Notice: Undefined variable: amp_css in /var/www/sv_111/web.tailieuluat.com/app/templates/mobile-views/layouts/home.phtml on line 9
Tóm lược & Nội dung
Tóm lược & Nội dung
Lịch sử
Lược đồ
Tải về
In, lưu lại...

Quyết định 170/QĐ-VKSTC lĩnh vực Thủ tục Tố tụng

Tóm lược

Quyết định 170/QĐ-VKSTC năm 2018 về Quy chế tạm thời Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm điều tra và giám định do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành ngày 02/05/2018
Cơ quan ban hành/ người ký: Viện kiểm sát nhân dân tối cao / Viện trưởng - Lê Minh Trí
Số hiệu: 170/QĐ-VKSTC
Loại văn bản: Quyết định
Ngày ban hành: 02/05/2018
Ngày hiệu lực: 02/05/2018
Lĩnh vực: Thủ tục Tố tụng,

Nội dung văn bản

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 170/QĐ-VKSTC

Hà Nội, ngày 02 tháng 5 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ TẠM THỜI CÔNG TÁC THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ, KIỂM SÁT VIỆC KHÁM NGHIỆM HIỆN TRƯỜNG, KHÁM NGHIỆM TỬ THI, THỰC NGHIỆM ĐIỀU TRA VÀ GIÁM ĐỊNH

VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

Căn cứ Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014;

Căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát Điều tra án trật tự xã hội, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tạm thời Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm Điều tra và giám định.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, thay thế Quyết định số 421/2014/QĐ-VKSTC ngày 17/10/2014 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc ban hành Quy chế công tác kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm Điều tra và giám định.

Điều 3. Thủ trưởng đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp chịu trách nhiệm tổ chức thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Lãnh đạo VKSNDTC;
- Lưu VT, V2, V14.

VIỆN TRƯỞNG




Lê Minh Trí

 

QUY CHẾ TẠM THỜI

CÔNG TÁC THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ, KIỂM SÁT VIỆC KHÁM NGHIỆM HIỆN TRƯỜNG, KHÁM NGHIỆM TỬ THI,THỰC NGHIỆM ĐIỀU TRA VÀ GIÁM ĐỊNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 170/QĐ-VKSTC ngày 02 tháng 5 năm 2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi công tác

1. Phạm vi thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường bắt đầu từ khi nhận được thông báo của Cơ quan có thẩm quyền Điều tra về vụ việc cần khám nghiệm đến khi kết thúc việc khám nghiệm hiện trường.

2. Phạm vi thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm tử thi bắt đầu từ khi nhận được thông báo của Cơ quan Điều tra về việc khám nghiệm đến khi kết thúc việc khám nghiệm tử thi.

3. Phạm vi thực hành quyền công tố, kiểm sát việc thực nghiệm Điều tra bắt đầu từ khi nhận được thông báo của Cơ quan Điều tra về việc tổ chức thực nghiệm Điều tra, Viện kiểm sát có yêu cầu thực nghiệm Điều tra hoặc Viện kiểm sát tổ chức thực nghiệm Điều tra đến khi kết thúc việc thực nghiệm Điều tra.

4. Phạm vi thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giám định bắt đầu từ khi nhận được quyết định trưng cầu giám định của Cơ quan có thẩm quyền Điều tra, Viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan có thẩm quyền Điều tra trưng cầu giám định hoặc Viện kiểm sát ra quyết định trưng cầu giám định đến khi Viện kiểm sát nhận được kết luận giám định.

Trường hợp đương sự hoặc người đại diện của họ đề nghị giám định thì phạm vi thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giám định bắt đầu từ khi Cơ quan có thẩm quyền Điều tra hoặc Viện kiểm sát nhận được văn bản đề nghị đến khi Viện kiểm sát nhận được kết luận giám định.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Viện kiểm sát nhân dân, Viện kiểm sát quân sự các cấp.

2. Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng của Viện kiểm sát nhân dân, Viện kiểm sát quân sự các cấp.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm Điều tra và giám định.

