Quản lý nhà nước có vai trò thế nào trong lĩnh vực hỗ trợ tư pháp?

19/06/2018 09:27 Tài liệu
Quản lý nhà nước hỗ trợ tư pháp ở các lĩnh vực: công chứng, chứng thực, tổ chức hoạt động của luật sư, tư vấn pháp luật và thi hành án dân sự.
Quản lý hành chính nhà nước trong các lĩnh vực hỗ trợ tư pháp có vai trò rất quan trọng thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp trong việc thực thi quyền lực tập trung, thống nhất của nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Các lĩnh vực hỗ trợ tư pháp gồm: Công chứng, chứng thực, luật sư, tư vấn pháp luật và thi hành án dân sự.
 
1. Quản lý nhà nước trong lĩnh vực công chứng, chứng thực:
Quản lý hành chính nhà nước về công chứng, chứng thực là hoạt động chấp hành, điều hành của các chủ thể quản lý hành chính nhà nước trên cơ sở quy định của pháp luật đối với tổ chức và hoạt động công chứng, chứng thực.
- Công chứng là việc phòng công chứng chứng nhận tính xác thực của hợp đồng được giao kết hoặc giao dịch khác được xác lập trong quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại và quan hệ xã hội khác và thực hiện các việc khác theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực.
- Chứng thực là việc UBND cấp huyện, cấp xã xác nhận sao y giấy tờ, hợp đồng, giao dịch và chữ ký của cá nhân trong các giấy tờ phục vụ cho việc thực hiện các giao dịch của họ theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực.
Chính phủ thống nhất quản lý công chứng, chứng thực trong phạm vi cả nước. Bộ tư pháp giúp chính phủ thực hiện quản lý thống nhất về công chứng, chứng thực trong phạm vi cả nước.
Bộ ngoại giao thực hiện quản lý nhà nước về công chứng của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công chứng, chứng thực trong địa phương mình. Với nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của pháp luật. Sở tư pháp giúp UBND cấp tỉnh thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn được giao.
UBND cấp huyện thực hiện quản lý nhà nước về công chứng, chứng thực trong địa phương mình. Với nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của pháp luật. Phòng tư pháp giúp UBND cấp huyện thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn được giao.
 
2. Quản lý hành chính nhà nước về tổ chức hoạt động của luật sư:
Theo pháp luật hiện hành: Tổ chức luật sư được thành lập để giúp bị cáo và các đương sự khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và góp phần bảo vệ pháp chế Xã hội chủ nghĩa. Tổ chức luật sư ở nước ta hiện nay là các Đoàn luật sư được thành lập ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để giúp công dân và các tổ chức về mặt pháp lý.
Đoàn luật sư được nhà nước khuyến khích, giúp đỡ và chịu sự hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của nhà nước theo quy định của pháp luật về tổ chức, hoạt động luật sư.
Chính phủ quản lý thống nhất tổ chức và hoạt động luật sư trong phạm vi cả nước.
Bộ tư pháp hướng dẫn thủ tục thành lập đoàn luật sư; kiểm tra việc thực hiện quy chế của các Đoàn luật sư và luật sư; hướng dẫn bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ cho các luật sư; tổng kết, phổ biến kinh nghiệm và thực hiện các biện pháp khác nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động luật sư.
Hội Đồng Nhân Dân, Ủy Ban Nhân Dân cấp tỉnh phối hợp với uỷ ban mặt trận tổ quốc thường xuyên giám sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động của Đoàn luật sư ở địa phương mình, có những kiến nghị cần thiết và kịp thời với ban chủ nhiệm Đoàn luật sư.
Các cơ quan khác của nhà nước, các tổ chức xã hội có nhiệm vụ giúp đỡ Đoàn luật sư và các luật sư trong khi thực hiện nhiệm vụ.
Về tổ chức, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được thành lập một đoàn luật sư.
 
3. Quản lý hành chính nhà nước về thi hành án dân sự:
Quản lý hành chính nhà nước về thi hành án dân sự là hoạt động chấp hành điều hành của các chủ thể quản lý hành chính nhà nước trong lĩnh vực thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật.
Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác thi hành án dân sự trong phạm vi cả nước. Bộ tư pháp giúp chính phủ quản lý nhà nước về công tác thi hành án dân sự và tổ chức việc thi hành án dân sự.
UBND cấp tỉnh, huyện thực hiện việc quản lý nhà nước về công tác thi hành án dân sự và tổ chức việc thi hành án dân sự ở địa phương theo quy định của Chính phủ. Các cơ quan tư pháp địa phương giúp UBND cùng cấp và cơ quan tư pháp cấp trên trong việc quản lý nhà nước về công tác thi hành án dân sự.
Bộ trưởng  Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ trưởng Bộ tư pháp giúp chính phủ quản lý nhà nước về công tác thi hành quyết định về tài sản trong bản án hình sự của Toà án quân sự và tổ chức các cơ quan thi hành quyết định về tài sản trong bản án hình sự của Toà án quân sự.

 

Từ khóa:
đề cương luật luật hành chính