|
|
Số: 125/2015/NĐ-CP |
Hà Nội, ngày 04 tháng 12 năm 2015 |
NGHỊ ĐỊNH
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 21 tháng 11 năm 2014;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải,
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết về quản lý hoạt động bay.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định chi tiết về tổ chức, sử dụng vùng trời; cấp phép bay; phối hợp quản lý hoạt động bay dân dụng và quân sự; quản lý hoạt động bay tại cảng hàng không, sân bay và quản lý hoạt động bay đặc biệt tại Việt Nam.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến quản lý hoạt động bay tại Việt Nam.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Chương trình an toàn đường cất hạ cánh là các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối trong việc khai thác, sử dụng đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ để giảm số lượng và mức độ nghiêm trọng của các trường hợp xâm nhập đường cất hạ cánh, chệch ra khỏi đường cất hạ cánh, sử dụng nhầm đường cất hạ cánh và các sự cố khác trên bề mặt khu hoạt động bay.
2. Đài kiểm soát tại sân bay là cơ sở được thiết lập để kiểm soát hoạt động tại khu vực di chuyển của tàu bay tại sân bay và hoạt động bay trong vùng trời sân bay.
3. Đường bay phục vụ hoạt động hàng không chung là khu vực hoặc một phần của khu vực có giới hạn về độ cao, chiều rộng và được thiết lập dưới dạng hành lang mà tại đó được cung cấp đầy đủ hoặc một phần dịch vụ không lưu cho hoạt động bay hàng không chung, nằm ngoài khu vực bay phục vụ hoạt động hàng không chung.
4. Đường hàng không nội địa là đường hàng không nằm hoàn toàn trong vùng trời Việt Nam.
5. Đường hàng không quốc tế là đường hàng không nằm trong mạng lưới đường hàng không quốc tế của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, có ít nhất một điểm nằm ngoài vùng thông báo bay của Việt Nam và một điểm nằm trong vùng trời Việt Nam hoặc trong phần vùng thông báo bay trên biển quốc tế do Việt Nam quản lý.
6. Sân bay dự bị là sân bay mà một tàu bay có thể đến, hạ cánh khi không thể hoặc không nên đến, hạ cánh tại sân bay dự định hạ cánh, bao gồm:
a) Sân bay dự bị cất cánh là sân bay mà tại đó tàu bay có thể hạ cánh khi cần thiết ngay sau khi cất cánh và không thể sử dụng sân bay cất cánh;
b) Sân bay dự bị trên đường bay là sân bay mà tại đó tàu bay có thể hạ cánh sau khi gặp tình huống khẩn nguy hoặc bất thường trong quá trình bay đường dài;
c) Sân bay dự bị hạ cánh là sân bay mà tàu bay có thể đến khi không thể hoặc không nên hạ cánh tại sân bay dự định hạ cánh.
7. Sử dụng vùng trời linh hoạt là quá trình phối hợp giữa các cơ quan quản lý, điều hành bay dân dụng và quân sự trong quá trình quản lý vùng trời cấp chiến lược, quản lý vùng trời trước khi sử dụng và sử dụng vùng trời nhằm nâng cao khả năng thông qua của vùng trời và hiệu quả khai thác bay.
8. Trung tâm Quản lý điều hành bay quốc gia là cơ quan quản lý, điều hành bay trực thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân, có nhiệm vụ tổng hợp các hoạt động bay trong toàn quốc, tổ chức dự báo, thông báo, điều hành và quản lý các hoạt động bay; phối hợp hiệp đồng, thông báo, điều chỉnh các kế hoạch hoạt động bay trong vùng trời Việt Nam.
9. Trung tâm Quản lý điều hành bay khu vực là cơ quan quản lý, điều hành bay của Quân chủng Phòng không - Không quân, có nhiệm vụ tổng hợp các hoạt động bay, tổ chức dự báo, thông báo, điều hành và quản lý các hoạt động bay; phối hợp hiệp đồng, thông báo, điều chỉnh các kế hoạch hoạt động bay trong khu vực trách nhiệm.
10. Trung tâm kiểm soát đường dài là cơ sở được thiết lập nhằm thực hiện nhiệm vụ kiểm soát các chuyến bay có kiểm soát trong khu vực trách nhiệm.
11. Trung tâm quản lý luồng không lưu là cơ sở được thiết lập nhằm mục đích quản lý hoạt động bay hàng ngày trong khu vực trách nhiệm; phối hợp với cơ quan quản lý, điều hành bay liên quan bảo đảm an toàn, điều hòa và hiệu quả cho các hoạt động bay; điều chỉnh các hoạt động bay, đảm bảo luồng không lưu được an toàn, thông suốt bằng cách sử dụng tối đa năng lực điều hành bay phù hợp với lưu lượng bay trong từng khu vực cụ thể và năng lực điều hành bay đã được công bố.
12. Vùng trời cho hoạt động hàng không chung bao gồm khu vực bay, đường bay phục vụ hoạt động hàng không chung; đường hàng không và vùng trời sân bay.
13. Vùng trời không lưu là vùng trời có giới hạn xác định, được chỉ định theo thứ tự bảng chữ cái A, B, C, D, E, F và G, trong đó việc cung cấp dịch vụ không lưu và quy tắc bay được quy định cho từng loại chuyến bay cụ thể, bao gồm:
a) Vùng trời không lưu loại A là vùng trời chỉ cho phép thực hiện chuyến bay theo quy tắc bay bằng thiết bị (sau đây gọi chung là chuyến bay IFR); các chuyến bay được cung cấp dịch vụ điều hành bay và được điều hành phân cách với nhau;
b) Vùng trời không lưu loại B là vùng trời cho phép thực hiện chuyến bay IFR và chuyến bay theo quy tắc bay bằng mắt (sau đây gọi chung là chuyến bay VFR); các chuyến bay được cung cấp dịch vụ điều hành bay và được điều hành phân cách với nhau;
c) Vùng trời không lưu loại C là vùng trời cho phép thực hiện chuyến bay IFR và chuyến bay VFR; các chuyến bay được cung cấp dịch vụ điều hành bay; chuyến bay IFR được điều hành phân cách với chuyến bay IFR khác và chuyến bay VFR; chuyến bay VFR được điều hành phân cách với chuyến bay IFR và được thông báo về chuyến bay VFR khác;
d) Vùng trời không lưu loại D là vùng trời cho phép thực hiện chuyến bay IFR và chuyến bay VFR; các chuyến bay được cung cấp dịch vụ điều hành bay; chuyến bay IFR được điều hành phân cách với chuyến bay IFR khác và được thông báo về chuyến bay VFR; chuyến bay VFR được thông báo về các chuyến bay khác;
đ) Vùng trời không lưu loại E là vùng trời cho phép thực hiện chuyến bay IFR và chuyến bay VFR; chuyến bay IFR được cung cấp dịch vụ điều hành bay và được điều hành phân cách với chuyến bay IFR khác; các chuyến bay được thông báo về các chuyến bay khác theo điều kiện thực tế; vùng trời không lưu loại E không được sử dụng như là vùng trời có kiểm soát;
e) Vùng trời không lưu loại F là vùng trời cho phép thực hiện chuyến bay IFR và chuyến bay VFR; các chuyến bay IFR được cung cấp dịch vụ tư vấn không lưu; các chuyến bay được cung cấp dịch vụ thông báo bay nếu có yêu cầu;
g) Vùng trời không lưu loại G là vùng trời cho phép thực hiện chuyến bay IFR và chuyến bay VFR; các chuyến bay được cung cấp dịch vụ thông báo bay nếu có yêu cầu.
