CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14/2017/NĐ-CP |
Hà Nội, ngày 17 tháng 02 năm 2017 |
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Điều 1. Vị trí và chức năng
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực: Lao động, tiền lương; việc làm; giáo dục nghề nghiệp; bảo hiểm xã hội; an toàn, vệ sinh lao động; người có công; bảo trợ xã hội; trẻ em; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội (sau đây gọi chung là lĩnh vực lao động, người có công và xã hội) trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:
1. Trình Chính phủ các dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, dự thảo nghị định của Chính phủ theo chương trình xây dựng pháp luật hàng năm của bộ đã được phê duyệt và các nghị quyết, dự án, đề án theo sự phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
2. Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, trung hạn, hàng năm và các dự án, công trình quan trọng quốc gia về ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.
3. Trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo quyết định, chỉ thị, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình quốc gia, chương trình hành động quốc gia và các văn bản khác về ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ hoặc theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
4. Ban hành thông tư và các văn bản khác về quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực do bộ quản lý.
5. Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình quốc gia, chương trình hành động quốc gia, các dự án, công trình quan trọng quốc gia sau khi được phê duyệt; thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.
6. Lĩnh vực lao động, tiền lương:
a) Hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất, đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể, giải quyết tranh chấp lao động và đình công;
b) Hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về tiền lương tối thiểu, định mức lao động, thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, trả lương trong doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động;
c) Hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật lao động đối với lao động nữ, lao động chưa thành niên, lao động cao tuổi, lao động là người khuyết tật, lao động là người giúp việc gia đình và một số lao động khác;
d) Hướng dẫn việc đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức đại diện người lao động theo quy định của pháp luật lao động; thực hiện nhiệm vụ đầu mối quốc gia về lĩnh vực lao động trong quá trình Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại quốc tế;
đ) Hướng dẫn về tiền lương, tiền thưởng và thù lao đối với người lao động, người quản lý trong doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước.
7. Lĩnh vực việc làm:
a) Hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về việc làm; tuyển dụng và quản lý lao động Việt Nam và lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
b) Hướng dẫn và tổ chức thu thập, lưu trữ, tổng hợp, phân tích, dự báo, công bố thông tin thị trường lao động thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách ngoài các thông tin thị trường lao động là chỉ tiêu thống kê quốc gia. Ban hành quy chế quản lý, khai thác sử dụng và phổ biến thông tin thị trường lao động; xây dựng mạng thông tin và cơ sở dữ liệu thị trường lao động;
c) Hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động dịch vụ việc làm;
d) Hướng dẫn xây dựng, thẩm định và công bố tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia; quy định việc cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia;
đ) Hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp;
e) Hướng dẫn quản lý, sử dụng Quỹ quốc gia về việc làm theo quy định của pháp luật.
8. Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (trừ sư phạm):
a) Chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp;
b) Ban hành điều lệ trường cao đẳng, trường trung cấp và trung tâm giáo dục nghề nghiệp; quy chế tuyển sinh đào tạo; quy chế kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp;
c) Quy định mẫu bằng, chứng chỉ đào tạo, việc in, quản lý, cấp phát, thu hồi, hủy bỏ bằng, chứng chỉ đào tạo; quy định trách nhiệm của cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong việc cấp bằng, chứng chỉ đào tạo tại Việt Nam; quy định việc công nhận tương đương đối với những người đã tốt nghiệp các trình độ đào tạo nghề nghiệp ở nước ngoài;
d) Quy định khối lượng kiến thức tối thiểu ở mỗi trình độ đào tạo; quy trình xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo các trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng; việc tổ chức biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình giáo dục nghề nghiệp;
đ) Quản lý và tổ chức thực hiện việc kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp;
e) Quản lý và tổ chức việc đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp, người dạy các chương trình đào tạo thường xuyên;
g) Quyết định thành lập, cho phép thành lập trường cao đẳng, công nhận hiệu trưởng trường cao đẳng tư thục theo thẩm quyền.
9. Lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng:
a) Hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
b) Phát triển thị trường lao động ngoài nước;
c) Xây dựng và hướng dẫn thực hiện kế hoạch đào tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài; quy định nội dung, chương trình và chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài;
d) Quyết định việc cấp, đổi, thu hồi giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật;
đ) Tổ chức, hướng dẫn việc đăng ký hợp đồng của doanh nghiệp và người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cá nhân; giám sát việc thực hiện hợp đồng của doanh nghiệp;
e) Phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức và chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
g) Quản lý Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước.
10. Lĩnh vực bảo hiểm xã hội:
a) Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội;
b) Hướng dẫn và tổ chức thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về bảo hiểm xã hội; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội;
c) Tổ chức tập huấn, đào tạo về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.
11. Lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động:
a) Hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; chế độ làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động; lập hồ sơ quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động;
b) Quy định việc bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trợ cấp tai nạn lao động; bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại;
c) Ban hành danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động trên cơ sở đề nghị của các Bộ liên quan theo quy định của pháp luật; chủ trì thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và hoạt động kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động;
d) Chủ trì ban hành danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động; danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động; chế độ trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động;
đ) Xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia; ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động thuộc thẩm quyền quản lý;
e) Ban hành quy trình kiểm định máy, thiết bị, vật tư và quản lý chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động thuộc phạm vi quản lý. Có ý kiến để các bộ, ngành khác ban hành quy trình kiểm định máy, thiết bị, vật tư và quản lý chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành đó theo quy định của pháp luật;
g) Quy định, hướng dẫn việc kiểm tra chất lượng các sản phẩm, hàng hóa đặc thù về an toàn lao động theo quy định của pháp luật;
h) Điều tra tai nạn lao động; tổ chức thực hiện và hướng dẫn thực hiện việc thu thập, lưu trữ, tổng hợp, cung cấp, công bố, đánh giá về tình hình tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng; xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu về an toàn lao động trong phạm vi cả nước;
i) Hướng dẫn, tổ chức triển khai Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động.
12. Lĩnh vực người có công:
a) Hướng dẫn và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về ưu đãi đối với người có công với cách mạng;
b) Quy định chế độ, định mức, phương thức trang cấp dụng cụ chỉnh hình và phương tiện trợ giúp cho người có công với cách mạng;
c) Quy định việc quản lý các công trình ghi công liệt sĩ;
d) Hướng dẫn công tác tiếp nhận, quy tập hài cốt liệt sĩ; thông tin về mộ liệt sĩ;
đ) Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức phong trào đền ơn đáp nghĩa, quản lý Quỹ đền ơn đáp nghĩa.
13. Lĩnh vực bảo trợ xã hội:
a) Hướng dẫn và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo và trợ giúp xã hội;
b) Tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chương trình, đề án trợ giúp xã hội theo thẩm quyền;
c) Quy định cụ thể điều kiện thành lập, tổ chức và hoạt động của cơ sở trợ giúp xã hội;
d) Quy định thủ tục nhận đối tượng vào các cơ sở trợ giúp xã hội và từ cơ sở trợ giúp xã hội về gia đình.
14. Lĩnh vực trẻ em:
a) Hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về trẻ em trong phạm vi quyền hạn, trách nhiệm của bộ;
b) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hướng dẫn xây dựng, thực hiện chiến lược, chính sách, mục tiêu quốc gia về trẻ em;
c) Điều phối việc thực hiện quyền trẻ em; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan, hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em và việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt;
d) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện Tháng hành động vì trẻ em, chương trình, kế hoạch về trẻ em thuộc phạm vi trách nhiệm của bộ;
đ) Xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người được giao làm công tác bảo vệ trẻ em, người chăm sóc trẻ em và mạng lưới cộng tác viên bảo vệ trẻ em thực hiện quyền trẻ em.
e) Quản lý, sử dụng Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.
15. Lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội:
a) Hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về chính sách, giải pháp phòng ngừa tệ nạn mại dâm; cai nghiện ma túy; quản lý sau cai nghiện;
b) Hướng dẫn tổ chức và hoạt động của cơ sở cai nghiện, cơ sở quản lý sau cai nghiện theo quy định của pháp luật;
c) Quy định chương trình giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách; giáo dục nghề nghiệp và tái hòa nhập cộng đồng đối với người nghiện ma túy;
d) Xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các chính sách hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; hướng dẫn việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ nạn nhân bị mua bán thuộc thẩm quyền;
đ) Chỉ đạo việc lồng ghép nội dung phòng, chống mua bán người vào các chương trình giảm nghèo, giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ tạo việc làm, phòng, chống tệ nạn xã hội, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em.
16. Lĩnh vực bình đẳng giới:
a) Hướng dẫn thực hiện về bình đẳng giới theo quy định của pháp luật;
b) Tham gia đánh giá việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật;
c) Tổng kết, báo cáo cơ quan có thẩm quyền về thực hiện bình đẳng giới theo quy định của pháp luật.
17. Hướng dẫn và tổ chức thực hiện công tác thống kê trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội theo quy định của pháp luật; xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin thống kê của bộ, ngành.
18. Quản lý các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
19. Quản lý các hoạt động chuyên môn y tế trong các đơn vị thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội có hoạt động y tế.
20. Về dịch vụ sự nghiệp công:
a) Quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công trong ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ;
b) Xây dựng và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật; quy định về đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung ứng dịch vụ sự nghiệp công; quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công; cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng dịch vụ sự nghiệp công, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực quản lý;
c) Hướng dẫn việc thực hiện chính sách, pháp luật và hỗ trợ cho các tổ chức thực hiện các hoạt động sự nghiệp dịch vụ công thuộc lĩnh vực quản lý.
21. Hướng dẫn và tổ chức thực hiện hợp tác quốc tế và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
22. Quyết định và chỉ đạo thực hiện chương trình cải cách hành chính của Bộ theo mục tiêu và nội dung chương trình cải cách hành chính nhà nước đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
23. Quản lý hội, tổ chức phi Chính phủ hoạt động trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội theo quy định của pháp luật.
24. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách khác đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của bộ theo quy định của pháp luật.
25. Nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
26. Thanh tra; kiểm tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
27. Quản lý tài chính, tài sản được giao và tổ chức thực hiện ngân sách nhà nước được phân bổ theo quy định của pháp luật.
28. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức
1. Vụ Bảo hiểm xã hội.
2. Vụ Bình đẳng giới.
3. Vụ Pháp chế.
4. Vụ Hợp tác quốc tế.
5. Vụ Tổ chức cán bộ.
6. Vụ Kế hoạch - Tài chính.
7. Thanh tra.
8. Văn phòng.
9. Cục Việc làm.
10. Cục Quan hệ lao động và Tiền lương.
11. Cục Quản lý Lao động ngoài nước.
12. Cục An toàn lao động.
13. Cục Người có công.
14. Cục Trẻ em.
15. Cục Bảo trợ xã hội.
16. Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội.
17. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.
18. Viện Khoa học Lao động và Xã hội.
19. Trung tâm Thông tin.
20. Tạp chí Lao động và Xã hội.
21. Tạp chí Gia đình và Trẻ em.
22. Báo Lao động và Xã hội.
23. Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức lao động - xã hội.
Các đơn vị quy định từ khoản 1 đến khoản 17 Điều này là các đơn vị hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước, các đơn vị quy định từ khoản 18 đến khoản 23 Điều này là các đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước của bộ.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Vụ, Cục, Thanh tra, Văn phòng, đơn vị sự nghiệp công lập và các đơn vị khác thuộc bộ theo quy định của pháp luật.
Vụ Tổ chức cán bộ có 03 phòng. Vụ Pháp chế, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Kế hoạch - Tài chính có 04 phòng. Thanh tra có 07 phòng. Văn phòng có 10 phòng.
Cục Quan hệ lao động và Tiền lương; Cục Bảo trợ xã hội; Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội có 05 phòng. Cục Việc làm; Cục An toàn lao động; Cục Trẻ em có 06 phòng. Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Cục Người có công có 07 phòng.
Điều 4. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành.
2. Nghị định này thay thế Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; bãi bỏ các quy định trước đây trái với Nghị định này.
Điều 5. Trách nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận: |
TM. CHÍNH PHỦ |