|
|
Số: 63/2013/TT-BCA |
Hà Nội, ngày 21 tháng 11 năm 2013 |
THÔNG TƯ
Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy; Nghị định số 46/2012/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2003/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Nghị định số 130/2006/NĐ-CP quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc (sau đây gọi chung là Nghị định số 35/2003/NĐ-CP);
Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2009 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội;
Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định về điều lệnh kiểm tra của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về nội dung, nguyên tắc, kế hoạch kiểm tra phòng cháy và chữa cháy; bố trí cán bộ kiểm tra phòng cháy và chữa cháy quản lý địa bàn, cơ sở; chế độ thông tin, báo cáo; tiêu chuẩn, chức trách, nhiệm vụ và quyền hạn của cán bộ kiểm tra phòng cháy và chữa cháy.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với:
1. Sĩ quan, hạ sĩ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy (sau đây viết gọn là cán bộ) làm nhiệm vụ kiểm tra về phòng cháy và chữa cháy.
2. Công an các đơn vị, địa phương.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có liên quan đến hoạt động kiểm tra của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy.
Điều 3. Nguyên tắc kiểm tra về phòng cháy và chữa cháy
1. Tuân thủ quy định tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Bảo đảm sự thống nhất trong tổ chức, chỉ đạo, điều hành hoạt động kiểm tra về phòng cháy và chữa cháy trên cơ sở phân công, phân cấp trách nhiệm, quyền hạn cụ thể.
3. Bảo đảm tính khách quan, kịp thời, an toàn, chính xác.
4. Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác kiểm tra phòng cháy và chữa cháy.
5. Thực hiện đúng Điều lệnh Công an nhân dân và quy định về thực hiện dân chủ trong công tác của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy.
Điều 4. Nội dung kiểm tra về phòng cháy và chữa cháy
1. Kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm phòng cháy và chữa cháy của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình, cá nhân theo quy định tại các điều 3, 4, 5 Nghị định số 35/2003/NĐ-CP.
2. Kiểm tra điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở, khu dân cư, hộ gia đình và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy quy định tại các điều 9, 10, 11, 12 Nghị định số 35/2003/NĐ-CP.
3. Kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm phòng cháy và chữa cháy của chủ rừng và điều kiện an toàn về phòng cháy đối với khu rừng quy định tại Khoản 2 Điều 4 và Điều 11 Nghị định số 09/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2006 quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng.
4. Kểm tra việc chấp hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 5. Tiêu chuẩn cán bộ làm công tác kiểm tra phòng cháy và chữa cháy
1. Tốt nghiệp trung cấp phòng cháy và chữa cháy trở lên hoặc tốt nghiệp đại học trong và ngoài ngành Công an, có kiến thức về phòng cháy và chữa cháy.
2. Thời gian công tác trong lực lượng Công an nhân dân tối thiểu là một năm; được tập huấn nghiệp vụ về công tác kiểm tra phòng cháy và chữa cháy.
Điều 6. Bố trí cán bộ kiểm tra phòng cháy và chữa cháy quản lý địa bàn, cơ sở
Việc bố trí cán bộ kiểm tra phòng cháy và chữa cháy quản lý địa bàn, cơ sở phải căn cứ vào đặc điểm địa lý, tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa bàn, cơ sở, cụ thể:
1. Trường hợp quản lý theo địa bàn, 01 cán bộ kiểm tra phòng cháy và chữa cháy quản lý không vượt quá 02 huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
2. Trường hợp quản lý theo cơ sở, 01 cán bộ kiểm tra phòng cháy và chữa cháy quản lý không vượt quá 70 cơ sở (trong đó, số cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ không vượt quá 25% trong tổng số 70 cơ sở).
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Mục 1
TRÌNH TỰ KIỂM TRA VỀ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY
Điều 7. Lập kế hoạch kiểm tra
1. Phòng Thanh tra, kiểm tra phòng cháy, chữa cháy thuộc Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết gọn là Công an cấp tỉnh); Phòng hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy thuộc Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ, lập kế hoạch kiểm tra phòng cháy và chữa cháy theo chuyên đề, chuyên ngành và kế hoạch kiểm tra có sự phối hợp tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị có liên quan trình Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Giám đốc Công an cấp tỉnh, Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy phê duyệt.
2. Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh; Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy; Trưởng Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh căn cứ vào kế hoạch quy định tại khoản 1 Điều này, lập kế hoạch kiểm tra phòng cháy và chữa cháy định kỳ, đột xuất của đơn vị mình và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc triển khai thực hiện kế hoạch.