Chương II
TỔ CHỨC, SỬ DỤNG VÙNG TRỜI
Điều 4. Tổ chức vùng trời phục vụ hoạt động bay
1. Tổ chức vùng trời Việt Nam phục vụ cho hoạt động bay dân dụng bao gồm:
a) Vùng trời sân bay dân dụng, sân bay dùng chung;
b) Đường hàng không;
c) Khu vực bay, đường bay phục vụ hoạt động hàng không chung;
d) Khu vực xả nhiên liệu, thả hành lý, hàng hóa dành cho tàu bay dân dụng;
đ) Phần vùng thông báo bay trên biển quốc tế do Việt Nam quản lý;
e) Khu vực trách nhiệm quản lý, điều hành bay.
2. Tổ chức vùng trời phục vụ các hoạt động khác bao gồm:
a) Vùng trời sân bay quân sự, các không vực, đường bay hoạt động quân sự;
b) Khu vực cấm bay;
c) Khu vực hạn chế bay;
d) Khu vực nguy hiểm;
đ) Khu vực trách nhiệm sẵn sàng chiến đấu của các Sư đoàn không quân.
Điều 5. Đường hàng không
1. Đường hàng không bao gồm đường hàng không quốc tế, đường hàng không nội địa, được thiết lập trên cơ sở:
a) Nhu cầu giao lưu hàng không quốc tế;
b) Yêu cầu hoạt động bay nội địa;
c) Yêu cầu, khả năng cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay, bảo đảm an ninh, an toàn hàng không;
d) Yêu cầu, khả năng quản lý và bảo vệ vùng trời; bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia;
đ) Phù hợp với quy hoạch phát triển ngành hàng không dân dụng Việt Nam và kế hoạch không vận của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
2. Đường hàng không nội địa được ký hiệu bằng các chữ H, J, Q, T, V, Y, Z, W và đánh số thứ tự bằng chữ số Ả Rập.
3. Đường hàng không quốc tế được ký hiệu bằng các chữ A, B, G, L, M, N, P, R và đánh số thứ tự bằng chữ số Ả Rập.
Điều 6. Thiết lập, điều chỉnh, hủy bỏ, công bố đường hàng không
1. Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng xây dựng phương án thiết lập, hủy bỏ đường hàng không; đề xuất với Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) sửa đổi kế hoạch không vận khu vực đối với đường hàng không quốc tế.
2. Trên cơ sở phương án quy định tại Khoản 1 Điều này, Bộ Quốc phòng chủ trì trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thiết lập, hủy bỏ đường hàng không.
3. Bộ Giao thông vận tải xác định, điều chỉnh thông số chi tiết các đường hàng không đã được thiết lập trên cơ sở ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng.
4. Cục Hàng không Việt Nam công bố thông số chi tiết của các đường hàng không được thiết lập, điều chỉnh và việc hủy bỏ đường hàng không trong Tập thông báo tin tức hàng không (AIP) của Việt Nam.
Điều 7. Nguyên tắc sử dụng đường hàng không
1. Đường hàng không quốc tế được sử dụng cho chuyến bay quốc tế và chuyến bay nội địa. Đường hàng không nội địa được sử dụng cho chuyến bay nội địa.
2. Bộ Giao thông vận tải quyết định việc sử dụng thường xuyên đường hàng không nội địa cho các chuyến bay quốc tế khi có nhu cầu, sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng và thông báo ngay cho Bộ Công an.
3. Cơ quan cấp phép bay quy định tại các Khoản 1, 2, 3 Điều 14 của Nghị định này cho phép các chuyến bay quốc tế sử dụng đường hàng không nội địa trên cơ sở ý kiến thống nhất của Cục Tác chiến và Cục Hàng không Việt Nam.
Điều 8. Vùng trời sân bay
1. Vùng trời sân bay được xác định cho một hoặc nhiều sân bay; được thiết lập trên cơ sở các yếu tố sau đây:
a) Bảo đảm an toàn cho hoạt động bay ở trong và xung quanh khu vực sân bay;
b) Nhu cầu cất cánh, hạ cánh của các loại tàu bay khai thác;
c) Phương pháp, trang bị, thiết bị thông tin, dẫn đường, giám sát;
d) Phù hợp với đặc điểm của từng sân bay.
2. Giới hạn vùng trời sân bay được xác định tại Quy chế bay trong khu vực sân bay.
Điều 9. Thiết lập, điều chỉnh, hủy bỏ, công bố khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay
1. Bộ Quốc phòng thống nhất với Bộ Giao thông vận tải việc thiết lập, điều chỉnh, hủy bỏ khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay nhằm mục đích bảo đảm quốc phòng, an ninh, an toàn xã hội; trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
2. Trong trường hợp quyết định cấm bay hoặc hạn chế bay tạm thời, Bộ Tổng Tham mưu thông báo ngay cho Quân chủng Phòng không - Không quân, Cục Hàng không Việt Nam và Trung tâm quản lý luồng không lưu; các quyết định trên có hiệu lực ngay. Trung tâm quản lý luồng không lưu thông báo ngay cho các cơ quan, đơn vị có liên quan để phối hợp tổ chức triển khai thực hiện; Trung tâm Thông báo tin tức hàng không phát Điện văn thông báo hàng không (NOTAM) phù hợp về khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay đã được thiết lập, hủy bỏ.
3. Cục Hàng không Việt Nam thông báo cho Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), các cơ quan, đơn vị có liên quan và công bố trong Tập thông báo tin tức hàng không (AIP) của Việt Nam về khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay đã được thiết lập, điều chỉnh và hủy bỏ theo quy định tại Khoản 1 Điều này.
Điều 10. Xác định và công bố khu vực nguy hiểm
1. Cục Tác chiến xác định và thông báo cho Trung tâm quản lý luồng không lưu về khu vực nguy hiểm tối thiểu hai mươi bốn (24) giờ trước khi có hoạt động có khả năng gây nguy hiểm cho hoạt động bay. Trong trường hợp khẩn cấp xảy ra tác chiến phòng không, Trung tâm Quản lý điều hành bay quốc gia, các Trung tâm Quản lý điều hành bay khu vực phải thông báo ngay cho Trung tâm kiểm soát đường dài có liên quan và Trung tâm quản lý luồng không lưu; Trung tâm quản lý luồng không lưu thông báo ngay cho Trung tâm Thông báo tin tức hàng không để phát Điện văn thông báo hàng không (NOTAM) phù hợp về khu vực nguy hiểm.
2. Thông báo về khu vực nguy hiểm nêu tại Khoản 1 Điều này bao gồm các thông tin sau đây:
a) Hoạt động gây nguy hiểm;
b) Vị trí xác định theo hệ tọa độ WGS-84;
c) Giới hạn ngang, giới hạn cao;
d) Thời gian có hiệu lực của khu vực nguy hiểm;
đ) Cảnh báo đối với hoạt động bay;
e) Những thông tin phải bảo đảm bí mật an ninh quốc gia (nếu có);
g) Các điều kiện cần thiết khác để đảm bảo an toàn hoạt động bay.
3. Trung tâm quản lý luồng không lưu tiến hành các biện pháp đảm bảo an toàn bay và thông báo ngay cho Cục Hàng không Việt Nam, các cơ quan, đơn vị liên quan; Trung tâm Thông báo tin tức hàng không phát Điện văn thông báo hàng không (NOTAM) phù hợp về khu vực nguy hiểm đã được thiết lập quy định tại Khoản 1 Điều này.
Điều 11. Vùng trời cho hoạt động hàng không chung
1. Cục Tác chiến chủ trì trình Tổng tham mưu trưởng quyết định thiết lập khu vực bay, đường bay phục vụ hoạt động hàng không chung theo đề nghị của Cục Hàng không Việt Nam.
2. Trên cơ sở quyết định nêu tại Khoản 1 Điều này, Cục Hàng không Việt Nam công bố khu vực bay, đường bay phục vụ hoạt động hàng không chung; quản lý việc tổ chức điều hành và khai thác các hoạt động bay hàng không chung; phê duyệt phương án khai thác và quản lý hoạt động bay, phương thức bay, phương án khai thác khu vực bay phục vụ hoạt động hàng không chung; chỉ định cơ sở điều hành bay dân dụng thích hợp.
3. Mọi hoạt động bay trong khu vực bay, đường bay phục vụ hoạt động hàng không chung chịu sự chỉ huy, điều hành và chủ trì hiệp đồng của cơ sở điều hành bay dân dụng được chỉ định. Các Trung tâm quản lý điều hành bay khu vực có trách nhiệm thông báo, hiệp đồng về các hoạt động bay quân sự và các hoạt động của các tàu bay công vụ khác có ảnh hưởng đến vùng trời cho hoạt động hàng không chung tới cơ sở điều hành bay dân dụng được chỉ định. Các cơ quan trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý, điều hành bay có trách nhiệm tổ chức ký kết và thực hiện theo văn bản hiệp đồng bảo đảm an toàn bay.
4. Cục Hàng không Việt Nam chủ trì, phối hợp với Cục Tác chiến, Quân chủng Phòng không - Không quân xác định và công bố phương thức liên lạc chung đối với hoạt động bay trong vùng trời cho khu vực bay, đường bay phục vụ hoạt động hàng không chung.
Điều 12. Khu vực xả nhiên liệu, thả hành lý, hàng hóa hoặc các đồ vật khác từ tàu bay dân dụng
1. Khu vực xả nhiên liệu, thả hành lý, hàng hóa hoặc các đồ vật khác từ tàu bay dân dụng được thiết lập cho từng sân bay có hoạt động bay dân dụng, có giới hạn ngang, giới hạn cao.
2. Việc thiết lập khu vực xả nhiên liệu, thả hành lý, hàng hóa hoặc các đồ vật khác từ tàu bay dân dụng phải bảo đảm an toàn, vệ sinh, môi trường cho người, tài sản, công trình ở mặt đất.
3. Cục Hàng không Việt Nam chủ trì, phối hợp với Cục Tác chiến, cơ quan liên quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, người khai thác cảng hàng không, sân bay và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu liên quan xác định khu vực xả nhiên liệu, thả hành lý, hàng hóa hoặc các đồ vật khác từ tàu bay dân dụng; trình Bộ Giao thông vận tải quyết định.
4. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ định và giao nhiệm vụ cho cơ quan trực thuộc liên quan phối hợp với Cục Hàng không Việt Nam trong việc xác định khu vực xả nhiên liệu, thả hành lý, hàng hóa hoặc các đồ vật từ tàu bay dân dụng.
5. Cục Hàng không Việt Nam công bố khu vực xả nhiên liệu, thả hành lý, hàng hóa hoặc các đồ vật khác từ tàu bay dân dụng.
Điều 13. Khu vực trách nhiệm quản lý, điều hành bay
1. Khu vực trách nhiệm quản lý, điều hành bay là khu vực kiểm soát trên không, mặt đất, bao gồm khu vực kiểm soát mặt đất, khu vực kiểm soát tại sân bay, khu vực kiểm soát tiếp cận, khu vực kiểm soát đường dài và khu vực tư vấn không lưu.
2. Khu vực trách nhiệm quản lý, điều hành bay có giới hạn và được xác định trên cơ sở các yếu tố sau đây:
a) Bảo đảm cung cấp đầy đủ thông tin cho tàu bay hoạt động;
b) Kiểu loại và mật độ hoạt động bay;
c) Đặc điểm địa hình và điều kiện khí tượng khu vực;
d) Hoạt động của các đơn vị quản lý, điều hành bay dân dụng và quân sự.
3. Căn cứ vào dịch vụ không lưu và loại quy tắc bay, khu vực trách nhiệm kiểm soát trên không được phân loại theo vùng trời không lưu loại A, B, C, D, E, F, G.
4. Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam xác định phạm vi, giới hạn ngang, giới hạn cao và công bố trong Tập thông báo tin tức hàng không (AIP) của Việt Nam các khu vực trách nhiệm và phân loại khu vực trách nhiệm kiểm soát trên không sau khi có ý kiến thống nhất của Quân chủng Phòng không - Không quân; phân công khu vực trách nhiệm cho cơ sở điều hành bay dân dụng.
Chương III
CẤP PHÉP BAY
Điều 14. Thẩm quyền cấp, sửa đổi, hủy bỏ phép bay
1. Cục Lãnh sự cấp, sửa đổi, hủy bỏ phép bay quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 81 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam được sửa đổi, bổ sung theo Khoản 18 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.
2. Cục Tác chiến cấp, sửa đổi, hủy bỏ phép bay quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 81 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam được sửa đổi, bổ sung theo Khoản 18 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.
