Tại khoản 1 Điều 16 Luật Hộ tịch 2014 người đi đăng ký khai sinh cho con/cháu tại UBND cấp xã cần nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cán bộ hộ tịch.
Bố/mẹ vẫn đăng kí được giấy khai sinh cho con mặc dù chưa kết hôn. Ảnh minh họa.
Nếu rơi vào trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh.
Điều 12 Thông tư 15/2015 của Bộ Tư pháp quy định khi đăng ký khai sinh cho trẻ mà có người yêu cầu nhận cha, mẹ, con thì cơ quan đăng ký hộ tịch kết hợp giải quyết thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con.
Hồ sơ gồm có: Tờ khai đăng ký khai sinh và tờ khai đăng ký nhận cha/mẹ/con theo mẫu quy định; giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay giấy chứng sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật Hộ tịch (văn bản của người làm chứng về việc sinh, nếu không có thì giấy cam đoan về việc sinh, biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi, văn bản chứng minh việc mang thai hộ); chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 11 Thông tư 15.
Về chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con gồm những loại giấy tờ sau: Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền.
Trường hợp không có các văn bản nêu trên thì phải có thư từ, phim, ảnh, băng đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ và giấy cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ là con chung của hai người.
Trong trường hợp nam/nữ sống chung như vợ chồng, không đăng ký kết hôn mà có con chung. Nếu đứa trẻ sống chung với cha, khi người cha làm thủ tục nhận con mà không liên hệ được với người mẹ thì không cần có ý kiến của người mẹ trong tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con.
Nếu có giấy chứng sinh và giấy tờ tùy thân của người mẹ thì phần khai về người mẹ được ghi theo giấy chứng sinh và giấy tờ tùy thân của người mẹ. Nếu không có giấy chứng sinh và giấy tờ tùy thân của người mẹ thì ghi theo thông tin do người cha cung cấp, người cha chịu trách nhiệm về thông tin do mình cung cấp.