Thế nào là hợp đồng lao động? Nêu các hình thức của Hợp đồng lao động?

26/06/2018 11:58 Tài liệu
Định nghĩa hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Có 2 loại hình thức hợp đồng lao động và 3 loại hợp đồng. Chi tiết tại Mục 1, Chương III, Luật lao động 2012, số 10/2012/QH13.
Hợp đồng lao động: là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
 
Hình thức hợp đồng lao động:
- Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản.
- Hợp đồng lao động được giao kết bằng lời nói (Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng) 
 
Các loại hợp đồng lao động:
Hợp đồng lao động được giao kết theo một trong các loại sau đây:
- Hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
- Hợp đồng lao động xác định thời hạn;
- Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

Hình ảnh minh họa: Kí kết hợp đồng lao động (Nguồn: Internet)

Nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động: 
- Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực.
-  Tự do giao kết hợp đồng lao động nhưng không được trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội.
 
Nghĩa vụ giao kết hợp đồng lao động: 
1. Trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động.
Trong trường hợp người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì việc giao kết hợp đồng lao động phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người lao động.
2. Đối với công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm người lao động có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản; trường hợp này hợp đồng lao động có hiệu lực như giao kết với từng người.
Hợp đồng lao động do người được ủy quyền giao kết phải kèm theo danh sách ghi rõ họ tên, tuổi, giới tính, địa chỉ thường trú, nghề nghiệp và chữ ký của từng người lao động.
Từ khóa:
đề cương luật luật lao động