3. Cục Hàng không Việt Nam cấp, sửa đổi, hủy bỏ phép bay quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 81 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam được sửa đổi, bổ sung theo Khoản 18 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Trường hợp chuyến bay thực hiện một phần trong đường hàng không, hoạt động bay đặc biệt trong đường hàng không, Cục Hàng không Việt Nam cấp, sửa đổi, hủy bỏ phép bay sau khi có ý kiến thống nhất của Cục Tác chiến.
4. Vào ngày nghỉ, ngày lễ, ngoài giờ hành chính hoặc trong trường hợp cấp thiết, Cục Hàng không Việt Nam ủy quyền cho Trung tâm quản lý luồng không lưu cấp, sửa đổi, hủy bỏ phép bay cho các chuyến bay sau đây:
a) Chuyến bay chuyên chở thợ máy, động cơ, trang bị, thiết bị phục vụ, sửa chữa tàu bay hỏng hóc hoặc vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa, bưu gửi của tàu bay bị hỏng hóc;
b) Chuyến bay tìm kiếm, cứu nạn, cấp cứu, y tế, cứu hộ;
c) Chuyến bay nội địa chuyển sân; chuyến bay kiểm tra kỹ thuật;
d) Chuyến bay của tàu bay công vụ Việt Nam;
đ) Sửa đổi các nội dung sau đây của phép bay: Đường hàng không, điểm bay ra, bay vào vùng trời Việt Nam; thay đổi tàu bay vì lý do phi thương mại; thay đổi tàu bay vì lý do thương mại đối với chuyến bay nội địa; thay đổi sân bay cất cánh, hạ cánh ngoài lãnh thổ Việt Nam đối với các chuyến bay qua vùng trời Việt Nam.
Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm giám sát việc thực hiện cấp phép bay theo ủy quyền. Trung tâm quản lý luồng không lưu có trách nhiệm thông báo các nội dung phép bay được cấp, sửa đổi, hủy bỏ cho Trung tâm Quản lý điều hành bay quốc gia và các cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu liên quan ngay sau khi cấp, sửa đổi, hủy bỏ phép bay và trước giờ dự kiến thực hiện chuyến bay hoặc giờ vào vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý đối với các chuyến bay qua vùng trời Việt Nam.
5. Trường hợp cấp thiết để bảo đảm an toàn bay, kiểm soát viên không lưu đang trực tiếp điều hành chuyến bay có quyền cấp hiệu lệnh thay đổi kế hoạch bay cho tàu bay đang bay. Cơ sở trực tiếp điều hành chuyến bay có trách nhiệm thông báo ngay cho Trung tâm Quản lý điều hành bay khu vực có liên quan về việc cấp hiệu lệnh cho chuyến bay.
6. Các cơ quan cấp phép bay có trách nhiệm thông báo công khai đầu mối và địa chỉ cơ quan tiếp nhận đơn đề nghị cấp phép bay.
7. Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng quy định trình tự, thủ tục cấp, sửa đổi, hủy bỏ phép bay đối với các chuyến bay theo quy định tại Khoản 1, 2, 3 Điều này.
Điều 15. Đơn đề nghị cấp phép bay
1. Người khai thác tàu bay, người vận chuyển hoặc người được ủy quyền (sau đây gọi chung là người đề nghị cấp phép bay) gửi đơn đề nghị cấp phép bay đến cơ quan cấp phép bay quy định tại các Khoản 1, 2, 3 Điều 14 của Nghị định này.
2. Đơn đề nghị cấp phép bay trừ các chuyến bay nêu tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều này bao gồm các nội dung sau đây:
a) Tên, địa chỉ bưu điện, địa chỉ điện tín của người khai thác tàu bay, người vận chuyển;
b) Kiểu loại tàu bay, số hiệu chuyến bay, số hiệu đăng ký, quốc tịch tàu bay và trọng lượng cất cánh tối đa;
c) Hành trình bay;
d) Đường hàng không; điểm bay vào, bay ra vùng trời Việt Nam;
đ) Ngày thực hiện chuyến bay; thời gian dự kiến cất cánh, hạ cánh hoặc thời gian dự kiến bay qua điểm bay vào, bay ra vùng trời Việt Nam (thời gian được tính là hai mươi bốn (24) giờ trong ngày và là giờ quốc tế UTC);
e) Mục đích của chuyến bay;
g) Số lượng ghế và trọng tải cung ứng.
3. Đối với chuyến bay hoạt động hàng không chung, người đề nghị cấp phép bay phải nộp đơn đề nghị cấp phép bay bao gồm các nội dung quy định tại Điểm a, b, e và g của Khoản 2 Điều này và các nội dung sau đây:
a) Hành trình bay; khu vực bay phục vụ hoạt động hàng không chung; đường hàng không hoặc đường bay phục vụ hoạt động hàng không chung;
b) Thời gian thực hiện phép bay.
4. Đơn đề nghị cấp phép bay đối với phương tiện bay siêu nhẹ bao gồm các nội dung quy định tại Khoản 2 Điều này và các nội dung sau đây:
a) Sân bay cất cánh, hạ cánh hoặc vị trí của phương tiện bay siêu nhẹ (tọa độ WGS-84);
b) Thời gian hoạt động (giờ, ngày, tháng, năm);
c) Độ cao tối đa, độ cao tối thiểu;
d) Đường bay, hướng bay của phương tiện bay siêu nhẹ;
đ) Đặc điểm nhận dạng;
e) Trang bị, thiết bị thông tin liên lạc;
g) Những điểm lưu ý khác.
5. Người đề nghị cấp phép bay tự chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của các thông tin, tài liệu của chuyến bay.
Điều 16. Thời hạn nộp đơn đề nghị, thời hạn cấp, sửa đổi phép bay
1. Chậm nhất mười (10) ngày làm việc trước ngày dự kiến thực hiện phép bay đối với các chuyến bay thường lệ.
2. Chậm nhất bảy (07) ngày làm việc trước ngày dự kiến thực hiện phép bay đối với các trường hợp sau đây:
a) Chuyến bay thử nghiệm, biểu diễn, thao diễn, huấn luyện;
b) Chuyến bay phục vụ nghiên cứu khoa học, kinh tế quốc dân, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch;
c) Chuyến bay của tàu bay quân sự nước ngoài thực hiện hoạt động bay dân dụng tại Việt Nam.
3. Chậm nhất năm (05) ngày làm việc trước ngày dự kiến thực hiện phép bay trong các trường hợp sau đây:
a) Chuyến bay chuyên cơ nước ngoài chở khách mời của Đảng, Nhà nước và chuyến bay làm nhiệm vụ hộ tống hoặc tiền trạm cho các chuyến bay chuyên cơ đó; chuyến bay chuyên cơ khác của nước ngoài và các chuyến bay hộ tống hoặc tiền trạm cho chuyến bay chuyên cơ đó;
b) Chuyến bay quốc tế thuê chuyến, tăng chuyến đến và đi từ Việt Nam;
c) Chuyến bay của tàu bay công vụ nước ngoài không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này.