Điều 3. Mục đích công tác

1. Xác định có hay không có tội phạm xảy ra để xử lý theo quy định của pháp luật. Mọi trường hợp có người bị giết, nghi bị giết, chết dưới nước, chết do treo cổ, chết do độc tố, do hơi độc, do điện giật, chết do tai nạn giao thông, chết do tai nạn lao động và các trường hợp chết khác chưa xác định được nguyên nhân đều phải tổ chức khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, trưng cầu giám định pháp y và tiến hành xác minh, Điều tra ban đầu tại hiện trường để làm rõ căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm Điều tra và giám định phải kịp thời, khách quan, toàn diện, đầy đủ, chính xác, đúng pháp luật; những vi phạm pháp luật trong quá trình khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm Điều tra và giám định phải được phát hiện nhằm khắc phục và xử lý nghiêm minh.

3. Thông qua kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm Điều tra và giám định để xác định vụ việc có dấu hiệu tội phạm hay không có dấu hiệu tội phạm. Các trường hợp sau khi khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm Điều tra và giám định xác định có dấu hiệu của tội phạm thì phải khởi tố vụ án hình sự để tiến hành Điều tra theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Từ ngữ được dùng trong Quy chế

1. “Lãnh đạo Viện” gồm Viện trưởng Viện kiểm sát, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát được Viện trưởng phân công hoặc ủy quyền thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm Điều tra và giám định.

2. “Lãnh đạo đơn vị” gồm Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng đơn vị thực hành quyền công tố và kiểm sát Điều tra thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng đơn vị thực hành quyền công tố, kiểm sát Điều tra và kiểm sát xét xử sơ thẩm thuộc Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh.

3. “Cơ quan có thẩm quyền Điều tra” gồm Cơ quan Điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra.

4. “Thủ trưởng, Cấp trưởng Cơ quan có thẩm quyền Điều tra” gồm Thủ trưởng Cơ quan Điều tra, Cấp trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra.

5. “Phó Thủ trưởng, Cấp phó Cơ quan có thẩm quyền Điều tra” gồm Phó Thủ trưởng Cơ quan Điều tra, Cấp phó cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra.

6. “Cán bộ Điều tra” được dùng trong Quy chế này là cán bộ Điều tra của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra.

Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm Điều tra và giám định

1. Yêu cầu Điều tra viên, cán bộ Điều tra hoặc những người biết về vụ việc cung cấp các thông tin liên quan đến vụ việc cần khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi.

2. Kiểm sát viên phải kiểm sát thành Phần tiến hành, tham gia việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm Điều tra bảo đảm đúng thẩm quyền, thành Phần theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

3. Yêu cầu Điều tra viên, cán bộ Điều tra thu giữ, niêm phong, bảo quản vật chứng, tài liệu, đồ vật hoặc dữ liệu điện tử có liên quan đến vụ việc khám nghiệm; lập biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, vẽ sơ đồ hiện trường theo đúng quy định của pháp luật.

4. Kiểm sát chặt chẽ việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm Điều tra và giám định, kịp thời đề ra các yêu cầu cho Điều tra viên, cán bộ Điều tra, người có chuyên môn, Giám định viên kỹ thuật hình sự, Giám định viên pháp y thu thập, làm rõ các dấu vết thương tích, giải phẫu tử thi để xác định nguyên nhân chết, sơ bộ kết luận về nguyên nhân chết của nạn nhân (nếu có thể) để phục vụ công tác truy nguyên hình sự và truy tìm người phạm tội đối với những vụ án không quả tang.

5. Yêu cầu Điều tra viên, cán bộ Điều tra, người có chuyên môn, Giám định viên kỹ thuật hình sự, Giám định viên pháp y xác định chính xác phạm vi hiện trường, bao gồm cả hiện trường chính, hiện trường phụ, hiện trường giả của vụ án, hiện trường còn nguyên vẹn hay đã bị thay đổi; mở rộng hiện trường để truy tìm dấu vết và công cụ, phương tiện phạm tội. Phát hiện, mô tả, thu thập đầy đủ, trung thực, khách quan mọi dấu vết liên quan đến tội phạm và người phạm tội tại hiện trường. Trong trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi.

6. Kiểm tra, đối chiếu giữa sơ đồ hiện trường, biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm Điều tra và các tài liệu liên quan khác so với thực tế hiện trường, diễn biến quá trình khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm Điều tra để bảo đảm chính xác, khách quan, toàn diện và theo đúng quy định của pháp luật.

7. Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm Điều tra phải có mặt từ khi bắt đầu đến khi kết thúc, ký tên vào sơ đồ hiện trường, biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và thực nghiệm Điều tra.

8. Mọi trường hợp Kiểm sát viên không trực tiếp thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm Điều tra thì không được ký vào các loại biên bản trên.

Điều 6. Tiếp nhận, xử lý và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm có liên quan đến khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi

Lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện phân công Kiểm sát viên trực nghiệp vụ 24/24 giờ để tiếp nhận, quản lý đầy đủ tố giác, tin báo về tội phạm có liên quan đến khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi do cơ quan, tổ chức, cá nhân chuyển đến. Kiểm sát viên phải ghi vào sổ thụ lý; ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm tiếp nhận; nội dung tố giác, tin báo về tội phạm có liên quan đến khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi; tên, tuổi và địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp; kịp thời báo cáo lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện để chuyển ngay các tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo các tài liệu có liên quan cho Cơ quan Điều tra có thẩm quyền giải quyết. Nếu là thông tin do Cơ quan có thẩm quyền Điều tra cung cấp, Kiểm sát viên được phân công trực phải báo cáo ngay lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện để kịp thời phân công Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi.

Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải giữ bí mật thông tin của cá nhân đã cung cấp tố giác, tin báo có liên quan đến khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi nếu có yêu cầu.

Điều 7. Thẩm quyền thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm Điều tra và giám định

1. Thẩm quyền thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi theo thẩm quyền giải quyết các ván hình sự và theo lãnh thổ. Các ván giết người, nghi giết người; các vụ tai nạn lao động, tai nạn giao thông; các vụ cháy, nổ đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp hoặc các vụ việc xảy ra có liên quan đến yếu tố nước ngoài; các vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp khác do Cơ quan Điều tra cấp tỉnh, Cơ quan Điều tra quân sự cấp quân khu tiến hành khám nghiệm thuộc thẩm quyền thực hành quyền công tố, kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu.

2. Trong trường hợp vụ việc thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu, khi có yêu cầu thì Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát quân sự khu vực nơi xảy ra tội phạm hoặc nơi có dấu vết tội phạm có trách nhiệm phân công Kiểm sát viên phối hợp, tham gia thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi.

Chương II

THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ, KIỂM SÁT VIỆC KHÁM NGHIỆM HIỆN TRƯỜNG, KHÁM NGHIỆM TỬ THI, THỰC NGHIỆM ĐIỀU TRA VÀ GIÁM ĐỊNH

Điều 8. Trách nhiệm của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường

Khi nhận được thông báo của Cơ quan có thẩm quyền Điều tra, lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện phải cử Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường đối với tất cả các vụ việc mà Cơ quan có thẩm quyền Điều tra tiến hành khám nghiệm theo quy định của pháp luật.

Đối với các vụ việc phức tạp, các ván giết người không quả tang, các vụ tai nạn giao thông, các vụ tai nạn lao động gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, các ván mà người phạm tội là nhân sỹ trí thức hoặc các chức sắc tôn giáo, người có uy tín cao thuộc các dân tộc ít người, các ván được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm hoặc các trường hợp khác khi xét thấy cần thiết thì lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện phải trực tiếp cùng Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường.

Trường hợp cần thiết, Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng Viện kiểm sát cấp dưới đề nghị Viện kiểm sát cấp trên phân công Kiểm sát viên cùng tham gia thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường.

