ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1320/KH-UBND |
Lai Châu, ngày 29 tháng 8 năm 2018 |
KẾ HOẠCH
TUYÊN TRUYỀN, VẬN ĐỘNG, PHÒNG NGỪA VÀ PHÁ NHỔ CÂY THUỐC PHIỆN NIÊN VỤ 2018 - 2019 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LAI CHÂU
Thực hiện Đề án đảm bảo ANTT trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016 - 2020 và ý kiến của Lãnh đạo UBND tỉnh về tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác xóa bỏ cây thuốc phiện trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Lai Châu xây dựng Kế hoạch triển khai công tác tuyên truyền, vận động, phòng ngừa, phá nhổ cây thuốc phiện niên vụ 2018 - 2019 trên địa bàn tỉnh Lai Châu với những nội dung
công tác sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, hiệu lực quản lý, điều hành của cơ quan chính quyền các cấp; vai trò nòng cốt của các lực lượng chuyên trách, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tạo bước chuyển biến tích cực trong phòng ngừa, ngăn chặn hành vi trồng, tái trồng cây thuốc phiện.
2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân không trồng, tái trồng cây thuốc phiện; nắm chắc tình hình địa bàn, kịp thời phát hiện ngăn chặn tình trạng trồng cây thuốc phiện ngay từ đầu mùa vụ.
3. Tiến hành rà soát xác định các địa bàn, khu vực có khả năng trồng cây thuốc phiện, phá nhổ toàn bộ diện tích trồng cây thuốc phiện; xử lý nghiêm minh các đối tượng cố tình vi phạm tái trồng cây thuốc phiện trên địa bàn, không để phát sinh ra các địa bàn khác.
II. NỘI DUNG CÔNG TÁC TRỌNG TÂM
1. Tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục thực hiện nghiêm túc Kết luận số 95/KL-TW của Ban Bí thư và Kế hoạch số 95-KH/TU, ngày 05/5/2014 của Tỉnh ủy Lai Châu về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới” và Đề án đảm bảo ANTT trên địa bàn tỉnh Lai Châu của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
- Tham mưu Chính quyền triển khai có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tập trung vốn đầu tư, tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, làm tốt công tác chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ổn định sản xuất tại các địa bàn phức tạp về trồng cây thuốc phiện.
2. Tổ chức điều tra, nắm tình hình các khu vực thường xuyên trồng cây thuốc phiện trên địa bàn. Tập trung rà soát, lập danh sách những người có nguy cơ tiềm ẩn trồng cây có chứa chất ma túy để theo dõi, quản lý và tập trung tuyên truyền, giáo dục.
- Thường xuyên rà soát, quản lý người nghiện trên địa bàn. Lập hồ sơ, đưa người nghiện vào cai nghiện tại cơ sở bắt buộc cùng với đó là duy trì, mở rộng mô hình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone giảm nhu cầu sử dụng ma túy trên địa bàn.
3. Triển khai lực lượng tăng cường xuống cơ sở, phối hợp với chính quyền các cấp và các ban ngành làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục về tác hại, hậu quả của ma túy; chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước về xóa bỏ cây thuốc phiện, đặc biệt là hình thức xử lý của pháp luật đối với hành vi trồng cây thuốc phiện (theo Điều 247, Bộ Luật hình sự 2015) nhằm nâng cao nhận thức cho Nhân dân.
- Các cơ quan truyền thông, báo, đài chú trọng xây dựng tin bài tuyên truyền phòng chống ma túy nói chung và không trồng cây thuốc phiện nói riêng nhằm nâng cao nhận thức cho quần chúng Nhân dân.
- Đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc; củng cố, kiện toàn nâng cao năng lực cho lực lượng Công an xã, thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp củng cố hệ thống chính trị tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về trồng cây thuốc phiện. Tổ chức các buổi họp bản, tranh thủ, phát huy tốt vai trò của trưởng dòng họ, người uy tín trong công tác vận động, tuyên truyền người dân không trồng cây thuốc phiện.
4. Triển khai các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh với các đối tượng buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy trái phép trên địa bàn. Xóa các điểm, tụ điểm bán lẻ, tổ chức sử dụng trái phép các chất ma túy. Nâng cao tỷ lệ phát hiện, bắt giữ tội phạm về ma túy, nhất là các hành vi về trồng cây thuốc phiện, kiên quyết xử lý nghiêm minh, không để lọt tội phạm.
- Các cơ quan tố tụng tổ chức xét xử lưu động một số vụ án ma túy, vụ án trồng cây thuốc phiện nhằm nâng cao hiệu quả răn đe, giáo dục. Đối với các vụ xử lý hành chính, tổ chức đưa ra kiểm điểm trước dân nhằm phát huy tác dụng răn đe, phòng ngừa tội phạm.
5. Thành lập đoàn công tác gồm lực lượng Công an, các ban ngành chức năng, chính quyền địa phương và quần chúng Nhân dân tiến hành phá nhổ triệt để diện tích trồng cây thuốc phiện đã phát hiện, không để các đối tượng thu hoạch.
III. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM
1. Công an tỉnh
- Chủ trì thực hiện, phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng triển khai có hiệu quả kế hoạch. Tập trung lực lượng tấn công truy quét tội phạm ma túy, xóa các điểm phức tạp về tổ chức sử dụng trái phép các chất ma túy, nâng cao tỷ lệ phát hiện, bắt giữ tội phạm về ma túy.
- Chỉ đạo Công an huyện, thành phố: (1) Báo cáo và tham mưu cho Ban Chỉ đạo PCTP các huyện, thành phố chỉ đạo, huy động các ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở cùng phối hợp thực hiện có hiệu quả kế hoạch này. (2) Chủ trì triển khai thực hiện kế hoạch, phân công CBCS cắm tại các thôn, bản.(3) Công an các huyện, thành phố trao đổi thông tin, làm tốt công tác quản lý, nắm tình hình khu vực giáp ranh.(4) Tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch báo cáo Ban giám đốc Công an tỉnh, Thường trực Huyện ủy, Thành ủy, UBND và Ban Chỉ đạo các huyện, thành phố.
- Tăng cường cán bộ, chiến sỹ của Công an tỉnh xuống hỗ trợ Công an huyện Mường Tè thực hiện có hiệu quả kế hoạch (Công an tỉnh tăng cường cho huyện 15 chiến sỹ nghĩa vụ là người dân tộc Mông của phòng Cảnh sát cơ động).
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì triển khai các giải pháp để thực hiện có hiệu quả công tác xóa bỏ và thay thế cây có chứa chất ma túy; làm tốt công tác chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ổn định sản xuất cho đồng bào các dân tộc. Ưu tiên phát triển các loại cây trồng vật nuôi phù hợp với sinh thái địa phương, nhất là các loại cây, con đặc sản của địa phương kết hợp đảm bảo thị trường tiêu thụ cho người dân tạo động lực thúc đẩy người dân tự giác từ bỏ việc trồng cây chứa chất ma túy.
3. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: Tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Thực hiện tốt công tác quản lý sau cai, hỗ trợ người nghiện sau cai nghiện ổn định cuộc sống nhằm kéo giảm xuống mức thấp nhất tỷ lệ tái nghiện.
4. Sở Y tế: Tiếp tục duy trì và triển khai mở rộng chương trình Methadone, đặc biệt là các xã trọng điểm, phức tạp về trồng cây thuốc phiện.
5. Sở Thông tin và Truyền thông: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng về phòng chống ma túy nói chung và không trồng cây thuốc phiện nói riêng, tập trung tại các địa bàn trọng điểm, tăng cường vai trò quần chúng Nhân dân trong công tác phát hiện, tố giác tội phạm ma túy.
6. UBND các huyện, thành phố
- Chỉ đạo Ban Chỉ đạo PCTP các huyện, thành phố, các phòng, ban, tổ chức chính trị - xã hội triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống, phá nhổ cây thuốc phiện trên địa bàn. Phân công, phát huy vai trò trách nhiệm của cán bộ xã, bản. Tổ chức cho người dân ký cam kết không trồng cây thuốc phiện.
- Thành lập đoàn công tác gồm lực lượng công an, các phòng, ban, tổ chức chính trị - xã hội của huyện xuống cơ sở tập trung tuyên truyền ngay từ khi thời điểm phát nương, gieo hạt, phối hợp phá nhổ diện tích trồng cây thuốc phiện khi phát hiện.
- Quan tâm cấp kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ cho các lực lượng tham gia thực hiện kế hoạch.
- Riêng đối với huyện Mường Tè tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban, tổ chức, chính trị xã hội tập trung thực hiện công tác phòng ngừa, phá nhổ cây thuốc phiện tại địa bàn xã Tà Tổng và các địa bàn giáp ranh, phát huy những kết quả đã đạt được trong các niên vụ trước, không để tình hình trồng cây thuốc phiện diễn ra phức tạp trở lại.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Căn cứ nội dung Kế hoạch này và chức năng nhiệm vụ được giao, yêu cầu các sở, ban, ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, biện pháp thực hiện cụ thể.
2. Kinh phí thực hiện: Do nguồn kinh phí phá nhổ cây thuốc phiện niên vụ 2018 - 2019 từ Đề án đảm bảo ANTT của tỉnh rất hạn chế. Do vậy, căn cứ tình hình thực tế tại địa bàn, UBND các huyện, thành phố bố trí kinh phí từ ngân sách của địa phương để thực hiện kế hoạch.
3. Thời gian thực hiện kế hoạch bắt đầu từ ngày 06/9/2018 đến ngày 25/4/2019, chia làm 02 đợt:
+ Đợt I, từ ngày 06/9/2018 đến ngày 31/12/2018: Tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân không trồng cây thuốc phiện.
+ Đợt II, từ ngày 15/02/2019 đến ngày 25/4/2019: Nắm tình hình, tổ chức triệt phá diện tích trồng cây thuốc phiện đã phát hiện. Tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch, tham mưu khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc (kinh phí khen thưởng trích từ kinh phí thực hiện Đề án).
4. Giao Công an tỉnh (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo PCTP tỉnh) theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện kế hoạch này; tham mưu tổ chức triển khai, sơ kết, tổng kết việc thực hiện kế hoạch, đề xuất khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác phòng ngừa, phá nhổ cây thuốc phiện.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị liên hệ về đơn vị thường trực thực hiện Kế hoạch (Phòng tham mưu Công an tỉnh - ĐT 069.2469.888) để tổng hợp, xin ý kiến chỉ đạo./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |