài trọng tài quốc tế (nếu có).

3. Chi phí trong giai đoạn tranh chấp đầu tư quốc tế được giải quyết tại trọng tài quốc tế hoặc cơ quan tài phán nước ngoài có thẩm quyền:

a) Chi thuê luật sư đại diện cho Chính phủ, cơ quan Nhà nước và chi phí thuê chuyên gia trong nước và quốc tế;

b) Chi phí cho nhân chứng tham gia vụ kiện;

c) Xây dựng bản Tự bảo vệ của Chính phủ trong trường hợp không thuê hoặc chưa thuê luật sư tư vấn cho Chính phủ và các bản đệ trình khác theo yêu cầu của Hội đồng trọng tài;

d) Xây dựng bản kháng biện cho Chính phủ trong trường hợp không hoặc chưa thuê luật sư tư vấn cho Chính phủ;

đ) Chi tham gia các phiên xét xử tại trọng tài quốc tế hoặc cơ quan tài phán nước ngoài có thẩm quyền;

e) Chi phiên dịch tại phiên xét xử;

g) Chi thuê địa điểm xét xử (nếu có);

h) Chi phí phục vụ hoạt động công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài quốc tế hoặc cơ quan tài phán nước ngoài có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp.

4. Chi phí cho hoạt động phối hợp liên ngành giải quyết vụ kiện.

5. Chi phí truy cập phần mềm, cơ sở dữ liệu về giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.

6. Chi dịch tài liệu, chi làm đêm, làm thêm giờ và chi phí trực tiếp khác cho công tác phòng ngừa, giải quyết tranh chấp quốc tế.

Điều 4. Mức chi

Đối với các nội dung chi đã có chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu thực hiện theo chế độ hiện hành, gồm: Kinh phí cho các cuộc họp, hội nghị, công tác phí trong nước, chi phí đi công tác nước ngoài, tham gia các hội nghị, diễn đàn quốc tế về giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế; chi làm đêm, thêm giờ; chi phí dịch tài liệu của vụ kiện tranh chấp đầu tư quốc tế. Ngoài ra, Thông tư này quy định một số mức chi, cụ thể như sau:

1. Chi phí cho hoạt động tố tụng trọng tài quốc tế hoặc cơ quan tài phán nước ngoài có thẩm quyền chi trả theo thông báo chi phí hoạt động tố tụng của trọng tài quốc tế hoặc cơ quan tài phán nước ngoài có thẩm quyền.

2. Chi phí thuê luật sư và chuyên gia được chi trả theo hợp đồng được ký giữa cơ quan chủ trì với các chủ thể này.

3. Chi phí mời nhân chứng:

a) Đối với nhân chứng ngoài nước: Chi trả chi phí đi lại, ăn ở theo hợp đồng được ký giữa cơ quan chủ trì với nhân chứng;

b) Đối với nhân chứng trong nước:

- Chi phí ăn, ở, đi lại:

Đối với ngày làm việc tại Việt Nam liên quan đến vụ kiện: Tùy theo tình hình thực tế, thủ trưởng cơ quan chủ trì quyết định mức chi hỗ trợ chi phí ăn, ở, đi lại cho nhân chứng tối đa bằng mức phụ cấp lưu trú, chi phí đi lại và tiền phòng nghỉ theo quy định của cơ quan chủ trì cụ thể hóa quy định của Bộ Tài chính về chế độ công tác phí hiện hành.

Trường hợp nhân chứng tham gia các phiên xét xử tại nước ngoài theo yêu cầu của trọng tài quốc tế hoặc cơ quan tài phán nước ngoài có thẩm quyền, nguyên đơn hoặc cơ quan chủ trì: Cơ quan chủ trì thanh toán chi phí ăn, ở, đi lại của nhân chứng bằng mức chi chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức Nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do ngân sách Nhà nước bảo đảm kinh phí hiện hành.

- Chi bù đắp tổn thất về ngày công lao động cho nhân chứng không hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong thời gian làm việc tại Việt Nam liên quan đến vụ kiện và thời gian tham gia các phiên xét xử tại nước ngoài theo yêu cầu của trọng tài quốc tế hoặc cơ quan tài phán nước ngoài có thẩm quyền, nguyên đơn hoặc cơ quan chủ trì, do thủ trưởng cơ quan chủ trì xem xét, quyết định trên cơ sở mức thu nhập bình quân tính trên ngày công phổ thông trên địa bàn và mức thu nhập bình quân của ngành nghề nhân chứng đang làm việc.

4. Chi thuê địa điểm xét xử (nếu có): Tùy theo địa điểm xét xử của từng phiên xét xử theo yêu cầu cụ thể của trọng tài quốc tế hoặc cơ quan tài phán nước ngoài có thẩm quyền, Thủ trưởng cơ quan chủ trì quyết định và chịu trách nhiệm việc thuê địa điểm xét xử trên cơ sở hợp đồng được ký giữa cơ quan chủ trì với tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ.

