Hình ảnh minh họa: Công an được kiểm tra CMND người dân trong trường hợp nào?
4 trường hợp công an được kiểm tra CMND của công dân hoặc đối tượng có hành vi, dấu hiệu vi phạm pháp luật:
- Thứ nhất: Công an được quyền kiểm tra CMND người dân khi họ cư trú trên địa bàn quản lý. Đây là việc kiểm tra cư trú định kỳ, đột xuất để phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự. Trong đó đối tượng được kiểm tra là công dân ở các hộ gia đình, cơ sở cho thuê lưu trú.
Đồng thời, nếu công an cấp trên kiểm tra tại địa bàn dân cư, thì phải có cán bộ công an nhân dân và công an xã được giao quản lý cư trú tại địa bàn chứng kiến (Theo quy định tại điều 25 và điều 26 Thông tư 35/2014/TT-BCA)
- Thứ hai: Công an kiểm tra CMND khi người dân phạm tội quả tang hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, như: kiểm tra người, giấy tờ tùy thân, thu giữ vũ khí của người có hành vi vi phạm pháp luật quả tang (Theo khoản 6 Điều 9 Pháp lệnh Công an xã 2008).
- Thứ ba: Công an cũng có quyền kiểm tra giấy tờ tùy thân của công dân khi thực hiện công tác xử lý vi phạm (Theo Điều 39 Luật xử lý vi phạm hành chính).
- Thứ tư: CSGT thực hiện việc kiểm tra CMND với người tham gia giao thông (Theo Điều 14 Thông tư 1/2016) trong các trường hợp Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện hỗ trợ phát hiện người vi phạm luật giao thông đường bộ; hoặc thực hiện kế hoạch tổ chức tuần tra xử lý vi phạm, bảo đảm an toàn giao thông của Trưởng phòng CSGT TP hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên.
Theo đó, Công an chỉ được kiểm tra giấy tờ hành chính người dân theo kế hoạch hoặc khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, nghi ngờ vi phạm pháp luật trong địa bàn quản lý.
Trong trường hợp người dân không xuất trình CMND khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền, sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 9 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.