Dân chủ là gì? Xây dựng quy chế dân chủ cần quan triệt quan điểm nào?

03/07/2018 11:15 Tài liệu
Dân chủ là chế độ chính trị trong đó toàn bộ quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Nhà nước cần ban hành quy chế dân chủ ở cơ sở có tính pháp lý, yêu cầu mọi người, mọi tổ chức ở cơ sở đều phải nghiêm chỉnh thực hiện. Quy chế dân chủ cần được xây dựng cho từng loại cơ sở xã, phường, doanh nghiệp, bệnh viện, trường học, viện nghiên cứu, cơ quan hành chính, v.v. phù hợp với đặc điểm của từng loại cơ sở.
Dân chủ là chế độ chính trị trong đó toàn bộ quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, do dân thực hiện trưc tiếp hoặc thông qua đại diện do dân bầu ra.
 
Dân chủ gồm có các dạng: dân chủ trực tiếp, dân chủ gián tiếp, hoặc dân chủ nửa trực tiếp. Một trong những đặc trưng nổi bật nhất của hình thức quản lý của chế độ dân chủ là thiết lập và duy trì nguyên tắc “thiểu số phục tùng đa số” và thừa nhận quyền tự do trong chính kiến và bình đẳng về giới tính, về dân tộc, về chính trị xã hội của công dân.
 
Chế độ dân chủ ra đời đánh dấu bước tiến bộ trong lịch sữ phát triển của loài người, trước hết là trong đấu tranh giai cấp nhằm chống lại chế độ quân chủ mà thực chất của nó là một người quyết định tất cả, là hình thức thống trị của một cá nhân. Có các loại: dân chủ tư sản,dân chủ xã hội chủ nghĩa, dân chủ nhân dân, dân chủ đại diện, dân chủ thuần túy; dân chủ hình thức; dân chủ giả hiệu.
 
Dân chủ trong nội bộ cơ quan, đơn vị bao gồm: trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện dân chủ trong hoạt động nội bộ của cơ quan, đơn vị; những việc phải công khai để cán bộ, công chức, viên chức biết; những việc cán bộ, công chức, viên chức tham gia ý kiến, người đứng đầu cơ quan quyết định; những việc cán bộ, công chức, viên chức giám sát, kiểm tra;
 
Dân chủ trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, cơ quan tổ chức có liên quan bao gồm: trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đơn vị và của cán bộ, công chức, viên chức trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, cơ quan, tổ chức có liên quan; quan hệ giữa người đứng đầu cơ quan, đơn vị với cơ quan cấp trên và với cơ quan cấp dưới.
 
 
Hình ảnh minh họa: Hội nghị tổng kết thực hiện quy chế dân chủ cơ sở (Nguồn: Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam)
Theo chỉ thị 30-CT/TW, việc xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở cần quán triệt những quan điểm chỉ đạo sau:
- Đặt việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở trong cơ chế tổng thể của hệ thống chính trị "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ". Coi trọng cả ba mặt nói trên, không vì nhấn một mặt mà coi nhẹ, hạ thấp các mặt khác.
- Vừa phát huy tốt chế độ dân chủ đại diện, nâng cao chất lượng và hiệu lực hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp, vừa thực hiện tốt chế độ dân chủ trực tiếp ở cấp cơ sở để nhân dân bàn bạc và quyết định trực tiếp những công việc quan trọng thiết thực, gắn liền với lợi ích của mình.
- Phát huy dân chủ phải gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao dân trí, tạo điều kiện mở rộng dân chủ có chất lượng và hiệu quả.
- Nội dung các quy chế phát huy dân chủ ở cơ sở phải phù hợp với Hiến pháp, pháp luật, rõ tinh thần dân chủ đi đôi với kỷ cương, trật tự; quyền hạn gắn với trách nhiệm, lợi ích đi đôi với nghĩa vụ; chống quan liêu, mệnh lệnh, đồng thời chống tình trạng vô chính phủ, lợi dụng dân chủ vi phạm pháp luật.
- Gắn quá trình xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ với công tác cải cách hành chính, sửa đổi những cơ chế, chính sách về thủ tục hành chính không phù hợp.