Ra nước ngoài lao động chui theo đường du lịch có thể bị quy vào tội vượt biên trái phép và sẽ bị xử phạt rất nặng.
Pháp luật Việt Nam hiện hành có những quy định về việc xử phạt người vượt biên trái phép. Điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 quy địn: Phạt tiền 3-5 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định;
b) Trốn hoặc tổ chức, giúp đỡ người khác trốn vào các phương tiện nhập cảnh, xuất cảnh nhằm mục đích vào Việt Nam hoặc ra nước ngoài;
c) Cho người khác sử dụng hộ chiếu, giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật;
d) Sử dụng hộ chiếu hoặc các giấy tờ khác có giá trị thay hộ chiếu của người khác để nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh;
đ) Người nước ngoài không khai báo tạm trú theo quy định hoặc sử dụng chứng nhận tạm trú, thẻ tạm trú, thẻ thường trú ở Việt Nam quá thời hạn từ 16 ngày trở lên mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép;
e) Người nước ngoài đã được cấp thẻ thường trú mà thay đổi địa chỉ nhưng không khai báo để thực hiện việc cấp đổi lại”.
Ra nước ngoài lao động chui sẽ bị phạt rất nặng (Ảnh minh họa)
Như vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, hành vi vượt biên trái phép sẽ bị phạt tiền 3-5 triệu đồng.
Cũng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 09 ngày 4/8/2006 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội - Bộ Công an - VKSND tối cao - TAND tối cao hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất khẩu lao động ở nước ngoài, công dân Việt Nam được đưa đi làm việc ở nước ngoài dưới hình thức xuất khẩu lao động mà trong thời hạn lao động hoặc hết thời hạn lao động theo hợp đồng đã tự ý trốn ở lại nước ngoài (ở lại nước tiếp nhận lao động theo hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài hoặc ở lại nước thứ ba) mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam bị coi là ở lại nước ngoài trái phép.
Người lao động có thể bỏ trốn ngay sau khi nhập cảnh vào nước tiếp nhận lao động để ở lại nước ngoài trái phép; tự ý bỏ nơi đang làm việc theo hợp đồng lao động để ở lại nước ngoài trái phép hoặc không về nước khi chấm dứt hợp đồng lao động theo thời hạn quy định của nước sở tại đều bị coi là trốn ở lại nước ngoài trái phép. Cũng theo Thông tư này, người lao động ở lại nước ngoài trái phép bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội ở lại nước ngoài trái phép theo quy định tại Điều 274 Bộ luật hình sự khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Người lao động đã bị xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp buộc về nước nhưng sau 30 ngày, kể từ ngày thông báo về việc không chấp hành quyết định xử phạt mà người bị xử phạt vẫn không chấp hành quyết định xử phạt.
- Người lao động đã chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp "buộc về nước", nhưng chưa hết thời hạn một năm kể từ ngày về nước lại được đưa đi làm việc hợp pháp ở nước ngoài dưới hình thức xuất khẩu lao động và đã thực hiện một trong các hành vi như bỏ trốn ngay sau khi nhập cảnh vào nước tiếp nhận lao động để ở lại nước ngoài trái phép; tự ý bỏ nơi đang làm việc theo hợp đồng lao động để ở lại nước ngoài trái phép và không về nước khi chấm dứt hợp đồng lao động theo thời hạn quy định của nước sở tại.
Trong trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội ở lại nước ngoài trái phép, người lao động ở lại nước ngoài trái phép có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Nếu một công dân nhập cảnh trái phép vào một quốc gia thì tùy theo quy định của từng nước mà công dân đó có thể bị cấm nhập cảnh trở lại trong một thời gian nhất định hoặc vĩnh viễn. Ví dụ như ở Australia, quy định của nước này cấm nhập cảnh vĩnh viễn đối với các công dân nước ngoài từng nhập cảnh trái phép vào đất nước họ.