Chi trả lương cho người lao động trong thời gian dịch bệnh Covid thế nào? Ảnh minh họa.
Doanh nghiệp gặp khó, có được nợ lương?
Tại Điều 96 Bộ luật Lao động 2012 cũng như Điều 24 Nghị định 05/2015/NĐ-CP về nguyên tắc trả lương không quy định trường hợp nào được coi là lý do bất khả kháng.
Khoản 2 Điều 12 Nghị định 05/2015/NĐ-CP về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động có liệt kê các lý do bất khả kháng: Do địch họa, dịch bệnh; Di dời hoặc thu hẹp địa điểm sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tại khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 có nêu: Sự kiện bất khả kháng là những sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Do đó, có thể coi dịch Covid-19 là một lý do bất khả kháng vì dịch bệnh này được xếp vào một trong những bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Doanh nghiệp gặp khó khăn, không thể trả lương đúng hạn cho người lao động thì có quyền nợ lương nhân viên không quá 01 tháng, đồng thời, phải trả thêm một khoản tiền nếu chậm trả trên 15 ngày, Căn cứ vào Điều 24 Nghị định 05/2015/NĐ-CP.
Cũng căn cứ vào Nghị định trên: việc trả thêm một khoản tiền do chậm trả lương được quy định như sau:
- Nếu trả lương chậm dưới 15 ngày thì không phải trả thêm.
- Nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì phải trả thêm một khoản ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do Ngân hàng Nhà nước công bố hoặc lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng của ngân hàng thương mại, nơi doanh nghiệp mở tài khoản thông báo tại thời điểm trả lương.
Làm việc tại nhà do dịch bệnh có bị giảm lương?
Nhằm ngăn chặn dịch bệnh Covid lây lan nghiêm trọng. Đã có chủ trương cấm tụ tập nơi công cộng, tập trung đông người. Nhiều doanh nghiệp, công ty đã cho nhân viên làm việc tại nhà. Vậy, làm việc tại nhà thì lương được tính thế nào?
Điều 31 Bộ luật Lao động 2012 nêu rõ, khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh… người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động.
Lúc này, người lao động được trả lương theo công việc mới (có thể thấp hơn tiền lương của công việc cũ).
Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% mức lương công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Chỉ được chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động không quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm, trừ trường hợp được sự đồng ý của người lao động.
Khi tạm chuyển người lao động làm công việc khác, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khoẻ, giới tính của người lao động.
Áp dụng những quy định nêu trên, có thể thấy, dù cho người lao động làm việc ở nhà thì doanh nghiệp cũng chỉ được giảm lương khi chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động.