Notice: Undefined variable: amp_css in /var/www/sv_111/web.tailieuluat.com/app/templates/mobile-views/layouts/home.phtml on line 9
Tóm lược & Nội dung
Tóm lược & Nội dung
Lịch sử
Lược đồ
Tải về
In, lưu lại...

Nghị định 21/2016/NĐ-CP ký ngày 31/03/2016 do Chính phủ ban hành

Tóm lược

Quy định việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của cơ quan bảo hiểm xã hội
Cơ quan ban hành/ người ký: Chính phủ / Thủ tướng - Nguyễn Tấn Dũng
Số hiệu: 21/2016/NĐ-CP
Loại văn bản: Nghị định
Ngày ban hành: 31/03/2016
Ngày hiệu lực: 01/06/2016
Ngành: Lao động - Thương binh và Xã hội

Nội dung văn bản

CHÍNH PHỦ
__________

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
___________

Số: 21/2016/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 31 tháng 03 năm 2016

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH VIỆC THỰC HIỆN CHỨC NĂNG THANH TRA

CHUYÊN NGÀNH VỀ ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI, BẢO HIỂM

THẤT NGHIỆP, BẢO HIỂM Y TẾ CỦA CƠ QUAN BẢO HIỂM XÃ HỘI

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Thanh tra ngày 15 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội ngày 20 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Bảo hiểm y tế ngày 14 tháng 11 năm 2008, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế ngày 13 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Việc làm ngày 16 tháng 11 năm 2013;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của cơ quan bảo hiểm xã hội.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan và người đứng đầu cơ quan bảo hiểm xã hội trong việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; tiêu chuẩn, chế độ của người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; hoạt động thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; Đoàn thanh tra, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước; cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có liên quan đến hoạt động đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, trừ các đối tượng liên quan đến hoạt động đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

3. Các cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Điều 3. Nguyên tắc hoạt động thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế

1. Hoạt động thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế do Đoàn thanh tra chuyên ngành thực hiện.

2. Tuân theo pháp luật; bảo đảm tính chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời.

3. Không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra.

4. Tiến hành thường xuyên, gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan bảo hiểm xã hội; phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; góp phần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Chương II

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CƠ QUAN THỰC HIỆN CHỨC NĂNG THANH TRA CHUYÊN NGÀNH VỀ ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI,

BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP, BẢO HIỂM Y TẾ

Điều 4. Cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế

1. Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

2. Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh).

Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế

1. Hằng năm, căn cứ Định hướng chương trình thanh tra của Thanh tra Chính phủ, của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; gửi kế hoạch thanh tra để báo cáo Thanh tra Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

2. Thanh tra những vụ việc khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế hoặc khi được người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế giao.

3. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh.

4. Tổng hợp, báo cáo kết quả công tác thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật thanh tra với các cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

5. Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế

1. Lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế về hoạt động thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định tại Nghị định này.

2. Quyết định thanh tra theo kế hoạch hoặc theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định này và thành lập Đoàn thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

3. Kiến nghị các cơ quan quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định này xử lý việc chồng chéo về đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

4. Kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định pháp luật phù hợp với yêu cầu quản lý về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và đình chỉ hoặc hủy bỏ các quy định trái pháp luật phát hiện qua công tác thanh tra.

5. Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

6. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh trong việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế

1. Hằng năm, căn cứ Định hướng chương trình thanh tra của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Thanh tra cấp tỉnh, cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế tại địa phương, Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh; gửi kế hoạch thanh tra để báo cáo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Thanh tra cấp tỉnh và cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh.

2. Thanh tra những vụ việc khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế hoặc khi được người đứng đầu cơ quan quy định tại Khoản 1 Điều này giao.

3. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh.

4. Tổng hợp, báo cáo kết quả công tác thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật thanh tra với các cơ quan quy định tại Khoản 1 Điều này.

5. Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Nhiệm vụ, quyền hạn của Giám đốc Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh trong việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế

1. Lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra và chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh và Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam về hoạt động thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh.

2. Quyết định thanh tra theo kế hoạch hoặc theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định này và thành lập Đoàn thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

3. Kiến nghị các cơ quan quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định này xử lý việc chồng chéo về đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh.

4. Kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định pháp luật phù hợp với yêu cầu quản lý về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và đình chỉ hoặc hủy bỏ các quy định trái pháp luật phát hiện qua công tác thanh tra.

5. Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

6. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Tiêu chuẩn, chế độ, trang phục, thẻ thanh tra chuyên ngành của người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế

1. Tiêu chuẩn của người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế:

a) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành phù hợp với nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành được giao;

b) Am hiểu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;

c) Nắm vững các quy định về chuyên môn, quy tắc quản lý liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan nơi công tác;

d) Có chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

đ) Có ít nhất 01 năm làm công tác chuyên môn liên quan đến hoạt động đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế (không kể thời gian tập sự).

2. Người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế được cấp trang phục và thẻ thanh tra chuyên ngành theo quy định của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; được hưởng chế độ bồi dưỡng khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra theo quy định của pháp luật; được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Chương III

HOẠT ĐỘNG THANH TRA CHUYÊN NGÀNH VỀ ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI, BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP, BẢO HIỂM Y TẾ

Điều 10. Nội dung thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế

1. Đối tượng đóng.

2. Mức đóng.

3. Phương thức đóng.

Điều 11. Đoàn thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế

1. Đoàn thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế có Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra; trường hợp cần thiết có Phó Trưởng đoàn thanh tra; trong đó có ít nhất một thành viên là người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

2. Trưởng Đoàn thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 53 của Luật Thanh tra; chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước người ra quyết định thanh tra về việc thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành được giao.

3. Trưởng Đoàn thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế do Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam quyết định thành lập có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 3 Điều 46 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

4. Trưởng Đoàn thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế do Giám đốc Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh quyết định thành lập có thẩm quyền kiến nghị Giám đốc Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh hoặc người có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm pháp luật phát hiện qua công tác thanh tra.

5. Thành viên Đoàn thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế có nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 54 Luật Thanh tra; chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Trưởng Đoàn thanh tra và người ra quyết định thanh tra về việc thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành được giao.

6. Tổ chức, hoạt động của Đoàn thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế thực hiện theo quy định từ Điều 16 đến Điều 28 Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành.

7. Mẫu văn bản trong hoạt động thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế thực hiện theo quy định của Thanh tra Chính phủ.

Điều 12. Bảo đảm kinh phí hoạt động của cơ quan bảo hiểm xã hội trong việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế

1. Kinh phí hoạt động của cơ quan bảo hiểm xã hội trong việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế được bố trí trong dự toán chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về quản lý tài chính đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

2. Cơ quan bảo hiểm xã hội được trích một phần khoản phạt lãi chậm nộp phát hiện qua thanh tra để hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, tăng cường cơ sở vật chất và khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Việc trích kinh phí trên thực hiện theo quy định của pháp luật.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2016.

Điều 14. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, TCCV (3b).M

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG

(Đã ký)

Nguyễn Tấn Dũng

 

Lịch sử hiệu lực

Ngày:
31/03/2016
01/06/2016
Trạng thái:
Văn bản được ban hành
Văn bản có hiệu lực
Văn bản nguồn:
21/2016/NĐ-CP
21/2016/NĐ-CP

Luợc đồ

Mở tất cả Đóng tất cả
Văn bản hiện thời (0)
Văn bản HD, QĐ chi tiết (0)
Văn bản hết hiệu lực (0)
Văn bản căn cứ (0)
Văn bản quy định hết hiệu lực (0)
Văn bản bị hết hiệu lực 1 phần (0)
Văn bản dẫn chiếu (0)
Văn bản quy định hết hiệu lực 1 phần (0)
Văn bản bị đình chỉ (0)
Văn bản liên quan khác (0)
Văn bản đình chỉ (0)
Văn bản bị đình chỉ 1 phần (0)
Văn bản đình chỉ 1 phần (0)
Văn bản được hợp nhất (0)
Văn bản được bổ sung (0)
Văn bản bổ sung (0)
Văn bản hợp nhất (0)
Văn bản được sửa đổi (0)
Văn bản sửa đổi (0)

Văn bản liên quan theo cơ quan ban hành

Văn bản liên quan theo người ký