4. Chậm nhất ba (03) ngày làm việc trước ngày dự kiến thực hiện phép bay đối với các trường hợp sau đây:
a) Chuyến bay không thường lệ qua vùng trời Việt Nam hoặc hạ cánh kỹ thuật tại Việt Nam;
b) Chuyến bay được thực hiện theo quyết định của Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam;
c) Chuyến bay được thực hiện theo hợp đồng thuê, mua, bán tàu bay;
d) Chuyến bay chuyển sân bay quốc tế;
đ) Chuyến bay phục vụ nhu cầu riêng của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
5. Chậm nhất hai mươi bốn (24) giờ trước giờ dự kiến thực hiện phép bay đối với chuyến bay quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều 14 của Nghị định này; chuyến bay vì mục đích nhân đạo; chuyến bay hoạt động hàng không chung khác.
6. Không áp dụng thời hạn trong các trường hợp sau đây:
a) Chuyến bay trong tình thế cấp thiết;
b) Chuyến bay quy định tại các Điểm a, b, d Khoản 4 Điều 14 của Nghị định này;
c) Sửa đổi phép bay quy định tại Điểm đ Khoản 4 Điều 14 của Nghị định này.
7. Thời hạn nộp đơn đề nghị cấp, sửa đổi phép bay đối với chuyến bay chuyên cơ, chuyến bay hộ tống, tiền trạm, thực hiện theo quy định về bảo đảm chuyên cơ.
8. Cơ quan cấp phép bay có trách nhiệm xem xét, thông báo phép bay hoặc trả lời không đồng ý cấp phép cho người nộp đơn đề nghị trong thời hạn sau đây:
a) Bảy (07) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn đề nghị đối với các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này;
b) Năm (05) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn đề nghị đối với các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này;
c) Ba (03) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn đề nghị đối với các trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều này;
d) Hai (02) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn đề nghị đối với các trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều này;
đ) Mười hai (12) giờ, kể từ thời điểm nhận đơn đề nghị đối với trường hợp quy định tại Khoản 5 Điều này;
e) Cơ quan cấp phép bay, kiểm soát viên không lưu có trách nhiệm trả lời, cấp huấn lệnh thay đổi kế hoạch bay ngay cho người nộp đơn đề nghị đối với trường hợp quy định tại Khoản 6 Điều này.
9. Trong trường hợp đơn đề nghị cấp, sửa đổi phép bay được nộp không đúng thời hạn, cơ quan cấp phép bay xem xét các yếu tố về lý do gửi đơn chậm, tính chất, sự cần thiết của chuyến bay và các vấn đề liên quan khác để quyết định cấp hoặc từ chối cấp phép bay.
10. Cơ quan cấp phép bay phải đảm bảo các điều kiện, hạn chế khai thác của vùng trời sân bay, đường hàng không, phương thức bay và các điều kiện để bảo đảm an toàn hoạt động bay được quy định tại Quy chế không lưu hàng không dân dụng, Quy chế bay trong khu vực sân bay và các chính sách được công bố trong Tập thông báo tin tức hàng không (AIP) của Việt Nam khi cấp phép bay.
11. Cục Hàng không Việt Nam hướng dẫn, đánh giá việc tuân thủ các tiêu chuẩn về bảo đảm an toàn hàng không, an ninh hàng không đối với hãng hàng không trước khi cấp phép bay cho chuyến bay vận chuyển hàng không đến và đi từ Việt Nam. Trong trường hợp có cơ sở về việc nhà chức trách hàng không nước ngoài không đảm bảo việc giám sát an toàn đối với hoạt động khai thác tàu bay của hãng hàng không liên quan theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO), Cục Hàng không Việt Nam tổ chức đánh giá năng lực giám sát an toàn hàng không của nhà chức trách hàng không đó. Người đề nghị cấp phép bay phải nộp kèm theo đơn đề nghị cấp phép bay các tài liệu cần thiết theo yêu cầu của Cục Hàng không Việt Nam phục vụ cho việc đánh giá.
Điều 17. Nội dung phép bay
1. Nội dung phép bay, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này bao gồm:
a) Tên, địa chỉ của người được cấp phép bay; tên, địa chỉ của người khai thác tàu bay;
b) Số phép bay được cấp;
c) Kiểu loại tàu bay, số hiệu chuyến bay, số hiệu đăng ký và quốc tịch của tàu bay;
d) Hành trình bay;
đ) Đường hàng không; điểm bay vào, bay ra vùng trời Việt Nam;
e) Thời gian dự kiến cất, hạ cánh hoặc thời gian dự kiến bay qua các điểm bay ra, bay vào vùng trời Việt Nam (thời gian được tính là hai mươi bốn (24) giờ trong ngày và là giờ quốc tế UTC);
g) Mục đích của chuyến bay;
h) Giá trị thời gian thực hiện của phép bay;
i) Chỉ định cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay (nếu cần thiết);
k) Các quy định khác của phép bay.
2. Phép bay đối với chuyến bay hoạt động hàng không chung bao gồm các nội dung quy định tại các Điểm a, b, c, d, g, h và i Khoản 1 Điều này và các nội dung sau đây:
a) Khu vực bay phục vụ hoạt động hàng không chung; đường hàng không hoặc đường bay phục vụ hoạt động hàng không chung;
b) Trang bị, thiết bị thông tin liên lạc.
3. Phép bay đối với phương tiện bay siêu nhẹ bao gồm các nội dung quy định tại các Điểm a, b, c, g, h và i Khoản 1 Điều này và các nội dung sau đây:
a) Sân bay cất cánh, hạ cánh hoặc vị trí của phương tiện bay siêu nhẹ (tọa độ WGS-84);
b) Thời gian hoạt động (giờ, ngày, tháng, năm);
c) Độ cao tối đa, độ cao tối thiểu;
d) Đường bay, hướng bay của phương tiện bay siêu nhẹ;
đ) Đặc điểm nhận dạng;
e) Trang bị, thiết bị thông tin liên lạc;
g) Những điểm lưu ý khác.
Điều 18. Hiệu lực của phép bay
1. Thời gian thực hiện của từng chuyến bay được xác định theo nội dung phép bay đã cấp.
2. Phép bay cho chuyến bay cất, hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam có giá trị hiệu lực từ mười hai (12) giờ trước giờ dự kiến ghi trong phép bay đến hai mươi bốn (24) giờ sau giờ dự kiến cất, hạ cánh ghi trong phép bay.
3. Phép bay cho chuyến bay qua vùng trời Việt Nam có giá trị hiệu lực trong phạm vi thời gian từ ba (03) giờ trước giờ dự kiến ghi trong phép bay đến bảy mươi hai (72) giờ sau giờ dự kiến ghi trong phép bay.
4. Giá trị hiệu lực của phép bay bao gồm cả phép bay cho chuyến bay từ sân bay dự bị đi sân bay đến hoặc sân bay khởi hành.
Điều 19. Sửa đổi, hủy bỏ phép bay
1. Cơ quan cấp phép bay có thể hủy bỏ phép bay vì lý do sau đây:
a) An ninh, quốc phòng;
b) An toàn, an ninh của chuyến bay;
c) Trật tự và lợi ích công cộng;
d) Bảo vệ lợi ích của Nhà nước;
đ) Theo quy định của các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
e) Người đề nghị cấp phép bay cung cấp thông tin không trung thực, thực hiện phép bay không đúng theo nội dung phép bay, không thanh toán đầy đủ các loại giá, phí điều hành bay vào hoặc bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý và các loại phí khác theo quy định hoặc có những hành vi lừa dối khác.
2. Khi muốn thay đổi nội dung phép bay đã được cấp, người đề nghị cấp phép bay nộp đơn đề nghị sửa đổi phép bay đến cơ quan cấp phép bay và chỉ được thực hiện chuyến bay sau khi có được xác nhận của cơ quan cấp phép bay. Đơn đề nghị sửa đổi phép bay bao gồm các nội dung sau đây:
a) Tên, địa chỉ bưu điện, địa chỉ điện tín của người khai thác tàu bay, người vận chuyển;
b) Số phép bay đã cấp và ngày cấp phép bay;
c) Chi tiết đề nghị sửa đổi phép bay đã cấp.
3. Người đề nghị cấp phép bay phải thông báo cho cơ quan cấp phép bay trước thời hạn dự kiến thực hiện chuyến bay trong trường hợp hủy chuyến bay đã được cấp phép.
Điều 20. Gửi phép bay
1. Các cơ quan cấp phép bay có trách nhiệm gửi ngay phép bay đã cấp, sửa đổi hoặc hủy bỏ cho người đề nghị cấp phép bay.
2. Cục Tác chiến, Cục Lãnh sự có trách nhiệm gửi ngay phép bay đã cấp, sửa đổi hoặc hủy bỏ cho Trung tâm Quản lý điều hành bay quốc gia, Cục Hàng không Việt Nam và Trung tâm quản lý luồng không lưu.
3. Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm gửi ngay phép bay đã cấp, sửa đổi hoặc hủy bỏ cho Trung tâm Quản lý điều hành bay quốc gia và Trung tâm quản lý luồng không lưu.
Điều 21. Thủ tục nhận thông báo bay đối với chuyến bay qua, bay trong phần vùng thông báo bay trên biển quốc tế do Việt Nam quản lý
1. Người khai thác tàu bay, người vận chuyển hoặc người được ủy quyền đối với chuyến bay qua, bay trong phần vùng thông báo bay trên biển quốc tế do Việt Nam quản lý (sau đây gọi là người gửi thông báo bay), gửi thông báo bay cho Trung tâm quản lý luồng không lưu trong thời hạn sau đây:
a) Hai mươi (20) ngày trước ngày dự kiến thực hiện chuyến bay đối với chuyến bay thường lệ;
b) Một (01) giờ trước giờ dự kiến thực hiện chuyến bay đối với chuyến bay không thường lệ.
2. Thông báo bay bao gồm các nội dung sau đây:
a) Tên, địa chỉ bưu điện, địa chỉ điện tín của người khai thác tàu bay, người vận chuyển;
b) Kiểu loại tàu bay, số hiệu chuyến bay, số hiệu đăng ký, quốc tịch tàu bay và trọng lượng cất cánh tối đa;
c) Hành trình bay hoặc khu vực bay;
d) Đường hàng không; điểm bay vào, bay ra vùng thông báo bay;
đ) Ngày thực hiện chuyến bay; thời gian dự kiến bay qua điểm bay vào, bay ra vùng thông báo bay (thời gian được tính là hai mươi bốn (24) giờ trong ngày và là giờ quốc tế UTC);
e) Mục đích của chuyến bay.
3. Đối với hoạt động bay trong phần vùng thông báo bay trên biển quốc tế do Việt Nam quản lý, người gửi thông báo bay phải nộp sơ đồ bay kèm theo thông báo bay quy định tại Khoản 2 Điều này.
4. Thông báo bay đối với phương tiện bay siêu nhẹ bao gồm các nội dung quy định tại Khoản 2 Điều này và các nội dung sau đây:
a) Vị trí phương tiện bay siêu nhẹ tọa độ WGS-84;
b) Thời gian hoạt động (giờ, ngày, tháng, năm);
c) Độ cao tối đa;
d) Đường bay, hướng bay của phương tiện bay siêu nhẹ;
đ) Đặc điểm nhận dạng;
e) Trang bị, thiết bị thông tin liên lạc;
g) Những điểm lưu ý khác.
5. Người gửi thông báo bay tự chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của các thông tin, tài liệu của chuyến bay.
6. Trung tâm quản lý luồng không lưu có trách nhiệm xem xét và thông báo việc chấp thuận thông báo bay cho người gửi thông báo bay.
Điều 22. Lập và thực hiện kế hoạch hoạt động bay
1. Trung tâm quản lý luồng không lưu lập kế hoạch hoạt động bay dân dụng theo mùa, theo ngày và gửi cho Trung tâm Quản lý điều hành bay quốc gia, Cục Hàng không Việt Nam.
2. Trung tâm Quản lý điều hành bay quốc gia tổng hợp kế hoạch hoạt động bay theo ngày chung trong cả nước và triển khai đến các đơn vị quản lý vùng trời, quản lý bay thuộc Bộ Quốc phòng; thực hiện quản lý, điều hành kế hoạch hoạt động bay chung trong cả nước; gửi kế hoạch hoạt động bay quân sự liên quan đến hoạt động bay dân dụng cho Trung tâm quản lý luồng không lưu.
3. Trung tâm quản lý luồng không lưu có trách nhiệm tổng hợp kế hoạch hoạt động bay dân dụng, kế hoạch hoạt động bay quân sự liên quan và gửi cho Cảng vụ hàng không, cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu và người khai thác cảng hàng không, sân bay liên quan.
4. Người khai thác cảng hàng không, sân bay có trách nhiệm triển khai kế hoạch hoạt động bay đến các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ liên quan tại cảng hàng không, sân bay.