Điều 9. Nhiệm vụ của Kiểm sát viên trước khi khám nghiệm hiện trường

Trước khi khám nghiệm hiện trường, Kiểm sát viên phải chủ động nắm tình hình, yêu cầu Điều tra viên, cán bộ Điều tra thông báo nội dung, diễn biến ban đầu của sự việc xảy ra để tham gia ý kiến vào việc chuẩn bị khám nghiệm; chủ động yêu cầu Điều tra viên, cán bộ Điều tra tiến hành khám nghiệm hiện trường, bảo đảm đúng quy định tại Điều 201 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Điều 10. Nhiệm vụ của Kiểm sát viên trong quá trình khám nghiệm hiện trường

1. Kiểm sát viên phải phối hợp với Điều tra viên, cán bộ Điều tra, người có chuyên môn để thống nhất nội dung, kế hoạch, trình tự khám nghiệm hiện trường, bảo đảm khách quan, toàn diện và đúng pháp luật.

Kiểm sát việc lấy lời khai những người biết sự việc ngay tại hiện trường, nếu thấy người làm chứng, người bị hại hoặc đối tượng có thể chết hoặc mất khả năng khai báo, Kiểm sát viên phải yêu cầu Điều tra viên, cán bộ Điều tra lấy ngay lời khai và ghi âm lời khai của họ.

2. Kiểm sát viên phải chủ động nắm tình hình về hiện trường qua thông báo của Điều tra viên, cán bộ Điều tra, thông tin do người dân xung quanh khu vực hiện trường cung cấp; hoặc tự mình quan sát và phân tích các yếu tố để đánh giá tình trạng hiện trường còn nguyên vẹn hay đã bị thay đổi, nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi ấy do các yếu tố con người, thời tiết, động vật qua lại hoặc các yếu tố khách quan khác; xác định phạm vi cần khám nghiệm và những loại dấu vết, vật chứng, đồ vật, tài liệu, dữ liệu điện tử cần được xem xét, thu giữ để yêu cầu Điều tra viên, cán bộ Điều tra thực hiện.

3. Trong quá trình khám nghiệm hiện trường, Kiểm sát viên phải kiểm sát chặt chẽ các hoạt động khám nghiệm. Yêu cầu Điều tra viên, cán bộ Điều tra, người có chuyên môn thực hiện đúng trình tự, thủ tục khám nghiệm; vẽ sơ đồ, chụp ảnh, đo đạc và mô tả thực trạng hiện trường theo quy định của pháp luật. Yêu cầu biên bản khám nghiệm hiện trường phải được lập, sơ đồ hiện trường phải được vẽ ngay tại nơi khám nghiệm.

Kiểm sát viên phải ghi chép đầy đủ, chính xác, rõ ràng, cụ thể các tình tiết, đặc điểm, vị trí của dấu vết, vật chứng, đồ vật, tài liệu quan trọng tại hiện trường để có cơ sở xem xét đối chiếu, kiểm tra với biên bản và sơ đồ khám nghiệm hiện trường. Trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên có thể chụp ảnh, ghi hình, vẽ sơ đồ, mô tả hiện trường, xem xét tại chỗ dấu vết, đồ vật, tài liệu có liên quan đến tội phạm, lấy lời khai và ghi âm lời khai của người bị hại, người làm chứng và những người biết việc. Các tài liệu này được lưu hồ sơ kiểm sát.

4. Kiểm sát viên đề ra yêu cầu khám nghiệm trên cơ sở nghiên cứu cơ chế, quy luật hình thành dấu vết để có thể phát hiện, xác định được loại dấu vết; dấu vết hình thành đúng hay trái với quy luật thông thường, sự mâu thuẫn giữa các dấu vết, vật chứng, đồ vật, tài liệu, dữ liệu điện tử để kịp thời yêu cầu thu thập đầy đủ; tránh trường hợp làm mất, hư hỏng các dấu vết hoặc làm thay đổi tình trạng hiện trường. Xác định có hay không việc tạo hiện trường giả sau khi gây án.

5. Kiểm sát viên phối hợp với Điều tra viên, cán bộ Điều tra, người có chuyên môn phân tích, đánh giá các dấu vết, vật chứng, đồ vật, tài liệu, dữ liệu điện tử đã thu giữ được tại hiện trường để đặt ra các giả thuyết Điều tra, định hướng cho việc khám nghiệm, thu giữ dấu vết được đầy đủ, chính xác, phục vụ công tác truy tìm vật chứng, truy bắt người thực hiện hành vi phạm tội.

Nếu thấy việc khám nghiệm hiện trường chưa đầy đủ, vi phạm quy định tại Điều 201 Bộ luật Tố tụng hình sự thì Kiểm sát viên yêu cầu Điều tra viên, cán bộ Điều tra, người có chuyên môn bổ sung, khắc phục; trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ thì yêu cầu ghi ý kiến của Kiểm sát viên vào biên bản khám nghiệm và báo cáo lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện.

6. Những dấu vết, vật chứng, đồ vật, tài liệu, dữ liệu điện tử đã thu giữ phải được bảo quản, giữ nguyên trạng hoặc niêm phong theo quy định của pháp luật, bảo đảm phục vụ cho việc giám định và sử dụng làm chứng cứ giải quyết vụ án.

7. Kiểm sát viên phối hợp cùng Điều tra viên, cán bộ Điều tra phân tích, đánh giá đúng kết quả khám nghiệm hiện trường; xem xét quyết định kết thúc khám nghiệm hoặc tiếp tục bảo vệ hiện trường để có thể khám nghiệm bổ sung, khám nghiệm lại; xác định rõ những dấu vết, vật chứng, đồ vật, tài liệu, dữ liệu điện tử cần được trưng cầu giám định, nội dung cần trưng cầu để phục vụ cho công tác Điều tra, giải quyết vụ án.

8. Kiểm sát viên yêu cầu Điều tra viên, cán bộ Điều tra quán triệt những người tham gia khám nghiệm hiện trường giữ bí mật về kết quả khám nghiệm, tuyệt đối không được tiết lộ, gây khó khăn cho công tác Điều tra, giải quyết vụ án.

Điều 11. Nhiệm vụ của Kiểm sát viên sau khi kết thúc việc khám nghiệm hiện trường

Sau khi kết thúc việc khám nghiệm hiện trường, Kiểm sát viên phải ghi thông tin vào sổ thụ lý khám nghiệm, đồng thời báo cáo ngay bằng văn bản và đề xuất quan điểm với lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện về kết quả khám nghiệm hiện trường, những yêu cầu của Kiểm sát viên không được Điều tra viên, cán bộ Điều tra, người có chuyên môn thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ (nếu có), cần phải khám nghiệm bổ sung, khám nghiệm lại để có ý kiến chỉ đạo.

Kiểm sát viên phải dự thảo ngay báo cáo ban đầu trình lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện gửi Viện kiểm sát cấp trên theo quy định tại Quy chế về chế độ thông tin, báo cáo và quản lý công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân ban hành kèm theo Quyết định số 279/QĐ-VKSTC ngày 01/8/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Điều 12. Nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên trước khi khám nghiệm tử thi

Trong mọi trường hợp, khi nhận được thông báo của Cơ quan Điều tra, Kiểm sát viên phải có mặt để thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm tử thi theo quy định của pháp luật. Kiểm sát viên phải chủ động phối hợp với Điều tra viên để thống nhất nội dung, kế hoạch khám nghiệm tử thi. Trước khi khám nghiệm tử thi, Kiểm sát viên yêu cầu Điều tra viên thông báo tóm tắt nội dung vụ việc, thành Phần tiến hành, tham gia khám nghiệm, thời gian, địa điểm tiến hành khám nghiệm.

