BỘ Y TẾ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2268/QĐ-BYT |
Hà Nội, ngày 05 tháng 04 năm 2018 |
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CỤC Y TẾ DỰ PHÒNG THUỘC BỘ Y TẾ
---------------
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị trí, chức năng
1. Cục Y tế dự phòng là cục chuyên ngành thuộc Bộ Y tế, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Y tế quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về lĩnh vực y tế dự phòng trong phạm vi cả nước, bao gồm: phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm; kiểm dịch y tế biên giới; sử dụng vắc xin, tiêm chủng; xét nghiệm thuộc lĩnh vực y tế dự phòng, an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm; dinh dưỡng cộng đồng; chăm sóc sức khỏe ban đầu và nâng cao sức khỏe cho người dân tại cộng đồng; phát triển, nâng cao năng lực của hệ thống y tế dự phòng; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc lĩnh vực y tế dự phòng.
2. Cục Y tế dự phòng có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, có trụ sở làm việc tại thành phố Hà Nội.
Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn
1. Chủ trì xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án, hoạt động về lĩnh vực y tế dự phòng được phân công, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và chỉ đạo, tổ chức triển khai, hướng dẫn thực hiện sau khi được phê duyệt.
2. Chủ trì, phối hợp xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định, quy chế và hướng dẫn chuyên môn, các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và chế độ, chính sách về lĩnh vực y tế dự phòng được phân công, trình cấp có thẩm quyền ban hành và chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
3. Về phòng, chống các bệnh truyền nhiễm (bao gồm cả bệnh lây truyền từ động vật sang người, bệnh lây truyền qua thực phẩm; các bệnh truyền nhiễm mới nổi và các bệnh bị lãng quên):
a) Xây dựng, đề xuất ban hành hoặc điều chỉnh, bổ sung danh mục bệnh truyền nhiễm thuộc các nhóm bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật;
b) Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện việc giám sát, phát hiện sớm các bệnh truyền nhiễm và tác nhân gây bệnh truyền nhiễm;
c) Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các nội dung, biện pháp phòng bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật;
d) Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các biện pháp chống dịch; tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Y tế trong việc thực hiện công bố dịch, công bố hết dịch và áp dụng các biện pháp đáp ứng với tình trạng khẩn cấp về dịch theo quy định của pháp luật;
đ) Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung kiểm dịch y tế biên giới theo quy định của pháp luật;
e) Quản lý dữ liệu và làm đầu mối cung cấp thông tin về bệnh truyền nhiễm;
g) Hướng dẫn, đôn đốc, giám sát việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm; làm đầu mối tổng hợp, báo cáo định kỳ, đột xuất về tình hình bệnh truyền nhiễm trong cả nước theo quy định của pháp luật.
4. Về phòng, chống các bệnh không lây nhiễm và bệnh mạn tính khác:
a) Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các hoạt động phòng, chống các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm, rối loạn sức khỏe tâm thần và bệnh mạn tính khác; đầu mối triển khai các hoạt động phòng, chống tác hại của sử dụng rượu bia và đồ uống có cồn khác;
b) Chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý, dự phòng cho người có rối loạn chuyển hóa, người tiền bệnh, người có nguy cơ cao mắc bệnh không lây nhiễm, rối loạn sức khỏe tâm thần và bệnh mạn tính khác;
c) Chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các hoạt động dự phòng, phát hiện sớm, quản lý, điều trị, chăm sóc và các biện pháp phòng, chống bệnh không lây nhiễm, rối loạn sức khỏe tâm thần và các bệnh mạn tính khác tại cộng đồng;
d) Đầu mối giám sát, thống kê báo cáo, quản lý và cung cấp thông tin, số liệu về yếu tố nguy cơ, tình hình bệnh tật và kết quả hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm, rối loạn sức khỏe tâm thần và bệnh mạn tính khác.
