1. Quản lý hành chính nhà nước về hộ tịch:
Quản lý hành chính nhà nước về hộ tịch là một loại quản lý nhà nước cụ thể trong lĩnh vực hành pháp do các chủ thể có thẩm quyền thực hiện nhằm tác động, điều chỉnh, giải quyết các vấn đề về hộ tịch theo quy định của pháp luật.
Hộ tịch là những sự kiện cơ bản xác định tình trạng nhân thân của một người từ khi sinh ra đến khi chết.
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì đăng ký hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền:
- Xác nhận các sự kiện: sinh; kết hôn; tử; nuôi con nuôi; nhận cha, mẹ, con; thay đổi họ, tên, chữ đệm; cải chính họ, tên, chữ đệm; ngày tháng năm sinh; xác định lại dân tộc; đăng ký khai sinh, khai tử quá hạn; đăng ký lại các việc sinh, tử, kết hôn, nhhận nuôi con nuôi.
- Căn cứ vào quyết định cơ quan nhà nước có thẩm quyền ghi vào sổ đăng ký hộ tịch các việc về ly hôn, xác định cha, mẹ, con, thay đổi quốc tịch, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự, huỷ hôn trái pháp luật, hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc những sự kiện khác do pháp luật quy định.
Quản lý hộ tịch là công việc thường xuyên của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện để theo dõi thực trạng và sự biến động về hộ tịch, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, tạo cơ sở xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và chính sách dân số kế hoạch hoá gia đình.
Chính phủ thống nhất quản lý hộ tịch trong phạm vi cả nước.
2. Đăng ký và quản lý hộ khẩu:
Đăng ký và quản lý hộ khẩu là một hoạt động quản lý nhà nước rất quan trọng liên quan mật thiết đến quyền tự do cư trú của công dân và sự điều chỉnh của nhà nước về dân số.
Một trong những quyền cơ bản của công dân là quyền tự định đoạt nơi cư trú của mình. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: công dân có quyền đi lại và tự do cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước theo quy định của pháp luật.
Nơi cư trú được xác định theo quy định của pháp luật.
Đăng ký và quản lý hộ khẩu là biện pháp quản lý hành chính của nhà nước nhằm xác định việc cư trú của công dân, bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân, tăng cường quản lý xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Pháp luật nước ta quy định: công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quyền và nghĩa vụ thực hiện việc đăng ký và quản lý hộ khẩu với cơ quan công an theo quy định.
Mọi công dân phải đăng ký hộ khẩu ở nơi cư trú gọi là hộ khẩu thường trú. Khi chuyển đến cư trú ở nơi mới phải thực hiện đầy đủ chế độ đăng ký, quản lý hộ khẩu lại theo quy định, trừ một số đối tượng bị hạn chế đăng ký hộ khẩu là những người đang trong thời gian thi hành bản án của toà án và những người đang phải thi hành quyết định cư trú bắt buộc, chịu sự quản lý hành chính của chính quyền địa phương thì chưa được chuyển đến đăng ký hộ khẩu thường trú nơi khác.
Những người đang thi hành bản án, quyết định của toà án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấm cư trú thì không được đăng ký hộ khẩu thường trú ở khu vực bị cấm.
Những người có quan hệ về gia đình, cùng ở chung một nhà thì đăng ký thành một hộ gia đình, mỗi hộ gia đình phải có một người đứng tên chủ hộ.
Những người đang làm việc trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế - xã hội sống độc thân tại nhà ở tập thể cơ quan thì đăng ký theo nhân khẩu tập thể và từng người phải trực tiếp đăng ký hộ khẩu vối cơ quan công an.
Đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, công nhân, nhân viên của quân đội nhân dân và Công an nhân dân ở trong doanh trại hoặc nhà tập thể của quân đội, công an thì đăng ký, quản lý hộ khẩu theo quy định riêng của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.
Những công dân đang trong thời gian làm nghĩa vụ quân sự thì không được đăng ký hộ khẩu gia đình.
Chính phủ giao Bộ Công an phụ trách việc đăng ký, quản lý hộ khẩu.