3. Nội dung kế hoạch kiểm tra, gồm:
a) Lý do, căn cứ tiến hành kiểm tra;
b) Đối tượng kiểm tra;
c) Mục đích, yêu cầu kiểm tra;
d) Nội dung kiểm tra;
đ) Thành phần đoàn kiểm tra;
e) Thời gian tiến hành kiểm tra;
g) Các nội dung khác có liên quan tới công tác kiểm tra.
Điều 8. Triển khai kế hoạch kiểm tra
1. Lãnh đạo phòng, chỉ huy đội: Phổ biến, quán triệt cho cán bộ kiểm tra về nội dung kế hoạch kiểm tra đã được phê duyệt và những nội dung khác có liên quan trước khi thực hiện kế hoạch kiểm tra.
2. Cán bộ kiểm tra được giao nhiệm vụ phải nắm vững mục đích, yêu cầu, nội dung kế hoạch kiểm tra đã được phê duyệt; chủ động thực hiện công tác chuẩn bị theo sự phân công của lãnh đạo quản lý trực tiếp. Khi thực hiện công tác kiểm tra, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan tới các lĩnh vực khác, phải kịp thời báo cáo cấp trên trực tiếp để xin ý kiến chỉ đạo. Không được tự ý giải quyết công việc không thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.
3. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện hành vi vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy thì ngoài việc lập biên bản kiểm tra còn phải lập biên bản vi phạm hành chính để xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
4. Kết thúc kiểm tra, phải lập biên bản kiểm tra ghi rõ ngày, tháng, năm, địa điểm lập biên bản; họ tên, chức vụ người lập biên bản, tên cơ quan, tổ chức, cơ sở được kiểm tra. Trường hợp có sự vi phạm, thiếu sót, tồn tại trong việc bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy thì phải ghi rõ những thiếu sót, tồn tại hoặc vi phạm gì, ở hạng mục, bộ phận nào; đối tượng và thời hạn phải sữa chữa, khắc phục.
Biên bản kiểm tra được lập thành 02 bản, phải được người lập biên bản và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở được kiểm tra ký, xác nhận. Trường hợp đối tượng được kiểm tra từ chối ký thì người lập biên bản phải ghi rõ lý do vào biên bản. Trường hợp kiểm tra theo đoàn thì phải ghi đầy đủ họ tên, chức vụ của tất cả các thành viên trong đoàn kiểm tra.
Điều 9. Chế độ thông tin, báo cáo
1. Kết thúc kiểm tra, cán bộ kiểm tra phải báo cáo kết quả và trình biên bản kiểm tra cho lãnh đạo quản lý trực tiếp. Trường hợp lãnh đạo trực tiếp tham gia kiểm tra thì phải giao nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ kiểm tra quản lý cơ sở, địa bàn được kiểm tra để theo dõi, đôn đốc đối tượng được kiểm tra thực hiện các yêu cầu, điều kiện về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy.
2. Trường hợp kiểm tra theo chuyên đề, cán bộ kiểm tra phải tổng hợp tình hình, báo cáo kết quả, đề xuất bằng văn bản về các biện pháp công tác phòng cháy và chữa cháy cho lãnh đạo quản lý trực tiếp.
Mục 2
CHỨC TRÁCH, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN
TRONG CÔNG TÁC KIỂM TRA VỀ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY
Điều 10. Chức trách, nhiệm vụ của lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp cán bộ kiểm tra phòng cháy và chữa cháy
1. Tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc cán bộ thuộc quyền quản lý thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và chương trình công tác, kế hoạch kiểm tra phòng cháy và chữa cháy đã được phê duyệt.
2. Gương mẫu trong công tác, học tập, sinh hoạt; duy trì thực hiện nghiêm túc chế độ làm việc của lãnh đạo, chỉ huy và đơn vị.
3. Thực hiện nghiêm túc chế độ quản lý cán bộ, chế độ thông tin báo cáo, kiểm tra công tác đối với cán bộ cấp dưới.
Điều 11. Nhiệm vụ của cán bộ kiểm tra phòng cháy và chữa cháy
1. Tham mưu cho lãnh đạo phòng, chỉ huy đội tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra phòng cháy và chữa cháy theo các nội dung sau:
a) Kiểm tra về điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở; nội dung kiểm tra gồm:
- Việc ban hành, thực hiện nội quy, quy định, quy trình về phòng cháy và chữa cháy ở cơ sở.
- Việc chấp hành các quy định của pháp luật về thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy; kiểm tra việc duy trì các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với các cơ sở thuộc diện phải có văn bản thông báo cam kết đáp ứng đầy đủ các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy trước khi đưa vào hoạt động.