Chương IV
PHỐI HỢP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG BAY DÂN DỤNG VÀ QUÂN SỰ
Điều 23. Tổ chức vùng trời, xây dựng phương thức bay phục vụ hoạt động bay quân sự ảnh hưởng đến hoạt động bay dân dụng
Việc tổ chức vùng trời, xây dựng phương thức bay phục vụ cho hoạt động quân sự ảnh hưởng đến hoạt động bay dân dụng phải bảo đảm hiệu quả việc sử dụng vùng trời, an toàn và sử dụng tối ưu, hệ thống thiết bị bảo đảm hoạt động bay; có tính tới sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh quốc phòng; trên cơ sở thống nhất giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông vận tải.
Điều 24. Phối hợp điều hành chuyến bay
1. Cơ sở điều hành bay dân dụng điều hành chuyến bay thực hiện hoạt động hàng không dân dụng, chuyến bay khác do cơ quan cấp phép bay ủy nhiệm bằng văn bản. Đơn vị thuộc hệ thống quản lý, điều hành bay quân sự điều hành chuyến bay thực hiện hoạt động bay quân sự.
2. Cơ quan cấp phép bay ủy nhiệm điều hành chuyến bay cho cơ sở điều hành bay dân dụng hoặc đơn vị quản lý, điều hành bay quân sự trên cơ sở năng lực điều hành của cơ sở hoặc đơn vị đó.
3. Khi có hoạt động bay hỗn hợp dân dụng và quân sự trong vùng trời sân bay, việc chỉ huy điều hành được thực hiện từ một đài kiểm soát tại sân bay để phối hợp kiểm soát đối với hoạt động bay dân dụng và công tác chỉ huy đối với hoạt động bay quân sự tại khu vực sân bay.
4. Khi có hoạt động bay hỗn hợp dân dụng và quân sự trong khu vực bay, đường bay phục vụ hoạt động hàng không chung, việc chỉ huy điều hành được thực hiện trên cơ sở phối hợp điều hành bay đối với hoạt động bay dân dụng và công tác chỉ huy, điều hành bay đối với hoạt động bay quân sự.
5. Khi huấn luyện bay trong vùng trời sân bay, cơ sở huấn luyện phải bố trí người có năng lực chuyên môn phù hợp tại đài kiểm soát tại sân bay để hỗ trợ công tác huấn luyện.
6. Việc điều hành tàu bay quân sự hoạt động trong đường hàng không, vùng trời sân bay phải trên cơ sở hiệp đồng giữa cơ sở điều hành bay dân dụng với đơn vị quản lý, điều hành bay quân sự.
7. Việc chủ trì hiệp đồng điều hành hoạt động bay thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:
a) Kiểm soát viên không lưu chủ trì hiệp đồng đối với hoạt động bay trong đường hàng không; khu vực bay, đường bay phục vụ hoạt động hàng không chung;
b) Chỉ huy bay quân sự chủ trì hiệp đồng đối với hoạt động bay ngoài khu vực quy định tại Điểm a Khoản này;
c) Đối với hoạt động bay trong vùng trời sân bay, thực hiện theo Quy chế bay trong khu vực sân bay.
8.Trung tâm quản lý luồng không lưu có trách nhiệm thu thập, tổng hợp các thông tin liên quan đến các hoạt động bay thuộc phạm vi trách nhiệm trong phần vùng thông báo bay trên biển quốc tế do Việt Nam quản lý và thông báo cho Trung tâm Quản lý điều hành bay quốc gia.
9. Việc điều hành chuyến bay thực hiện hoạt động bay đặc biệt tuân thủ quy định của Điều này.
Điều 25. Phân cách bay giữa tàu bay quân sự và tàu bay dân dụng
Phân cách bay giữa tàu bay quân sự và tàu bay dân dụng thực hiện theo Quy chế không lưu hàng không dân dụng hoặc Quy tắc bay của Bộ Quốc phòng, chọn tiêu chuẩn nào an toàn hơn. Người chủ trì hiệp đồng quy định tại Khoản 7 Điều 24 của Nghị định này có trách nhiệm lựa chọn tiêu chuẩn phân cách giữa tàu bay quân sự và tàu bay dân dụng.
Điều 26. Phối hợp sử dụng vùng trời và quản lý, điều hành bay; sử dụng tần số thuộc nghiệp vụ hàng không dân dụng
1. Việc phối hợp sử dụng vùng trời và quản lý, điều hành bay thực hiện trên cơ sở sử dụng vùng trời linh hoạt giữa các hoạt động bay hàng không dân dụng và hoạt động bay quân sự.
2. Cục Hàng không Việt Nam phối hợp với Cục Tác chiến giao nhiệm vụ sử dụng hỗn hợp hệ thống thông tin, dẫn đường, giám sát, khí tượng hàng không, thông báo tin tức hàng không cho đơn vị quản lý, điều hành bay dân dụng và đơn vị quân đội liên quan.
3. Quân chủng Phòng không - Không quân và Cục Hàng không Việt Nam thống nhất sử dụng tần số thuộc nghiệp vụ hàng không dân dụng.
Chương V
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG BAY TẠI CẢNG HÀNG KHÔNG, SÂN BAY
Điều 27. Quy chế bay trong khu vực sân bay
1. Quy chế bay trong khu vực sân bay bao gồm các nội dung sau đây:
a) Nguyên tắc chung;
b) Thuyết minh sân bay;
c) Khu vực sân bay;
d) Bảo đảm phương tiện thông tin, kỹ thuật vô tuyến và chiếu sáng;
đ) Bảo đảm khí tượng và thông báo hoạt động của chim;
e) Quản lý, điều hành bay;
g) Thực hành bay;
h) Quy tắc phục hồi định hướng trong khu vực sân bay;
i) Công tác tìm kiếm, cứu nạn và khẩn nguy sân bay;
k) Các phụ lục liên quan.
2. Thẩm quyền ban hành Quy chế bay trong khu vực sân bay:
a) Quy chế bay trong khu vực sân bay dân dụng của cảng hàng không nội địa do Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam ban hành sau khi có ý kiến thống nhất của Cục Tác chiến, Quân chủng Phòng không - Không quân;
b) Quy chế bay trong khu vực sân bay dân dụng của cảng hàng không quốc tế do Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam ban hành sau khi có ý kiến thống nhất của Cục Tác chiến, Quân chủng Phòng không - Không quân;
c) Quy chế bay trong khu vực sân bay dùng chung của cảng hàng không nội địa do Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam ban hành sau khi có ý kiến thống nhất của Cục Tác chiến, Quân chủng Phòng không - Không quân; trừ trường hợp quy định tại Điểm d Khoản này;
d) Quy chế bay trong khu vực sân bay dùng chung của cảng hàng không nội địa do Quân chủng Phòng không - Không quân chủ trì quản lý, có hoạt động bay huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu thường xuyên do Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân ban hành sau khi có ý kiến thống nhất của Cục Tác chiến, Cục Hàng không Việt Nam;
đ) Quy chế bay trong khu vực sân bay dùng chung của cảng hàng không quốc tế do Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam ban hành sau khi có ý kiến thống nhất của Cục Tác chiến, Quân chủng Phòng không - Không quân;
e) Quy chế bay trong khu vực sân bay quân sự do Sư đoàn trưởng Sư đoàn không quân hoặc Hiệu trưởng Trường Sỹ quan không quân biên soạn, trình Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân ban hành sau khi có ý kiến của Cục Hàng không Việt Nam.