5. Về sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế, tiêm chủng:
a) Xây dựng, đề xuất sửa đổi, bổ sung danh mục bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế theo quy định của pháp luật;
b) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc công bố cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng của các cơ sở tiêm chủng trên phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật;
c) Thực hiện chức năng giám sát an toàn tiêm chủng thuộc cơ quan quản lý vắc xin quốc gia (NRA);
d) Hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng vắc xin, tiêm chủng và giám sát an toàn tiêm chủng;
đ) Thường trực Hội đồng tư vấn sử dụng vắc xin sinh phẩm y tế của Bộ Y tế và Hội đồng tư vấn đánh giá phản ứng sau tiêm chủng của Bộ Y tế.
6. Về xét nghiệm thuộc lĩnh vực y tế dự phòng và an toàn sinh học trong xét nghiệm:
a) Đầu mối xây dựng các quy định, hướng dẫn về đảm bảo chất lượng hoạt động xét nghiệm trong lĩnh vực y tế dự phòng;
b) Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm và việc xử lý, khắc phục sự cố an toàn sinh học;
c) Quản lý việc công bố và cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học đối với các phòng xét nghiệm theo quy định của pháp luật;
d) Hướng dẫn, tổ chức thực hiện việc quản lý các mẫu bệnh phẩm có chứa hoặc có khả năng chứa tác nhân gây bệnh truyền nhiễm cho người, các chủng vi sinh vật gây bệnh cho người;
đ) Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện an ninh sinh học tại phòng xét nghiệm và tham gia phối hợp với các đơn vị liên quan trong phòng, chống khủng bố sinh học.
7. Về dinh dưỡng cộng đồng:
a) Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện việc đánh giá tình trạng dinh dưỡng cộng đồng; xây dựng và đưa ra khuyến nghị về nhu cầu dinh dưỡng, chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn phù hợp cho từng nhóm đối tượng và cơ cấu bữa ăn hợp lý của người Việt Nam;
b) Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện việc giám sát, phát hiện sớm các rối loạn dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng tại cộng đồng;
c) Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống rối loạn dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng; đáp ứng dinh dưỡng trong tình trạng khẩn cấp và kiểm soát thừa cân, béo phì tại cộng đồng;
d) Quản lý dữ liệu và đầu mối cung cấp thông tin liên quan đến dinh dưỡng, vi chất dinh dưỡng tại cộng đồng.
8. Về chăm sóc sức khỏe ban đầu, nâng cao sức khỏe cộng đồng và một số nội dung y tế công cộng:
a) Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện các hoạt động chuyên môn về chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân tại cộng đồng;
b) Đầu mối, phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện hoạt động quản lý và nâng cao sức khỏe tại cộng đồng;
c) Đầu mối, phối hợp quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện việc giám sát, đánh giá tình trạng sức khỏe và các yếu tố ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng; phân tích, dự báo các vấn đề sức khỏe cộng đồng;
d) Hướng dẫn tổ chức thực hiện các dịch vụ chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người dân tại cộng đồng;
đ) Chỉ đạo, hướng dẫn việc nghiên cứu, phát triển và tổ chức thực hiện các giải pháp y tế công cộng tiên tiến nhằm nâng cao sức khỏe cộng đồng;
e) Phối hợp với các cơ quan liên quan để giải quyết các vấn đề sức khỏe cộng đồng liên quan đến thảm họa và các sự kiện y tế công cộng khác;
g) Chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc điều tra, xác định các bệnh không rõ nguyên nhân;
h) Quản lý, chỉ đạo hoạt động an ninh y tế toàn cầu, tiếp cận Một sức khỏe.
9. Về phát triển hệ thống y tế dự phòng:
a) Hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện các quy định về phân loại, xếp hạng đơn vị thuộc hệ y tế dự phòng, phân hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế dự phòng;
b) Đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan để chỉ đạo hướng dẫn xây dựng, tổ chức mạng lưới y tế dự phòng các tuyến và triển khai các giải pháp nhằm quản lý chất lượng, nâng cao năng lực, phát triển hệ thống y tế dự phòng trong phạm vi toàn quốc;
c) Chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, pháp luật cho công chức, viên chức về lĩnh vực y tế dự phòng được phân công;
d) Chủ trì hướng dẫn, tổ chức thực hiện hoạt động kiểm tra, đánh giá và làm đầu mối trình công nhận đạt Chuẩn quốc gia về y tế dự phòng.
10. Đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế tại Việt Nam.
11. Quản lý chỉ đạo Hệ thống đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh và sự kiện y tế công cộng quốc gia (EOC).
12. Chủ trì, phối hợp xây dựng danh mục thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư chuyên dụng và dự toán kinh phí phòng, chống dịch, bệnh để trình cấp có thẩm quyền ban hành. Quản lý việc mua sắm, cấp phát thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư đáp ứng công tác phòng, chống dịch, bệnh.
13. Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông nâng cao sức khỏe; truyền thông về yếu tố nguy cơ thuộc lĩnh vực y tế dự phòng.
14. Chủ trì, phối hợp với các Vụ, Cục, Tổng cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ và các đơn vị liên quan trong việc chỉ đạo các hoạt động chuyên môn của các Viện và các đơn vị thuộc hệ thống y tế dự phòng về lĩnh vực được phân công.
15. Tổ chức thực hiện hoạt động thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực y tế dự phòng được giao theo quy định của pháp luật.
16. Thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y tế dự phòng.
17. Quản lý công chức, viên chức, tài sản, kinh phí được giao theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng Bộ Y tế.
18. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng Bộ Y tế phân công.
Điều 3. Tổ chức và cơ chế hoạt động
1. Lãnh đạo Cục: gồm Cục trưởng và không quá 03 Phó Cục trưởng.
Cục trưởng và các Phó Cục trưởng do Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo các quy định của pháp luật.
Cục trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Y tế và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Cục. Các Phó Cục trưởng giúp việc cho Cục trưởng và được Cục trưởng giao phụ trách một số công tác, chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và trước pháp luật về các nhiệm vụ được giao.
2. Cơ cấu tổ chức
a) Văn phòng Cục;
b) Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm;
c) Phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm;
d) Phòng Quản lý tiêm chủng và An toàn sinh học;
đ) Phòng Y tế công cộng và Dinh dưỡng.
3. Cơ chế hoạt động:
a) Cục Y tế dự phòng hoạt động theo chế độ thủ trưởng;
b) Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng Cục, các phòng thuộc Cục do Cục trưởng quy định trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục đã được Bộ trưởng Bộ Y tế giao. Mối quan hệ giữa Văn phòng Cục, các phòng thuộc Cục do Cục trưởng quy định;
c) Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh lãnh đạo Văn phòng Cục, lãnh đạo các phòng thuộc Cục thực hiện theo quy định của pháp luật;
d) Các chức danh lãnh đạo Cục, lãnh đạo Văn phòng Cục, các phòng thuộc Cục được hưởng phụ cấp theo quy định của pháp luật.
4. Biên chế
Biên chế của Cục Y tế dự phòng được xác định theo quy định của pháp luật về vị trí việc làm và được điều chỉnh theo nhu cầu vị trí việc làm do Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định trên cơ sở đề xuất của Cục trưởng Cục Y tế dự phòng.
5. Kinh phí:
Kinh phí hoạt động của Cục Y tế dự phòng do ngân sách nhà nước cấp và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Điều 4. Hiệu lực thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, ban hành.
2. Quyết định số 468/QĐ-BYT ngày 10 tháng 02 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Y tế dự phòng thuộc Bộ Y tế hết hiệu lực kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực.
Điều 5. Trách nhiệm thi hành
Các ông, bà: Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng, Cục trưởng, Tổng cục trưởng thuộc Bộ Y tế và thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG |
*Xem phụ lục danh mục và toàn bộ nội dung đầy đủ hơn quý độc giả tải tài liệu về máy hoặc xem bản gốc bên dưới.