5. Chi phiên dịch tại phiên xét xử do thủ trưởng cơ quan chủ trì quyết định mức chi thuê phiên dịch cho phù hợp và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Trường hợp cơ quan chủ trì sử dụng cán bộ của cơ quan tham gia phiên dịch tại phiên xét xử (không thuê ngoài) thì được thanh toán tối đa không quá mức chi phiên dịch thuê ngoài quy định tại Thông tư của Bộ Tài chính quy định chế độ chi tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam hiện hành.

6. Chi xây dựng phương án đàm phán, hòa giải với nhà đầu tư được cấp có thẩm quyền giao; xây dựng bản trả lời thông báo trọng tài theo quy định của Quy tắc trọng tài; xây dựng bản tự bảo vệ của Chính phủ; xây dựng bản kháng biện cho Chính phủ và xây dựng phương án khi tham dự các phiên xét xử tại Hội đồng trọng tài quốc tế hoặc cơ quan tài phán nước ngoài có thẩm quyền trong trường hợp không hoặc chưa thuê luật sư tư vấn cho Chính phủ: Tùy theo tính chất phức tạp của từng loại báo cáo, thủ trưởng cơ quan chủ trì quyết định mức chi hỗ trợ cụ thể, nhưng tối đa không quá 12.000.000 đồng/báo cáo được cấp có thẩm quyền thông qua.

7. Chi phí truy cập phần mềm, cơ sở dữ liệu về giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế theo mức thu do nhà cung cấp quy định.

Điều 5. Lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cho công tác phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế

Việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cho công tác phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn. Thông tư này hướng dẫn một số nội dung cụ thể về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí như sau:

1. Chi phí phát sinh từ việc thực hiện nhiệm vụ đại diện pháp lý cho Chính phủ được cấp trong kinh phí hoạt động hàng năm của Bộ Tư pháp.

2. Đối với chi phí phát sinh từ việc thực hiện các hoạt động khác trong công tác phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, thực hiện như sau:

a) Hàng năm vào thời điểm lập dự toán ngân sách năm sau, căn cứ tình hình thực hiện giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế đang triển khai và các vụ tranh chấp có thể xảy ra trong năm kế hoạch, cơ quan chủ trì lập dự toán ngân sách nhà nước chi cho công tác phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế gửi cơ quan tài chính để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền quyết định bố trí nguồn kinh phí theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

b) Đối với công tác phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế: Khi nhận được thư khiếu nại và yêu cầu tham vấn hoặc thông báo ý định khởi kiện của nhà đầu tư nước ngoài, cơ quan chủ trì theo quy định tại khoản 4 Điều 2 và Điều 5 Quy chế phối hợp trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế ban hành kèm theo Quyết định số 04/2014/QĐ-TTg ngày 14/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ xây dựng dự toán thực hiện gửi cơ quan tài chính cùng cấp trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí.

c) Đối với công tác giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế: Khi nhận được thông báo trọng tài hoặc thông báo tương tự của nhà đầu tư nước ngoài về việc khởi kiện vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế tại trọng tài quốc tế hoặc cơ quan tài phán nước ngoài có thẩm quyền, cơ quan chủ trì xây dựng dự toán thực hiện theo kế hoạch giải quyết vụ việc được cấp có thẩm quyền phê duyệt, gửi cơ quan tài chính cùng cấp trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí.

3. Sau khi kết thúc vụ kiện, trường hợp bên nguyên đơn hoàn trả chi phí vụ kiện theo phán quyết của trọng tài quốc tế hoặc cơ quan tài phán nước ngoài có thẩm quyền thì thực hiện nộp ngân sách nhà nước.

4. Chi phí cho công tác phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế từ ngân sách nhà nước được tổng hợp vào quyết toán hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Điều 6. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 11 năm 2018.

2. Mức chi quy định tại khoản 6 Điều 4 Thông tư thực hiện đến hết năm 2020. Từ năm 2021 trở đi thực hiện theo quy định chung về chế độ tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

3. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Trung ương Đảng và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang bộ; cơ quan thuộc Chính phủ;
- Cơ quan Trung ương của các Đoàn thể;
- Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở Tài chính, KBNN các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp;
- Công báo;
- Cổng TTĐT: Chính phủ, Bộ Tài chính;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, Vụ HCSN (300 bản).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Văn Hiếu

 

Lịch sử hiệu lực

Ngày:
13/09/2018
01/11/2018
Trạng thái:
Văn bản được ban hành
Văn bản có hiệu lực
Văn bản nguồn:
85/2018/TT-BTC
85/2018/TT-BTC

Luợc đồ

Mở tất cả Đóng tất cả

Văn bản liên quan theo người ký