Điều 28. Phương thức bay tại sân bay
1. Phương thức bay tại sân bay bao gồm các phương thức khởi hành, đến, tiếp cận, bay chờ.
2. Việc xây dựng phương thức bay tại sân bay phải được tiến hành trên cơ sở các yếu tố sau đây:
a) Kết cấu hạ tầng của sân bay, ranh giới khu vực trách nhiệm quản lý, điều hành bay;
b) Phương pháp, trang bị, thiết bị dẫn đường và giám sát hàng không;
c) Địa hình sân bay, chướng ngại vật khu vực sân bay;
d) Mật độ hoạt động của tàu bay;
đ) Khu vực cấm bay, khu vực nguy hiểm, khu chờ tác chiến phòng không, khu vực hoạt động bay quân sự.
3. Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam quyết định phương thức bay cho hoạt động bay dân dụng tại sân bay dân dụng và thông báo cho Quân chủng Phòng không - Không quân; quyết định phương thức bay cho hoạt động bay dân dụng tại sân bay dùng chung sau khi có ý kiến thống nhất của Quân chủng Phòng không - Không quân.
4. Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân quyết định phương thức bay cho hoạt động bay quân sự tại sân bay dùng chung sau khi có ý kiến thống nhất của Cục Hàng không Việt Nam.
Điều 29. Sử dụng sân bay dự bị
1. Sân bay dự bị phải bảo đảm các điều kiện tối thiểu về đường cất hạ cánh, đường lăn, vị trí đỗ, hệ thống kỹ thuật, trang bị, thiết bị, dịch vụ bảo đảm hoạt động bay và các dịch vụ cần thiết khác.
2. Trên cơ sở năng lực của cảng hàng không, sân bay, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam quyết định danh mục sân bay dự bị phục vụ cho hoạt động bay dân dụng sau khi có ý kiến thống nhất của Cục Tác chiến.
3. Cục Hàng không Việt Nam công bố sân bay dự bị và các điều kiện cho các chuyến bay quốc tế trong Tập thông báo tin tức hàng không (AIP) của Việt Nam; sân bay dự bị cho các chuyến bay nội địa trong Quy chế bay trong khu vực sân bay. Người khai thác tàu bay lựa chọn sân bay dự bị theo danh mục sân bay và các điều kiện đã được công bố.
Điều 30. Chương trình an toàn đường cất hạ cánh
1. Cục Hàng không Việt Nam chủ trì lập kế hoạch và triển khai thực hiện các nội dung nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu sự cố, tai nạn; đảm bảo an toàn và hiệu quả khai thác đường cất hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay.
2. Trên cơ sở Chương trình an toàn đường cất hạ cánh do Bộ Giao thông vận tải ban hành, Cục Hàng không Việt Nam chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị tại cảng hàng không, sân bay xây dựng và thực hiện Chương trình an toàn đường cất hạ cánh tại từng cảng hàng không, sân bay.
Điều 31. Khai thác hoạt động bay tại cảng hàng không, sân bay
1. Người lái tàu bay có trách nhiệm tuân thủ các quy định về hoạt động bay trong quá trình cất cánh, hạ cánh và lăn trên khu bay.
2. Tổ chức, cá nhân liên quan đến khai thác hoạt động bay tại cảng hàng không, sân bay phải tuân thủ quy trình vận hành, khai thác hoạt động bay dân dụng trong khu vực sân đỗ, đường lăn, đường cất hạ cánh và vùng trời sân bay.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 32. Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải
1. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý hoạt động bay liên quan đến các nội dung sau đây:
a) Không lưu hàng không dân dụng;
b) Thông báo tin tức hàng không;
c) Thông tin, dẫn đường, giám sát hàng không dân dụng;
d) Khí tượng hàng không dân dụng;
đ) Tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng;
e) Quản lý luồng không lưu;
g) Thông báo bay tại sân bay;
h) An toàn đường cất hạ cánh;
i) Phương thức bay hàng không dân dụng;
k) Bản đồ, sơ đồ hàng không;
l) Dẫn đường theo tính năng;
m) Đơn vị đo lường sử dụng trong hoạt động bay;
n) Phương thức liên lạc không - địa;
o) Yêu cầu về hệ thống quản lý không lưu; an ninh, an toàn hoạt động bay;
p) Kiểm tra, hiệu chuẩn hệ thống thiết bị thông tin, dẫn đường, giám sát và phương thức bay hàng không dân dụng;
q) Hoạt động bay trong khu vực bay phục vụ hoạt động hàng không chung;
r) Điều độ, khai thác bay và lập kế hoạch bay, lựa chọn sân bay dự bị đối với hoạt động bay dân dụng.
2. Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam hướng dẫn, chỉ đạo, ban hành chỉ thị, huấn lệnh chuyên môn nghiệp vụ liên quan đến quản lý hoạt động bay sau đây:
a) Phương thức không lưu hàng không dân dụng;
b) Tổ chức và phương thức khai thác cơ sở điều hành bay dân dụng;
c) Khai thác đường cất cánh, hạ cánh phụ thuộc hoặc độc lập;
d) Quản lý luồng không lưu;
đ) Tổ chức và quản lý khu vực trách nhiệm quản lý, điều hành bay;
e) Hệ thống thiết bị thông tin, dẫn đường, giám sát;
g) Hệ thống quản lý chất lượng, hệ thống thiết bị và phương thức thực hiện khí tượng hàng không;
h) Công tác thông báo tin tức hàng không, thông tin điện tử về địa hình, chướng ngại vật và bản đồ sân bay;
i) Phương thức đặt độ cao cho các hoạt động bay dân dụng;
k) Quy trình vận hành, khai thác hoạt động bay dân dụng tại sân bay;
l) Hệ thống quản lý an toàn hoạt động bay.
Điều 33. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về các nội dung sau:
1. Bảo vệ và quản lý vùng trời.
2. Dự báo, thông báo bay và kế hoạch hoạt động bay.
3. Giám sát hoạt động bay dân dụng.
4. Thiết lập khu vực bay, đường bay phục vụ hoạt động hàng không chung.
5. Quản lý hoạt động bay ngoài đường hàng không, hoạt động bay đặc biệt.
6. Cung cấp tin tức hoạt động bay.
Điều 34. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26 tháng 01 năm 2016.
2. Nghị định này thay thế Nghị định số 94/2007/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về quản lý hoạt động bay.
Điều 35. Tổ chức thực hiện
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận: |
TM. CHÍNH PHỦ |