- Về tổ chức lực lượng phòng cháy và chữa cháy của cơ sở, chế độ hoạt động, khả năng chữa cháy tại chỗ; công tác huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy cho lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở.
- Phương án chữa cháy, phương án thoát nạn, cứu người, cứu tài sản và thực hiện chế độ thực tập các phương án của cơ sở.
- Các điều kiện kỹ thuật bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy của cơ sở:
+ Các giải pháp, điều kiện ngăn cháy, chống cháy lan;
+ Các điều kiện bảo đảm thoát nạn, cứu người, cứu tài sản khi có cháy;
+ Tình trạng hoạt động của công nghệ, thiết bị có liên quan đến cháy, nổ;
+ Điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với hệ thống điện, hệ thống chống sét;
+ Công tác sắp xếp, bảo quản vật tư, hàng hóa và các chất có nguy hiểm cháy, nổ;
+ Điều kiện vệ sinh công nghiệp có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy (khả năng hình thành môi trường nguy hiểm cháy, nổ của các chất lỏng, khí, bụi v.v...);
+ Số lượng, chủng loại và chất lượng hoạt động của các phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy được trang bị, lắp đặt tại cơ sở;
+ Điều kiện giao thông phục vụ chữa cháy; về dự trữ nguồn nước chữa cháy và các chất chữa cháy khác theo quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn;
+ Hệ thống thông tin liên lạc phục vụ phòng cháy và chữa cháy tại cơ sở.
b) Kiểm tra về điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với khu dân cư; nội dung kiểm tra gồm:
- Việc ban hành, thực hiện nội quy, quy định, quy trình, giải pháp về phòng cháy và chữa cháy ở khu dân cư.
- Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về phòng cháy và chữa cháy; huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy; xây dựng phong trào quần chúng tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy; quản lý và duy trì hoạt động của đội dân phòng.
- Việc trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy; chuẩn bị các điều kiện phục vụ chữa cháy; xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy; tổ chức chữa cháy và giải quyết khắc phục hậu quả cháy.
c) Kiểm tra về điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với hộ gia đình; nội dung kiểm tra gồm:
- Việc bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với hệ thống điện, thiết bị sử dụng điện, nơi có sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt.
- Về trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy phù hợp với đặc điểm hoạt động của hộ gia đình.
- Quan hệ phối hợp giữa hộ gia đình với cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy.
d) Kiểm tra về điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với chủ rừng; nội dung kiểm tra gồm:
- Các biện pháp, điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy rừng.
- Phương án phòng cháy và chữa cháy rừng của chủ rừng.
- Việc tổ chức lực lượng, phương tiện phòng cháy và chữa cháy rừng.
đ) Kiểm tra về điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy, nội dung kiểm tra gồm:
- Nội quy, quy định, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn.
- Quy trình vận hành phương tiện, hệ thống điện, hệ thống nhiên liệu, việc bố trí, sắp xếp người, vật tư, hàng hóa trên phương tiện.
- Kiến thức về phòng cháy và chữa cháy, giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy đối với người điều khiển, người làm việc, người phục vụ trên phương tiện giao thông cơ giới có từ 30 chỗ ngồi trở lên và phương tiện giao thông cơ giới chuyên dùng để vận chuyển các chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ.
- Trang bị phương tiện chữa cháy trên phương tiện giao thông cơ giới.
- Về phương án chữa cháy đối với phương tiện.
2. Nắm tình hình có liên quan đến công tác phòng cháy và chữa cháy tại địa bàn, cơ sở quản lý, cụ thể:
a) Về tổ chức biên chế, chế độ hoạt động, nhiệm vụ và quan hệ phối hợp của các lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành và lực lượng dân phòng trong công tác phòng cháy và chữa cháy.
b) Thực trạng về cơ sở vật chất, công nghệ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác phòng cháy và chữa cháy.
c) Phân loại, lập danh mục cơ sở, rừng, khu dân cư, phương tiện giao thông cơ giới thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy.
d) Các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
3. Theo dõi, kiểm tra cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới, hộ gia đình, cá nhân bị tạm đình chỉ hoạt động, khi thấy không còn nguy cơ trực tiếp gây cháy, nổ thì làm văn bản báo cáo cấp trên xem xét, ra quyết định cho phục hồi hoạt động.
