Điều 90, Điều 91 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định quyền nhận cha, mẹ; quyền nhận con như sau:
- Con có quyền nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết.
- Con đã thành niên nhận cha, không cần phải có sự đồng ý của mẹ; nhận mẹ, không cần phải có sự đồng ý của cha.
- Cha, mẹ có quyền nhận con, kể cả trong trường hợp con đã chết.
- Trong trường hợp người đang có vợ, chồng mà nhận con thì việc nhận con không cần phải có sự đồng ý của người kia.
Hình ảnh minh họa: Quy định về nhận cha, mẹ, nhận con như thế nào? (Nguồn: Internet)
Thẩm quyền đăng ký nhận con của cha mẹ:
Điều 24 Luật hộ tịch 2014 quy định: ” Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con.”
Như vậy, UBND cấp xã sẽ có thẩm quyền đăng ký nhận cha, mẹ, con theo thủ tục thông thường. Nếu có yếu tố nước ngoài thì sẽ do UBND cấp huyện có thẩm quyền đăng ký. Tuy nhiên nếu có tranh chấp xảy ra thì sẽ do Tòa án nhân dân giải quyết.
Thủ tục đăng ký nhận con của cha mẹ:
Để tiến hành thủ tục đăng ký nhận cha mẹ con người yêu cầu đăng ký nhận cha mẹ con lập 01 hồ sơ bao gồm các giấy tờ :
-Tờ khai đăng ký nhận cha mẹ con theo mẫu quy định
-CMND của người yêu cầu đăng ký nhận cha mẹ con
-Sổ hộ khẩu của người yêu cầu đăng ký nhận cha mẹ con
-Giấy khai sinh của người con
-Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con. Trường hợp không có văn bản như trên thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.
Khi có đủ giấy tờ trên bạn nộp cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký việc nhận cha, mẹ, con, các bên cha, mẹ, con phải có mặt, trừ trường hợp người được nhận là cha hoặc mẹ đã chết.