Mức lương tối thiểu
Điều 91 Bộ luật Lao động 2012, mức lương tối thiểu mới sẽ không được xác lập dựa trên mức lương tối thiểu ngành và có thêm căn cứ để xác định mức lương này, đó là năng suất làm việc của người lao động và khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Điều 91 Bộ luật Lao động 2019 quy định, mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường, nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Mức lương này được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ và được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Như vậy, mức lương tối thiểu vùng sẽ có sự thay đổi so với quy định cũ.
Khi thử việc
Quy định tại Điều 26 Bộ luật Lao động 2019, tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận, ít nhất phải bằng 85% tổng mức lương của công việc đó. Như vậy, mức lương thử việc cũng không có sự thay đổi so với hiện hành.
Những thay đổi về mức lương của người lao động từ năm 2021. Ảnh minh họa.
Khi chuyển sang làm công việc khác
Người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh theo khoản 1 Điều 29 Bộ luật Lao động 2019.
Thời gian tạm chuyển không quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm. Nếu quá 60 ngày phải được người lao động đồng ý bằng văn bản. Tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Như vậy, người lao động khi chuyển sang công việc khác so với hợp đồng lao động sẽ có mức lương thấp nhất thay đổi, phụ thuộc vào sự thay đổi của mức lương tối thiểu vùng.
Khi làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm
Điều 98 Bộ luật Lao động mới có nêu, người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm:
- Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
- Vào ngày nghỉ hàng tuần, ít nhất bằng 200%;
- Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.
Nếu làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài lương chính thức, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc ngày nghỉ hàng tuần hoặc ngày nghỉ lễ, tết.
Như vậy, so với quy định cũ thì Bộ luật Lao động mới không thay đổi .
Khi người lao động ngừng việc
Theo Bộ luật Lao động mới, nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc:
- Ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc không thấp hơn mức lương tối thiểu; (so với trước đây là dù thời gian ngừng việc bao lâu mức lương ngừng việc cũng không thấp hơn mức lương tối thiểu)
- Ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu không thấp hơn mức lương tối thiểu.