Một số nơi ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vẫn còn trường hợp thách cưới cao mang tính chất gả bán (như đòi bạc trắng, tiền mặt, của hồi môn, trâu, bò, chiêng ché…để dẫn cưới ).
Tập quán về hôn nhân và gia đình là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng về quyền, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hôn nhân và gia đình, được lặp đi, lặp lại trong một thời gian dài và được thừa nhận rộng rãi trong một vùng, miền hoặc cộng đồng.
Theo Khoản 1 Điều 7 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 Luật số 52/2014/QH13 thì áp dụng tập quán về hôn nhân và gia đình được quy định như sau:
Điều 7. Áp dụng tập quán về hôn nhân và gia đình1. Trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc, không trái với nguyên tắc quy định tại Điều 2 và không vi phạm điều cấm của Luật này được áp dụng.
Hình ảnh minh họa: Tục lệ ở một số vùng cao (Nguồn: Internet)
Trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc, không trái với nguyên tắc quy định tại Điều 2 và không vi phạm điều cấm của Luật số 52/2014/QH13 ban hành ngày 19/06/2014 được áp dụng.
Trích dẫn Điều 2 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014:
Điều 2. Những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình1. Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng.2. Hôn nhân giữa công dân Việt Nam thuộc các dân tộc, tôn giáo, giữa người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người có tín ngưỡng với người không có tín ngưỡng, giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.3. Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; không phân biệt đối xử giữa các con.4. Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật thực hiện các quyền về hôn nhân và gia đình; giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ; thực hiện kế hoạch hóa gia đình.5. Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về hôn nhân và gia đình.
Thực tế hiện nay, các phong tục, tập quán tốt đẹp về hôn nhân và gia đình của các dân tộc như: nam nữ tự do tìm hiểu, tự do lựa chọn người bạn đời; hoặc sau khi kết hôn, tùy theo sự sắp xếp, thỏa thuận giữa hai gia đình, vợ, chồng có thể cư trú ở nhà vợ hoặc ở nhà chồng (tục đổi sữa mẹ); cha mẹ có trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục con nên người, có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do con gây ra… vẫn được thực hiện và phù hợp với pháp luật của nhà nước ta không bị nghiêm cấm mà khuyến khích phát huy, áp dụng.
Căn cứ vào quy định nêu trên thì việc thách cưới là phong tục, tập quán lạc hậu, trái với quy định của Luật hôn nhân và gia đình, bị nghiêm cấm, theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 32/2002/NĐ-CP ngày 27/3/2002 của Chính phủ quy định việc áp dụng Luật hôn nhân nhân và gia đình đối với các dân tộc thiểu số. Quy định này nhằm vận động, xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu, làm ảnh hưởng đến hôn nhân gia đình tiến bộ, bình đẳng và hạnh phúc.
Trích dẫn Điều 9, Chương 2 Quy định kết hôn, Nghị định 32/2002/NĐ-CP:
Điều 9. Áp dụng phong tục, tập quán về nghi thức cưới hỏi1. Các nghi thức cưới hỏi tiết kiệm, lành mạnh thể hiện bản sắc của dân tộc mình mà không trái với những quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 thì được tôn trọng, phát huy.2. Nghiêm cấm việc thách cưới cao mang tính chất gả bán (như đòi bạc trắng, tiền mặt, của hồi môn, trâu, bò, chiêng ché ... để dẫn cưới) và các hành vi cản trở việc kết hôn hoặc xâm phạm đến nhân phẩm của người phụ nữ.
Như vậy, việc thách cưới cao ở một số vùng miền tbị nghiêm cấm để xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu, làm ảnh hưởng đến hôn nhân gia đình tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc.