ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/CT-UBND |
Kon Tum, ngày 06 tháng 4 năm 2018 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
Trên cơ sở Luật Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn của Trung ương, trong thời qua, UBND tỉnh ban hành các văn bản để chỉ đạo, điều hành trong công tác quản lý về hoạt động khoáng sản trên địa bàn. Qua đó, các ngành và địa phương đã tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Tại một số địa phương, chính quyền cấp huyện, xã đã nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý hoạt động khoáng sản, xử lý khai thác khoáng sản trái phép được tăng cường, góp phần bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, công tác quản lý bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác còn bộc lộ hạn chế, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn diễn ra ở một số nơi trên địa bàn tỉnh, nhất là khai thác vàng (vàng gốc, vàng sa khoáng), cát, sỏi, đất san lấp, đất sét làm gạch ngói..., tác động xấu đến cảnh quan, môi trường làm thất thu ngân sách. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên một phần là do công tác quản lý của các ngành, các cấp, đặc biệt là đối với cấp cơ sở chưa tốt; hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật chưa cao; ý thức chấp hành pháp luật của một số tổ chức, cá nhân vẫn còn hạn chế; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong tỉnh vẫn còn thiếu chặt chẽ và công tác kiểm tra, xử lý vi phạm thực hiện chưa triệt để và thiếu kiên quyết.
Để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại trên, tiếp tục nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi pháp luật về khoáng sản trên địa bàn, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các cơ quan, ban ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng khoáng sản nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản; Quyết định của UBND tỉnh: số 07/2018/QĐ-UBND ngày 12/02/2018 về Quy chế quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum và số 568/QĐ-UBND ngày 21/6/2017 về Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Kon Tum, trong đó tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
I- Nhiệm vụ chung:
1- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về khoáng sản đến cán bộ công chức, các tổ chức, doanh nghiệp khai thác khoáng sản và Nhân dân trên địa bàn bằng nhiều hình thức và phương pháp phù hợp để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành và ý thức chấp hành pháp luật về khoáng sản của các tổ chức, cá nhân.
2- Tổ chức các lớp bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ về quản lý khoáng sản, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản đối với cán bộ, công chức thuộc UBND cấp huyện, cấp xã và các lực lượng chuyên ngành để nâng cao kiến thức và ý thức trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản tại địa phương.
3- Thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản theo thẩm quyền và quy định tại Luật Khoáng sản, Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ và các quy định khác có liên quan.
4- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, vận chuyển, sử dụng khoáng sản; Xử lý vi phạm theo đúng quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, các văn bản pháp luật khác có liên quan. Nếu phát hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan chức năng có thẩm quyền để điều tra, xử lý theo quy định, đặc biệt là khai thác khoáng sản trái phép.
II- Các nhiệm vụ cụ thể:
1- Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Thực hiện tốt công tác thẩm định, tham mưu cấp giấy phép hoạt động khoáng sản; ưu tiên xem xét cấp giấy phép hoạt động khoáng sản cho các dự án khai thác gắn liền với chế biến sâu, có hiệu quả kinh tế cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn lao động và môi trường trong khai thác, tiết kiệm tài nguyên. Nâng cao chất lượng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án khai thác, chế biến khoáng sản. Chú trọng kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp cải tạo môi trường, phục hồi môi trường theo cam kết.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật khoáng sản trên địa bàn; xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về khoáng sản và bảo vệ môi trường; kiểm soát chặt chẽ sản lượng khai thác thực tế của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản; đình chỉ hoặc trình cấp có thẩm quyền thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản đối với các dự án khai thác gây mất an toàn lao động, tổn thất lớn khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tác động xấu đến cảnh quan môi trường, di tích lịch sử - văn hóa, di sản địa chất; các dự án không hoàn thiện các thủ tục sau cấp phép theo quy định của pháp luật.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan thực hiện tốt Quy chế liên ngành phối hợp trao đổi thông tin, phát hiện và xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh Kon Tum, Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản khu vực giáp ranh giữa các tỉnh. Kịp thời cung cấp thông tin trong quản lý hoạt động khoáng sản khi có đề nghị của các cấp, các ngành và các địa phương.
- Cung cấp cho Cục Thuế tỉnh giấy phép khai thác khoáng sản, tận thu khoáng sản; bản xác nhận khu vực, công suất, khối lượng, kế hoạch khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích dự án xây dựng công trình của các tổ chức, cá nhân khi cấp phép hoặc xác nhận.
- Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát UBND cấp huyện trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác thuộc địa bàn quản lý; phối hợp Sở Nội vụ báo cáo, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo làm rõ, xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu chính quyền địa phương khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép phức tạp kéo dài. Hàng năm xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra công tác quản lý nhà nước của chính quyền địa phương đối với hoạt động khoáng sản.
2- Sở Công Thương:
- Chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan, UBND các huyện, thành thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Rà soát, tham mưu đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khoáng sản đối với địa bàn có các dự án trọng điểm thu hút đầu tư của tỉnh, nhu cầu lớn về sử dụng nguyên vật liệu phục vụ cho việc xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật; tham mưu đề xuất đưa ra khỏi quy hoạch đối với các điểm mỏ liên quan đến đất rừng, các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, các khu vực đang có xu thế thay đổi chế độ thủy văn, thủy lực...; tham mưu UBND tỉnh quy hoạch bến bãi, tập kết cát, sỏi bảo đảm phù hợp, quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên.
- Nâng cao năng lực, trách nhiệm trong việc thẩm định: thiết kế cơ sở, dự án đầu tư xây dựng công trình mỏ, thiết kế mỏ, cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong khai thác khoáng sản theo thẩm quyền.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc thực hiện thiết kế mỏ, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản; cung cấp thông tin về khối lượng đá sau nổ mìn, nhu cầu sử dụng đá sau nổ mìn... của tổ chức, cá nhân có liên quan đến Sở Tài nguyên và Môi trường và cơ quan Thuế để thực hiện công tác quản lý, tổ chức thu nộp ngân sách nhà nước theo quy định; Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong việc thực hiện quy trình bảo quản, vận chuyển và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp theo quy định của pháp luật.
- Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ; xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
3- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện, xử lý kịp thời hành vi vi phạm pháp luật theo quy định đối với tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, đê kè, hành lang tiêu thoát lũ trên các tuyến sông.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định; tuyệt đối không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao quản lý, sử dụng để tổ chức khai thác khoáng sản trái phép; kịp thời báo cáo các ngành chức năng xử lý các hành vi vi phạm đến công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản.
4- Sở Xây dựng:
- Tổ chức công bố và thực hiện các quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng quốc gia, quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của tỉnh đã được phê duyệt theo quy định của pháp luật; tham gia ý kiến Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản của tỉnh; tổ chức thẩm định các dự án đầu tư xây dựng, thiết kế cơ sở công trình khai thác khoáng sản tại địa phương theo quy định của pháp luật hiện hành và phân công của UBND tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, các đơn vị liên quan thực hiện việc hướng dẫn xác định giá, kê khai giá, đăng ký giá, đăng ký quy cách chất lượng sản phẩm; Công bố giá vật liệu xây dựng trên địa bàn các huyện, thành phố. Kiểm tra chất lượng các sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng được sản xuất, lưu thông và đưa vào sử dụng trong các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.
- Tham mưu hiện tốt Kế hoạch số 548/KH-UBND ngày 07/3/2018 của UBND tỉnh phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 và lộ trình giảm dần, chấm dứt sản xuất gạch xây đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
5- Sở Giao thông Vận tải:
Kiểm tra xử lý các dự án khai thác khoáng sản vi phạm đến hành lang công trình giao thông đường bộ, đường thủy. Tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường của các phương tiện vận chuyển khoáng sản khi tham gia giao thông, nhất là các vi phạm về chở quá khổ, quá tải, làm rơi vãi đá, đất, cát sỏi và ảnh hưởng xuống cấp đường giao thông...
6- Công an tỉnh:
Chỉ đạo các phòng chức năng và Công an các huyện, thành phố phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND các huyện, thành phố, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động khai thác trái phép khoáng sản. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.
7- Sở Tài chính:
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu triển khai việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung khung giá tính thuế tài nguyên trên địa bàn tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư số 44/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017.
- Tham mưu UBND tỉnh bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm kinh phí cho công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác để đảm bảo các ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả.
8- Cục Thuế tỉnh:
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố kiểm tra, đối chiếu khối lượng kê khai, nộp thuế của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản; tổ chức kê khai, thu nộp các loại thuế, phí đảm bảo thu đúng, đủ theo quy định, tránh thất thu ngân sách; đôn đốc các tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động khai thác thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước; phối hợp với các ngành có liên quan đề xuất đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép đối với tổ chức, cá nhân chây ỳ nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường.
9- Sở Lao động Thương binh và Xã hội:
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương tăng cường thanh tra việc chấp hành pháp luật lao động, các quy định pháp luật về an toàn lao động của các tổ chức khai thác khoáng sản.
10- Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Kon Tum, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh:
Phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản và các quy định pháp luật có liên quan bằng nhiều hình thức và phương pháp phù hợp. Kịp thời biểu dương trên phương tiện truyền thông đối với các tập thể, cá nhân điển hình thực hiện tốt và hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.
11- Sở Nội vụ:
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh xử lý trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND cấp huyện nếu để xảy ra hoạt động khoáng sản trái phép trên địa bàn diễn ra trong thời gian dài, mà không giải quyết dứt điểm theo Quy chế quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum, Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Kon Tum và quy định của pháp luật về công chức hiện hành.
12- UBND các huyện, thành phố:
- Tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; vận động người dân không tiếp tay cho các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép.
- Thực hiện các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại địa phương; chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn, đặc biệt ở khu vực giáp ranh giữa các xã, các huyện.
- Chỉ đạo, tổ chức thường xuyên các Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện, của xã để kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép nhất là đất san lấp, đất sét, cát, sỏi... Có biện pháp quản lý hiệu quả không để xảy ra tình trạng khai thác trái phép khoáng sản tái diễn. Địa phương nào để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép thì Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và bị xử lý theo quy định
13- Các sở, ban, ngành liên quan
Thực hiện tốt quy định của pháp luật về bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác và các quy định về phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
14- Các tổ chức, cá nhân được cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản; các tổ chức, cá nhân sử dụng khoáng sản:
- Có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản trong diện tích được cấp phép; quá trình khai thác nếu phát hiện khoáng sản mới đi kèm phải báo cáo ngay cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép. Tổ chức, cá nhân sử dụng đất có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong diện tích đất đang sử dụng theo quy định của pháp luật.
- Tăng cường hợp tác trong việc quản lý khai thác, vận chuyển khoáng sản, bảo vệ môi trường; tự giác, chủ động thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trong hoạt động khoáng sản như: nghĩa vụ tài chính, bảo vệ, xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong khu vực; chấp hành nghiêm giờ giấc hoạt động khai thác, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, vận chuyển khoáng sản như đã cam kết.
- Khai thác, chế biến khoáng sản phải tuân thủ nghiêm theo thiết kế, dự án đầu tư, báo cáo đánh giá tác động môi trường/kế hoạch bảo vệ môi trường, dự án/phương án cải tạo phục hồi môi trường đã được duyệt và giấy phép khai thác khoáng sản đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép; thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo hộ, an toàn - vệ sinh lao động, an toàn sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường, ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ và phục hồi môi trường, đất đai sau khai thác. Tích cực áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. Công khai diện tích cấp phép, cắm mốc cấp phép, thời gian khai thác, số lượng ghe (tàu) khai thác đối với cát sỏi để các ngành và người dân giám sát, kiểm tra.
- Thực hiện nghiêm túc việc kê khai sản lượng khai thác, chế biến, nộp đủ, đúng hạn các khoản thuế, phí vào ngân sách nhà nước theo quy định. Thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo định về hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản.
UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ngành, đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và định kỳ tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |