Quan hệ pháp luật hành chính là quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình quản lý hành chính Nhà nước, được điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật hành chính giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân mang quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật hành chính.
Đặc điểm của quan hệ pháp luật hành chính:
Quan hệ pháp luật hành chính cũng là quan hệ pháp luật cho nên mang những đặc điểm chung giống các quan hệ pháp luật khác. Tuy nhiên quan hệ pháp luật hành chính có các đặc điểm riêng biệt sau:
– Quan hệ pháp luật hành chính có thể phát sinh theo yêu cầu hợp pháp của chủ thể quản lý hay đối tượng quản lý hành chính Nhà nước. Việc điều chỉnh quản lý đối với các quan hệ hành chính Nhà nước hướng tới mục đích bảo đảm lợi ích của Nhà nước và các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xã hội. Thẩm quyền quản lý hành chính của Nhà nước chỉ có thể được thức hiện nếu có sự tham gia tích cực từ phía các đối tượng quản lý. Mặt khác, nhiều quyền lợi của đối tượng quản lý chỉ có thể được đảm bảo nếu có sự hỗ trợ tích cực của các chủ thể quản lý bằng những hành vi pháp lý cụ thể.
– Quan hệ pháp luật hành chính phát sinh trong hoạt động chấp hành- điều hành quản lý hành chính Nhà nước.
Hình ảnh minh họa: Nâng cao chất lượng quan hệ hành chính (Nguồn: Phapluatxahoi)
– Nội dung của quan hệ pháp luật hành chính là các quyền và nghĩa vụ hành chính của các bên tham gia quan hệ đó.
– Chủ thể tham gia quan hệ hành chính rất đa dạng, phong phú nhưng ít nhất một bên chủ tham gia phải được sử dụng quyền lực Nhà nước.
Quan hệ pháp luật hành chính là quan hệ quản lý hành chính Nhà nước được điều chỉnh bởi quan hệ pháp luật hành chính vì vậy phải có một bên được sử dụng quyền lực Nhà nước, chủ thể này được gọi là chủ thể đặc biệt. Chủ thể còn lại tham gia quan hệ quản lý hành chính Nhà nước với vai trò là đối tưởng quản lý được gọi là chủ thể thường.
Trong quan hệ pháp luật hành chính quyền của bên này tương ứng với nghĩa vụ của bên kia và ngược lại, không giống như các quan hệ khác. Như trong quan hệ dân sự các bên chủ thể vừa mang quyền, vừa mang nghĩa vụ với nhau.
– Quan hệ pháp luật hành chính là quan hệ phục tùng, thể hiện sự bất bình đẳng về ý chí giữa các bên tham gia quan hệ.
– Phần lớn các tranh chấp phát sinh trong quan hệ pháp luật hành chính được giải quyết theo thủ tục hành chính.
– Bên tham gia quan hệ hành chính vi phạm yêu cầu của pháp luật hành chính phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước, cho dù người vi phạm là chủ thể đặc biệt hay chủ thể thường thì khi tham gia quan hệ pháp luật hành chính nếu vi phạm thì đều có nguy cơ chịu trách nhiệm pháp lý trước Nhà nước.