Trong trường hợp vụ việc có 02 tử thi trở lên, vụ việc được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm hoặc trong các trường hợp khác khi xét thấy cần thiết thì lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện phải trực tiếp cùng Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm tử thi.

Trường hợp cần thiết, Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng Viện kiểm sát cấp dưới đề nghị Viện kiểm sát cấp trên phân công Kiểm sát viên cùng thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm tử thi.

Điều 13. Nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên trong quá trình khám nghiệm tử thi                    

1. Trong quá trình khám nghiệm tử thi, Kiểm sát viên phải yêu cầu Điều tra viên, Giám định viên pháp y, Giám định viên kỹ thuật hình sự tiến hành chụp ảnh, mô tả đầy đủ dấu vết để lại trên tử thi, thu thập, bảo quản mẫu vật, phục vụ công tác giám định để xác định nguyên nhân chết hoặc truy tìm tung tích của nạn nhân.

Kiểm sát viên phải ghi chép, mô tả đầy đủ, chính xác, rõ ràng, cụ thể các dấu vết để lại trên tử thi để làm cơ sở xem xét, đối chiếu với biên bản khám nghiệm tử thi.

2. Nếu thấy việc khám nghiệm tử thi chưa đầy đủ, vi phạm quy định tại Điều 202 Bộ luật Tố tụng hình sự, Kiểm sát viên yêu cầu Điều tra viên, Giám định viên pháp y, Giám định viên kỹ thuật hình sự bổ sung, khắc phục; trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ thì yêu cầu ghi ý kiến của Kiểm sát viên vào biên bản khám nghiệm và báo cáo lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện.

3. Trường hợp phải khai quật tử thi, Kiểm sát viên phải kiểm sát về trình tự, thủ tục, bảo đảm việc khai quật tử thi để khám nghiệm đúng quy định tại Điều 202 Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Điều 14. Nhiệm vụ của Kiểm sát viên sau khi kết thúc việc khám nghiệm tử thi

Sau khi kết thúc việc khám nghiệm tử thi, Kiểm sát viên phải ghi thông tin vào sổ thụ lý khám nghiệm, đồng thời báo cáo ngay bằng văn bản và đề xuất quan điểm với lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện về kết quả khám nghiệm tử thi, những yêu cầu của Kiểm sát viên không được Điều tra viên, Giám định viên pháp y, Giám định viên kỹ thuật hình sự thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ (nếu có) để có ý kiến chỉ đạo.

Kiểm sát viên phải dự thảo ngay báo cáo ban đầu trình lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện gửi Viện kiểm sát cấp trên theo quy định tại Quy chế về chế độ thông tin, báo cáo và quản lý công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân ban hành kèm theo Quyết định số 279/QĐ-VKSTC ngày 01/8/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Điều 15. Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc thực nghiệm Điều tra

1. Khi nhận được thông báo của Cơ quan Điều tra về việc thực nghiệm Điều tra, lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện phải cử Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát việc thực nghiệm Điều tra. Trường hợp Kiểm sát viên vắng mặt, phải được sự đồng ý của lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện và thông báo cho Cơ quan Điều tra biết để ghi vào biên bản thực nghiệm Điều tra.

Kiểm sát viên phải nghiên cứu nội dung, kế hoạch thực nghiệm Điều tra, bảo đảm việc dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, tình huống hoặc tình tiết khác phù hợp với thực tế khách quan, theo đúng quy định tại Điều 204 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Trong trường hợp cần thiết mà Cơ quan Điều tra chưa tổ chức thực nghiệm Điều tra, thì Kiểm sát viên kịp thời báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện ra văn bản yêu cầu Cơ quan Điều tra tiến hành thực nghiệm Điều tra.

2. Viện kiểm sát tiến hành thực nghiệm Điều tra khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Trong giai đoạn Điều tra, Viện kiểm sát đã yêu cầu Cơ quan Điều tra thực nghiệm Điều tra nhưng Cơ quan Điều tra không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ;

b) Trong giai đoạn truy tố, mà xét thấy việc thực nghiệm Điều tra đơn giản, không cần phải trả hồ sơ để Điều tra bổ sung thì Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện tự mình hoặc phối hợp với Cơ quan Điều tra tổ chức thực nghiệm Điều tra.

Việc thực nghiệm Điều tra và lập biên bản thực nghiệm Điều tra phải theo đúng quy định tại Điều 204 Bộ luật Tố tụng hình sự và quy định của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Điều 16. Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giám định

1. Kiểm sát viên phải kiểm sát việc trưng cầu giám định của Cơ quan có thẩm quyền Điều tra nhằm bảo đảm nội dung trưng cầu giám định cụ thể, rõ ràng, phù hợp với sự việc và những vấn đề cần yêu cầu kết luận.

Kiểm sát viên phải kịp thời nghiên cứu hồ sơ, tài liệu để phát hiện các nội dung cần giám định, các trường hợp bắt buộc phải giám định quy định tại Điều 206 Bộ luật Tố tụng hình sự, các trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP ngày 13/12/2017 quy định những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp trong giải quyết vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế nhưng chưa được trưng cầu giám định để báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện ra văn bản yêu cầu Cơ quan có thẩm quyền Điều tra quyết định trưng cầu giám định theo quy định tại Điều 205 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Trường hợp Kiểm sát viên tham dự giám định, thì phải thông báo trước cho người giám định biết theo đúng quy định tại Điều 209 Bộ luật Tố tụng hình sự.

2. Nếu thấy nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc phát sinh những vấn đề mới cần phải giám định liên quan đến các tình tiết của vụ án, vụ việc đã được kết luận trước đó, thì Kiểm sát viên phải kịp thời báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện ra văn bản yêu cầu Cơ quan có thẩm quyền Điều tra trưng cầu giám định bổ sung theo quy định tại Điều 210 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Nếu thấy nghi ngờ kết luận giám định lần đầu không chính xác hoặc có sự khác nhau giữa kết luận giám định lần đầu và kết luận giám định lại về cùng một nội dung giám định thì Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện ra văn bản yêu cầu Cơ quan có thẩm quyền Điều tra trưng cầu giám định lại hoặc giám định lại lần thứ hai theo quy định tại Điều 211 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Nếu thấy cần làm sáng tỏ nội dung kết luận giám định thì Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện yêu cầu Cơ quan có thẩm quyền Điều tra để yêu cầu tổ chức, cá nhân đã tiến hành giám định giải thích kết luận giám định, hỏi thêm người giám định về những tình tiết cần thiết theo quy định tại Điều 213 Bộ luật tố tụng hình sự.

3. Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện ra quyết định trưng cầu giám định khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Trong giai đoạn khởi tố, Viện kiểm sát trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố;

b) Trong giai đoạn Điều tra, Viện kiểm sát đã yêu cầu Cơ quan có thẩm quyền Điều tra ra quyết định trưng cầu giám định nhưng Cơ quan có thẩm quyền Điều tra không thực hiện mà nếu không giám định thì không đủ chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội, tính chất, mức độ, thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra;

c) Trong giai đoạn truy tố, nếu xét thấy cần thiết.

4. Trường hợp Viện kiểm sát đã trưng cầu giám định mà thấy cần giám định bổ sung, giám định lại, giám định lại lần thứ hai hoặc cần làm sáng tỏ nội dung kết luận giám định thì thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều này.

5. Kiểm sát viên phải kiểm sát chặt chẽ thời hạn gửi quyết định trưng cầu giám định, thời hạn giám định và thời hạn gửi kết luận giám định, bảo đảm đúng theo quy định tại các Điều 205, 208 và 213 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Điều 17. Phát hiện và xử lý vi phạm

1. Kiểm sát viên phải kịp thời phát hiện, mở sổ theo dõi, tổng hợp vi phạm pháp luật trong hoạt động khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm Điều tra, giám định của Cơ quan có thẩm quyền Điều tra, Điều tra viên, cán bộ Điều tra để yêu cầu khắc phục; báo cáo lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện yêu cầu Thủ trưởng, Cấp trưởng Cơ quan có thẩm quyền Điều tra xử lý nghiêm minh Điều tra viên, cán bộ Điều tra vi phạm pháp luật. Nếu vi phạm của Điều tra viên, cán bộ Điều tra có dấu hiệu tội phạm, lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện yêu cầu Cơ quan có thẩm quyền Điều tra khởi tố vụ án hình sự; nếu có dấu hiệu tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp thì báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao, lãnh đạo Viện kiểm sát quân sự trung ương để chỉ đạo Cơ quan Điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan Điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Đối với quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của Phó Thủ trưởng, Cấp phó Cơ quan có thẩm quyền Điều tra, Điều tra viên thì lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện ra văn bản yêu cầu Thủ trưởng, Cấp trưởng Cơ quan có thẩm quyền Điều tra ra quyết định hủy bỏ hoặc trực tiếp ra quyết định hủy bỏ. Đối với quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của Thủ trưởng, Cấp trưởng Cơ quan có thẩm quyền Điều tra thì lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện ra quyết định hủy bỏ.

Trường hợp Viện kiểm sát quyết định hủy bỏ quyết định của Cơ quan có thẩm quyền Điều tra thì phải gửi ngay cho Cơ quan có thẩm quyền Điều tra để thực hiện.

2. Quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm Điều tra, giám định, Kiểm sát viên có trách nhiệm tổng hợp các vi phạm pháp luật của Cơ quan có thẩm quyền Điều tra, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thuộc Cơ quan có thẩm quyền Điều tra và người tham gia tố tụng, báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện ra văn bản kiến nghị, yêu cầu khắc phục theo quy định tại Khoản 6 Điều 166 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Điều 18. Việc ban hành văn bản tố tụng của Viện kiểm sát

Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên ban hành văn bản tố tụng khi thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm Điều tra, giám định theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự; Quy chế tạm thời Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, Điều tra và truy tố ban hành kèm theo Quyết định số 03/QĐ-VKSTC ngày 29/12/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Quyết định số 15/QĐ-VKSTC ngày 09/01/2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Mẫu văn bản tố tụng, văn bản nghiệp vụ thực hiện trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, Điều tra và truy tố.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 19. Hiệu lực thi hành

Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày 02 tháng 5 năm 2018, thay thế Quy chế công tác kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, kiểm sát khám nghiệm tử thi, thực nghiệm Điều tra, việc tiến hành giám định ban hành kèm theo Quyết định số 421/2014/QĐ-VKSTC ngày 17/10/2014 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Điều 20. Trách nhiệm thực hiện

1. Thủ trưởng đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy chế này.

2. Giao Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát Điều tra án trật tự xã hội chủ trì, phối hợp với Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các đơn vị có liên quan theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy chế này.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc phát sinh những vấn đề cần phải sửa đổi, bổ sung thì kịp thời báo cáo Viện kiểm sát nhân dân tối cao (qua Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát Điều tra án trật tự xã hội) để tổng hợp, báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, quyết định./.

 

Lịch sử hiệu lực

Ngày:
02/05/2018
02/05/2018
Trạng thái:
Văn bản được ban hành
Văn bản có hiệu lực
Văn bản nguồn:
170/QĐ-VKSTC
170/QĐ-VKSTC

Luợc đồ

Mở tất cả Đóng tất cả
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung (0)
Văn bản liên quan ngôn ngữ (0)
Văn bản sửa đổi, bổ sung (0)
Văn bản bị đính chính (0)
Văn bản được hướng dẫn (0)
Văn bản đính chính (0)
Văn bản bị thay thế (0)
Văn bản thay thế (0)
Văn bản hướng dẫn (0)
Văn bản được hợp nhất (0)
Văn bản hợp nhất (0)

Văn bản liên quan theo người ký