4. Tham gia phối hợp thực hiện một số hoạt động trong công tác phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn quản lý, gồm:
a) Tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, kiến thức về phòng cháy và chữa cháy; xây dựng phong trào toàn dân tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy.
b) Thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đối với dự án, công trình thuộc danh mục phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy.
c) Trả lời về giải pháp phòng cháy và chữa cháy đối với các dự án, công trình xây dựng khi có yêu cầu của chủ đầu tư.
d) Kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong quá trình thi công xây dựng đối với các dự án, công trình trên địa bàn quản lý.
đ) Kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy theo quy định.
5. Tham gia giải quyết các vụ cháy, nổ trên địa bàn theo quy định, cụ thể:
a) Khi nhận được thông tin xảy ra cháy, nổ tại cơ sở, địa bàn phụ trách phải kịp thời có mặt để tham gia chữa cháy, nắm tình hình, diễn biến vụ cháy phục vụ công tác điều tra nguyên nhân cháy, nổ. Đối với các vụ cháy, nổ xảy ra ở xa đơn vị và biết tin chậm, cán bộ kiểm tra phòng cháy và chữa cháy vẫn phải nhanh chóng xuống hiện trường, nắm tình hình để báo cáo lãnh đạo cấp trên trực tiếp xem xét, hướng dẫn, chỉ đạo cách xử lý.
b) Theo dõi và lập hồ sơ các vụ cháy, nổ xảy ra tại cơ sở, địa bàn do mình phụ trách.
c) Phối hợp tham gia khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân các vụ cháy, nổ theo quy định.
6. Thực hiện công tác lập, quản lý hồ sơ và chế độ báo cáo
a) Thực hiện công tác điều tra cơ bản phục vụ cho việc lập, phân loại và quản lý hồ sơ liên quan đến công tác phòng cháy và chữa cháy tại cơ sở, địa bàn được giao quản lý.
b) Cập nhật, lưu giữ các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy; các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan, lãnh đạo cấp trên về lĩnh vực công tác nghiệp vụ được giao; xây dựng chương trình công tác, kế hoạch và đề xuất biện pháp thực hiện các công việc trọng tâm.
c) Tổng hợp tình hình, số liệu và xây dựng báo cáo sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện các chuyên đề, chuyên ngành; tham mưu, đề xuất các biện pháp, giải pháp về phòng cháy và chữa cháy phù hợp cho từng đối tượng quản lý.
7. Thực hiện việc cấp giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm cháy, nổ và giải quyết các thủ tục hành chính khác theo quy định.
Điều 12. Quyền hạn của cán bộ kiểm tra phòng cháy và chữa cháy
1. Xử phạt hoặc chuyển cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy.
2. Quyết định tạm đình chỉ hoặc đề xuất với cấp có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới, hộ gia đình, cá nhân khi các hoạt động này có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ theo quy định của pháp luật.
3. Được yêu cầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra phòng cháy và chữa cháy.
4. Thực hiện việc huy động người, phương tiện, tài sản tham gia chữa cháy và phục vụ chữa cháy theo lệnh của người chỉ huy chữa cháy.
5. Các quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11 tháng 01 năm 2014 và thay thế Quyết định số 107 C11/C23-P4 ngày 01 tháng 7 năm 1986 của Tổng cục Cảnh sát nhân dân ban hành kèm theo Điều lệ công tác của cán bộ kiểm tra kỹ thuật an toàn phòng cháy và chữa cháy.
Điều 14. Trách nhiệm thi hành
1. Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Thông tư này.
2. Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có trách nhiệm giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội thực hiện:
a) Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai, thực hiện Thông tư này.
b) Tổ chức huấn luyện nghiệp vụ về công tác kiểm tra phòng cháy và chữa cháy.
c) Định kỳ 05 năm một lần, tổ chức kiểm tra, đánh giá nghiệp vụ về công tác kiểm tra phòng cháy và chữa cháy đối với cán bộ kiểm tra phòng cháy và chữa cháy thuộc Công an các đơn vị, địa phương trên toàn quốc.
3. Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo, tổ chức thực hiện kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo thẩm quyền.
b) Xây dựng kế hoạch phối hợp với các đơn vị có liên quan trong công tác kiểm tra phòng cháy và chữa cháy.
c) Định kỳ hàng năm tổ chức tập huấn, kiểm tra nghiệp vụ đối với cán bộ kiểm tra phòng cháy và chữa cháy thuộc địa phương mình quản lý theo nội dung tài liệu tập huấn do Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ biên soạn.
4. Tổng cục trưởng, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có vướng mắc nảy sinh, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ Công an (qua Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội) để có hướng dẫn kịp thời./.
|
BỘ TRƯỞNG Đại tướng Trần Đại Quang |