Quản lý nhà nước về hải quan như thế nào?

18/06/2018 18:03 Tài liệu
Một số nội dung chủ yếu trong hoạt động quản lý nhà nước về hải quan bao gồm: kiểm tra, giám sát hải quan, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.
1. Khái niệm:
Quản lý nhà nước về hải quan là hoạt động của các chủ thể có thẩm quyền theo quy định của pháp luật trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện trên thực tế các chính sách của nhà nước về hải quan.
Hải quan việt nam thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hải quan đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, mượn đường VN; đấu tranh chống buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hoá, ngoại hối, tiền Việt Nam qua biên giới.
 
2. Một số nội dung chủ yếu trong hoạt động quản lý nhà nước về hải quan:
 
a. Kiểm tra, giám sát hải quan:
- Kiểm tra hải quan là những biện pháp mà cơ quan hải quan được phép áp dụng để đảm bảo việc tuân thủ pháp luật về hải quan đối với các đối tượng chịu sự quản lý nhà nước về hải quan mà chủ yếu là việc xem xét, đánh giá thực trạng đối tượng trên cơ sở hồ sơ hải quan và những tiêu chuẩn định mức mà pháp luật quy định.
- Giám sát hải quan là những biện pháp mà cơ quan hải quan được phép áp dụng để đảm bảo việc tuân thủ pháp luật về hải quan đối với hàng hoá xuất nhập khẩu chưa hoàn thành thủ tục hải quan, hàng hoá xuất khẩu đã hoàn thành thủ tục hải quan nhưng chưa thực xuất và các phương tiện vận tải quá cảnh lãnh thổ Việt Nam bao gồm việc theo dõi trực tiếp đối tựơng giám sát và các biện pháp giám sát cụ thể khác theo quy định của pháp luật về hải quan.
- Hai lọai chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật kiểm tra, giám sát hải quan là chủ thể kiểm tra, giám sát và chủ thể bị kiểm tra, giám sát.
Chủ thể kiểm tra, giám sát hải quan là các cơ quan hải quan. Các nhân viên hải quan là người được giao quyền trực tiếp thực hiện việc kiểm tra, giám sát hải quan tại các địa điểm kiểm tra, giám sát hải quan cụ thể. Vậy chủ thể kiểm tra, giám sát hải quan là các nhân viên hải quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Chủ thể bị kiểm tra, giám sát hải quan là đối tượng chịu trách nhiệm thực hiện các yêu cầu mà chủ thể kiểm tra, giám sát hải quan đưa ra. Tham gia vào quá trình kiểm tra, giám sát hải quan, trực tiếp thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ thể bị kiểm tra, giám sát hải quan là người khai hải quan. Vậy chủ thể bị kiểm tra, giám sát hải quan là người khai hải quan.
- Theo Pháp lệnh hải quan: hàng hoá, hành lý, ngoại hối, tiền Việt Nam, bưu kiện, bưu phẩm, các đồ vật và tài sản khác xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, mượn đường Việt Nam (gọi chung là đối tượng kiểm tra, giám sát hải quan) khi qua biên giới VN đều chịu sự quản lý nhà nước về hải quan theo quy định của pháp luật.
- Thời điểm kiểm tra hải quan: Việc kiểm tra hải quan được thực hiện từ thời điểm cơ quan hải quan tiếp nhận đối tượng kiểm tra cho tới khi thực xuất hoặc từ thời điểm đối tượng kiển tra tới cửa khẩu nhập đầu tiên cho đến khi hoàn thành thủ tục hải quan.
Để thực hiện kiểm tra hải quan, nhân viên hải quan có thẩm quyền cần dựa trên các căn cứ: Hồ sơ hải quan; các quy định của pháp luật liên quan đến đối tượng kiểm tra; thực tế đối tượng kiểm tra hải quan.
Địa điểm kiểm tra hải quan: về nguyên tắc, việc kiểm tra hải quan được tiến hành tại cửa khẩu hoặc địa điểm kiểm tra hải quan ngoài cửa khẩu.
Phương thức kiểm tra hải quan: Việc kiểm tra hải quan có thể tiến hành bằng một trong hai phương thức sau: kiểm tra một phần bất kỳ lô hàng; kiểm tra toàn bộ lô hàng.
Và một số quy định khác.
 
b. Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan:
Vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan là một dạng cụ thể của vi phạm hành chính nói chung nên cũng phải thoả mãn đầy đủ các dấu hiệu đặc điểm của một vi phạm hành chính, bao gồm:
- Là hành vi trái pháp luật xâm phạm các quy tắc quản lý nhà nước: Vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan trực tiếp xâm phạm các quy tắc quản lý nhà nước về hải quan. Các quy tắc này rất phong phú và đa dạng. Chúng được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Do tổ chức, cá nhân thực hiện với lỗi cố ý hoặc vô ý: Chủ thể của vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan chính là chủ thể bị kiểm tra, giám sát hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan. Các đối tượng này nhận thức được nghĩa vụ pháp lý của mình trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan nhưng đã cố ý hoặc vô ý không thực hiện các nghĩa vụ đó nên phải bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
- Hành vi đó không phải là tội phạm.
- hành vi đó được pháp luật quy định phải bị xử phạt hành chính.
Từ khóa:
đề cương luật luật hành chính