Tài phán hành chính và thẩm quyền xét xử hành chính của Toà án nhân dân

18/06/2018 13:25 Tài liệu
Hoạt động xét xử các vụ án hành chính theo quy định của Luật tố tụng hành chính và chủ yếu do Tòa hành chính, các thẩm phán hành chính trong hệ thống Tòa án nhân dân thực hiện gọi là tài phán hành chính. Tòa án có thẩm quyền giải quyết 7 loại việc.
1. Tài phán hành chính:
Tài phán hành chính Việt nam là hoạt động xét xử các vụ án hành chính theo quy định của Luật tố tụng hành chính và chủ yếu do Toà hành chính, các thẩm phán hành chính trong hệ thống Toà án nhân dân thực hiện nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan nhà nước và tổ chức, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước.
 
2. Thẩm quyền xét xử hành chính của Toà án nhân dân:
Theo Điều 11, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính thì Toà án có thẩm quyền giải quyết các vụ án hành chính các loại việc sau:
- 1, Khiếu kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp tháo dỡ công trình xây dựng trái phép đối với nhà ở, công trình, vật kiến trúc kiên cố.
- 2,  Khiếu kiện quyết định áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính đối với hình thức giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục; đưa vào cơ sở chữa bệnh; quản chế hành chính.
- 3, Khiếu kiện quyết định về buộc thôi việc, trừ các quyết định về buộc thôi việc trong quân đội nhân dân và các quyết định về sa thải theo quy định của Bộ luật lao động.
- 4,  Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc cấp phép, thu hồi giấy phép  trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, hoạt động sản xuất kinh doang, quản lý đất đai.
- 5,  Khiếu kiện quyết định trưng dụng, trưng mua tài sản, quyết định tịch thu tài sản.
- 6,  Khiếu kiện quyết định về việc thu thuế, truy thu thuế.
- 7, Khiếu kiện quyết định về thu phí, lệ phí.
- 8,  Khiếu kiện các quyết định hành chính, hành vi hành chính khác nhau theo quy định của pháp luật.
 
Trước mắt UBTVQH đã giao 7 loại việc cụ thể mà khi có khởi kiện theo quy định của pháp luật, toà án có thẩm quyền có trách nhiệm thụ lý giải quyết. Riêng các khiếu kiện tại khoản 8 nếu sau này do yêu cầu nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì Quốc hội hoặc UBTVQH qui định, Toà án nhân dân tối cao sẽ có thông báo kịp thời đến các toà án nhân dân.
a. Thẩm quyền xét xử hành chính của Toà án nhân dân cấp huyện:
Toà án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các vụ án hành chính các loại việc được quy định tại Pháp lệnh giải quyết các vụ án hành chính. Đó là khiếu kiện các quyết định hành chính của các cơ quan hành chính từ cấp huyện trở xuống trên cùng lãnh thổ và quyết định hành chính của cán bộ, viên chức của các cơ quan nhà nước đó.
b. Thẩm quyền xét xử hành chính của Toà án nhân dân cấp tỉnh:
Toà án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết các vụ án hành chính được quy định tại Điều 11, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính theo thủ tục sơ thẩm các khiếu kiện hành chính sau:
- Quyết định hành chính của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, văn phòng Chủ tịch nước, văn phòng Quốc hội, Toà án nhân dân tối cao và quyết định hành chính, hành vi hành chính của thủ trưởng các cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng lãnh thổ.
- Quyết định hành chính của cơ quan nhà nước cấp tỉnh trên cùng lãnh thổ và quyết định hành chính, hành vi hành chính của cán bộ, viên chức của cơ quan nhà nước đó.
- Quyết định hành chính của các đơn vị chức năng của cơ quan nhà nước trung ương đóng tại địa phương và quyết định hành chính, hành vi hành chính của cán bộ, viên chức trong các đơn vị chức năng đó mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng lãnh thổ.
Ngoài ra trong trường hợp cần thiết, Toà án nhân dân cấp tỉnh có thể lấy lên để giải quyết các vụ án hành chính thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp huyện.
c. Thẩm quyền xét xử hành chính của Toà án nhân dân tối cao:
Toà án nhân dân tối cao giải quyết theo thủ tục sơ thẩm đồng thời chung thẩm những khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền của toà án nhân dân cấp tỉnh mà Toà án nhân dân tối cao lấy lên để giải quyết đối với quyết định hành chính của cơ quan nhà nước cấp trung ương và quyết định hành chính, hành vi hành chính của thủ trưởng các cơ quan đó liên quan đến nhiều tỉnh, phức tạp hoặc trong trường hợp khó xác định được thuộc thẩm quyền của toà án cấp tỉnh nào; khiếu kiện quyết định hành chính của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND cấp tỉnh liên quan đến nhiều đối tượng, phức tạp hoặc trong trường hợp các thẩm phán của toà án cấp tỉnh đều thuộc trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi.

 

Từ khóa:
đề cương luật luật hành chính